Những chuyến taxi như vậy cứ lần lượt lướt qua ký ức, đến những con đường thênh thang. Lòng người cũng thênh thang.
Có lúc nhìn ngắm bên vệ đường, mảng cỏ xanh mới lần trước ghé qua nay người ta đã bứng đi đâu, trơ trọi nền xi măng cứng ngơ cứng ngắc.
Có lúc nhìn mảng tường cũ kỹ, nhớ lần trước ghé qua vẫn còn cằn cỗi, trơ trơ, nay đám dây leo rảnh rỗi nơi đâu kéo đến mọc chơi. Mát rượi lòng người.
Xe vẫn cứ chạy, và nhạc vẫn cứ vậy nền nã bên tai.
One way ticket to the blue.
Vé một chiều đến những niềm đau…
Nếu một lúc thấy bản thân chẳng còn được an toàn, bạn hãy thử đứng bên vệ đường ngoắc một chiếc taxi, đi vòng quanh những con đường Sài Gòn chật chội và nhìn người ta sống ra sao. Để thấy rằng, được ngồi giữa taxi lạc lõng, lại thấy lòng mình lặng biết bao nhiêu.
Có đoạn đời cô đơn cùng facebook
“Ở thế giới đó, người ta có trăm ngàn bạn bè, vài ngàn người theo dõi, thế nhưng thực chất vẫn là như đứa trẻ tự kỷ ngồi thu lu trong căn phòng tù túng, loay hoay hoài chẳng biết làm cách nào thoát khỏi sự cô đơn đến nghẹt thở.”
4 tháng hai năm 2004, Mark có lẽ không bao giờ nghĩ rằng mạng xã hội mình sáng lập ra lại có thể làm được nhiều việc và trở thành một cuộc cách mạng như vậy. Nhưng đồng thời, nó cũng làm cho người ta tranh cãi, buồn, vui, đau khổ nhiều như vậy.
Chẳng ai phủ nhận, thực sự facebook kéo người ta chìm đắm trong thế giới ảo, nó như cơn nghiện dai dẳng chẳng thể nào tìm được cách cắt cơn.
Có người cáu bẳn lên, rồi post lên một cái status – lại trên facebook – rằng, họ sẽ từ bỏ nó, thế nhưng vài ngày sau, lại thấy người đó comment nhiệt tình ở những vấn đề vốn chẳng liên quan đến mình.
Như cái kiểu, “Bạn hãy thử cai nghiện facebook để tập trung học hành, làm việc đi. Tôi đã thử và thành công rất nhiều lần.”
Người ta mê mẩn facebook vì một lý do đơn giản, họ cần sự quan tâm, dẫu cho chỉ từ những người chưa quen biết, thông qua một cái nhấn like hay một dòng comment.
Thú nhận đi, nếu bạn đang sở hữu một cái facebook, dù bận rộn thế nào, bạn cũng muốn dành chút thời gian để kiểm tra coi có ai like, comment trên status, hay hình của mình không.
Nếu có, bạn hí hửng trả lời, tự cười và thỏa mãn vì thấy rằng chí ít cũng có người đồng cảm với ta, hiểu những gì ta muốn nói, chia sẻ những nỗi buồn vu vơ.
Nếu không, ta chợt thấy cô đơn kinh khủng, nhưng sẽ vẫn ngồi đọc để coi thế giới xung quanh đang diễn ra chuyện gì, và ta sẽ comment, like cho người khác, để hi vọng họ đối đáp tương tự.
Hay đơn giản, người ta muốn bật facebook lên để thấy câu: “Bạn đang nghĩ gì?” và thầm cảm ơn Mark đã luôn quan tâm ta.
Vì vậy, càng cô đơn người ta càng điên cuồng facebook. Được quan tâm, luôn là nhu cầu cơ bản nhất về mặt cảm xúc mà con người cần.
Có facebook, người ta bỏ đi nhiều thói quen nhàm chán.
Thay vì phải đọc hàng loạt tin tức chưa chọn lọc, chúng ta chỉ cần đọc những thông tin nhiều người chia sẻ, vì đó là thông tin đang nóng, chắc chắn thế nào ngồi café cũng được đem ra bàn.
Thay vì coi game show TV, chúng ta chỉ cần lướt facebook là đã có thể biết đội nào thắng, thua, ai hát hay, ai mặc đồ gì. Rồi có thể viết những status rất dài để thể hiện rằng dù chưa qua trường lớp nhưng ta vẫn là giảng viên thanh nhạc, nghệ thuật.
Thay vì đứng dậy đi làm từ thiện, giúp đỡ những người khốn khổ xung quanh, chúng ta cứ an tâm rằng những cú click like của mình sẽ biến thành cơn mưa tiền xu rơi vào túi người nghèo. Hay còn ghê gớm hơn, có thể chữa được luôn cho những người đang trong cảnh ngặt nghèo bệnh tật.
Mỗi lần bị thương tật, thay vì đi mua thuốc uống hay tìm cách chạy chữa, có người lại chụp hình rồi post lên facebook. Rồi ngồi đó, an tâm rằng những cú click like, những câu comment sẽ biến thành thần dược, chữa lành mọi vết thương nếu có.
Và ta an tâm chết trong cõi ảo.
Ở facebook, con người ta biết cách che giấu cảm xúc, che luôn cái tôi vị kỷ, hay tạo ra lớp vỏ bọc cứng cáp giả tạo để chống lại mọi thứ xung quanh.
Khi post một status buồn thảm, có người quan tâm, hỏi han, ta lắc đầu rồi comment bên dưới. “Chẳng có gì đâu, chỉ là lời bài hát, hay cảm xúc vu vơ thôi.”
Thực chất, lòng ta đang buồn vô hạn.
Facebook cũng thường là nơi ta thể hiện cái tốt nhất của mình.
Có người chụp hình, rất đẹp, rất rạng ngời với quần áo lung linh, khung cảnh hoành tráng, và rất nhiều người like.
Có người post những status vui vẻ, buồn cười, ai đọc vào cũng cảm thấy thư giãn, và rất nhiều người like.
Có người viết những câu chuyện sầu thảm về những số phận đau thương trong cuộc sống, và cũng rất nhiều người like.
Nhưng lạ lắm, có người thay vì post những điều thể hiện bản chất, nội tâm, suy nghĩ hay post những tấm hình chân thật của mình, họ kéo áo, tụt quần, trang điểm lòe loẹt, hở những nơi cần hở, thậm chí không cần cũng hở, rồi nhận được rất rất nhiều người like. Đến cuối cùng, họ than thở rằng: “Người ta chỉ đến với mình bằng nhan sắc bên ngoài, không ai hiểu mình đang cảm thấy thế nào…”