Và có cả những người chia tay bằng nỗi đau. Từ đôi môi trước đây nói những điều ngọt ngào, họ tuôn ra thứ câu chữ cay độc cứa vào tim nhau cho rỉ máu. Họ thậm chí nghĩ đến việc đem những bằng chứng tình yêu trưng ra để đối phương nhục nhã. Cho đến khi ngôn từ bất lực, họ buộc phải để bạo lực lên ngôi. Nhìn thấy con người ta từng yêu thương trở ra như vậy, thử hỏi, lòng có chợt đau?
Khi chia tay, người ta thường hay nói:
“Anh xin lỗi… nhưng em là người anh đã yêu thương nhất. Hy vọng em sớm tìm được hạnh phúc.”
Câu nói ấy sáo rỗng làm sao, như cái kiểu “Em rất tốt, nhưng anh rất tiếc.” Nói vậy để làm gì nhỉ? Để cố gắng an ủi đối phương? Để thể hiện rằng ta đây là người vô cùng nghiêm túc trong chuyện tình cảm? Hay muốn gieo vào lòng đối phương cảm giác tiếc nuối, dằn vặt vì đã không biết giữ mình lại? Hay đơn giản chỉ là nói cho có nói vậy thôi. Vì sao lúc bên nhau không trân trọng, đến giờ lấy đi rồi lại chúc người ta tìm được một hạnh phúc mới.
Nói vậy, thà im lặng còn hay hơn.
Với mối tình vừa xa cách, câu cuối cùng đã nói với người ta là:
“Cảm ơn em đã đi cũng anh một đoạn đời cô đơn.”
Chẳng dám khẳng định hoặc cho rằng câu nói của mình là hay, là đúng, nhưng thiết nghĩ, thật sự phải cảm ơn người ấy cho những điều ngọt ngào nhất đã trao tặng trong lúc còn yêu thương.
Như thể chúng ta dừng xe, đón một người khách lên chuyến xe cuộc đời, rồi khi dừng ở một bến đỗ, người ta đi xuống thì người tài xế là ta nên lịch sự cảm ơn là điều hợp lẽ.
Đôi khi, cách chia tay của cả hai lại chẳng thể hòa hợp cùng nhau, và đó là vấn đề phát sinh nhiều chuyện đau đầu, như em họ và cô bạn gái.
Cô gái muốn gặp, nhưng chàng trai lại muốn im lặng rời khỏi, vì nhiều khi gặp lại càng thấy đau lòng hơn.
Một người muốn dùng lời lẽ cay nghiệt để làm đau đối phương, trong khi người kia chỉ biết mỉm cười cho qua việc.
Ta suy nghĩ coi có nên nhường nhịn cho đối phương, lần cuối cùng trước khi mãi xa cách, hay vẫn nhất quyết giữ cho bằng được cái tôi cá nhân. Đến đây, lại dùng cái nghĩa để phân trần vì lúc này tình thì đã hết. Nghĩa đấy là lúc nhớ lại những ngày còn hạnh phúc, vui vẻ cùng nhau.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì kết quả vẫn chỉ là một. Sau thời khắc ấy, cuộc đời chúng ta vắng bóng một con người từng khắng khít.
Hạnh ngộ rồi chia ly, cuộc vui rồi sẽ tàn, chỉ là sớm hay muộn. Chúng ta biết rằng, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua. Nhưng để quên đi những kỷ niệm ngọt ngào, quên đi hình ảnh một người yêu thương, là điều không hề đơn giản. Thế nên sau khi chia tay, ta cần phải học cách để sống… mà đơn giản nhất là tập làm quen dần với cảm giác thiếu vắng người kia trong cuộc đời.
Ngày còn yêu, khi đau buồn, tôi thường mượn vai họ làm điểm tựa, nay phải làm quen với việc úp mặt vào đôi bàn tay gầy guộc.
Ngày còn yêu, khi nước mắt lăn dài, họ thường tìm cách an ủi, dỗ dành, nay phải làm quen với việc nuốt nước mắt vào trong.
Ngày còn yêu, chỉ cần một tiếng ho nhẹ, họ đã khoác áo, hỏi han, nay phải làm quen với việc tự đi mua thuốc cho mình.
Ngày còn yêu, điện thoại luôn ngập tràn tin nhắn, cuộc gọi, nay phải làm quen với việc nó trống trơn, thỉnh thoảng báo tin nhắn của tổng đài khuyến mãi.
Ngày còn yêu, không khi nào thấy lạnh khi chạy đường đêm, vì có họ ngồi đằng trước, nay phải làm quen với cơn gió thốc ngược vào người.
Ngày còn yêu, được họ yêu, nay phải làm quen với việc tự yêu chính bản thân mình.
Và cứ như vậy, chỉ đơn giản là tập làm quen với việc sống mà không có người ta.
Quãng thời gian đó dài hay ngắn, còn tùy thuộc vào ta đã từng yêu nhiều hay ít.
Trong những ngày đau khổ nhất về một mối tình đã qua, mẹ không biết tường tận, nhưng linh cảm đàn bà để nói một câu bâng quơ:
“Mấy cái chuyện tình cảm, lúc đau thì nó đau ghê lắm, nhưng được một thời gian là thôi… chẳng còn nhớ gì đâu.”
Đến giờ vẫn luôn nhớ câu nói của mẹ và cảm thấy nó vô cùng đúng..
Cũng có nhiều người vào hỏi cách để quên đi một người, với những người như vậy, chỉ có một lời khuyên.
“Nếu khóc được, hãy cứ khóc. Vì ít ra nỗi đau cũng còn có chỗ nương nhờ rồi rơi xuống đất vỡ tan, hơn là phải cứ chất chứa trong lòng… Nếu thấy nhớ, thì cứ nhớ cho bằng hết. Vì lúc tìm quên là lòng lại càng nhớ nhung da diết, nên thôi đành dặn lòng cứ cố nhớ để tìm quên…”
Cách đấy đau lắm, mà cũng không dễ làm, nhưng đã làm được thì chắc chắn nỗi đau sẽ vơi đi rất nhanh.
Vậy nên mới thấy, yêu nhau khó một, giữ nhau khó mười thì đến lúc chia tay chắc phải khó một trăm lần.
Có lẽ vì vậy mà mỗi lần yêu, thường hay nói trước với người ta.
“Dù có giận cỡ nào, tức tới đâu, cũng đừng bao giờ nói chia tay. Chữ ấy không phải có thể đem ra đùa, để rồi nguôi nguây lại tìm về nhau để yêu…”