- Thế à? Thế còn bia gừng thì sao? Hay là nước quả? Được chứ?
- Tiên sinh, - Nôrikô nắm lấy khủyu tay Naôê, - họ đang đợi ngòai kia.
- Bác sĩ đừng quên đấy nhé! - Đzyunkô đá lông nheo với Naôê.
Một lát sau, Đzyunkô trong chiếc quần ống hẹp và chiếc áo măng-tô nhẹ màu đỏ nhanh nhẹn bước ra khỏi bệnh viện, ngồi lên xe hơi và phóng đi.
Cũng như thường lệ vào tiết cuối năm, trong các bệnh viện số bệnh nhân ngót hẳn đi. Ai nấy đều bận bịu với những công chuyện sửa sọan ăn tết, chẳng mấy ai còn nghĩ đến bệnh tật. Vào thời gian này ít có người đi tìm bác sĩ.
Ở bệnh viện Oriental cũng đã vào thời kỳ vắng khách. Quả tình các bệnh nhân ngọai trú vẫn còn đến, nhưng các phòng bệnh nhân đều vắng tanh - mặc dầu hãy còn hai tuần nữa mới đến tết.
Các bệnh nhân nằm ở các phòng thượng hạng sang trọng cũng đã xuất viện. Cả cái tầng sáu này chỉ còn lại một mình Đzyunkô Hanađzyô.
Bây giờ, sau cuộc phẫu thuật, cô cứ mỗi ngày hai lần thực hiện đúng thủ tục ngồi vào chậu nước ấm. Một thủ tục dễ chịu làm cho bệnh nhân đỡ đau hẳn, tuy cái cảnh tượng này dĩ nhiên không hẳn là một mỹ quan. Dù sao trong thời gian nằm bệnh viện, Đzyunkô cũng đã quen được nhiều thứ.
Ngòai Đzyunkô ra, bệnh nhân đã đem lại cho Naôê nhiều nỗi lo âu là Yôsiđzô Isikura. Vào những ngày gần đây ông già lại bắt đầu kêu đau và thấy nặng trong dạ dày.
- Bác sĩ ạ, tôi không sao ăn được, - ông cụ nói như muốn khóc. Nước da cụ xanh xao, hai má hóp hẳn lại. - Mà hôm qua lại sốt nữa. Bị cảm lạnh hay sao ấy?
- Ban đêm ở đây tắt lò sưởi điện, cụ nên mặc ấm hơn, - Naôê đáp trong khi xem xét tờ ghi nhiệt độ.
Suốt tuần vừa qua, nhiệt độ của cụ Isikura hằng ngày lên đến 38, đôi khi còn cao hơn. Các thứ thuốc giảm nhiệt hầu như không có tác dụng, chỉ được ít lâu cái cột thủy ngân lại bắt đầu trườn lên phía trên một cách nhẫn tâm. Đó là một dấu hiệu chắc chắn của sự cáo chung đã đến gần. Giai đọan cuối cùng của cơn bệnh. Mọi biện phái điều trị đều hoàn toàn vô ích...
- Có lẽ mới xuất hiện một chỗ loét khác ? - Cụ Isikura thở dài.
- Chắc không phải, - Naôê nói, giọng không vui.
- Thế đến tết bác sĩ cho tôi ra viện chứ ?
Naôê trao tờ ghi nhiệt độ cho Nôrikô và quay ra cửa sổ, phía mặt trời mùa đông đang tỏa một ánh sáng trắng trong làn sương sớm.
- Lão muốn ăn tết ở nhà, - ông già nói tiếp, giọng run run, và lòng Nôrikô se lại một cách đau đớn.
- Lưng có đau không ?
- Cám ơn bác sĩ, cũng đỡ rồi. Chỉ có điều là tôi không còn chút sực nào nữa bác sĩ ạ..... Bệnh họan đã làm cho tôi kiệt lực rồi.
- Cụ đừng xúc động, có hại đấy. Cụ cứ nằm nghỉ đi.
- Bây giờ trong đầu tôi nó cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh. - Cụ Isikura đưa mắt liếc sang cô con dâu. - Chắc tôi sống chẳng còn bao lâu nữa...
- Cụ nên nghĩ đến chuyện đi câu đi.
- Chà ! - Ông già mừng rỡ chộp lấy cái đề tài ưa thích ấy. - Đã hơn một năm nay tôi không được đi câu ! Đến khi nào khỏi, tôi sẽ đi câu hằng ngày. Tôi sẽ bù lại thời gian đã mất.
- Phải đấy, cụ cố lên cho chóng khỏi ... - Naôê cáo từ và ra khỏi phòng. Cụ Isikura lặng lẽ nhìn theo.
Ngay hôm ấy Naôê mời hai vợ chồng anh con cả của cụ Isikura đến gặp.
Khi họ bước vào, ông nói với họ bằng cái giọng bình thản nhất:
- Cụ thân sinh của ông chỉ còn sống được không đầy một tháng nữa. Lâu nhất là đến giữa tháng giêng.
- Sao ?! Chỉ có thế thôi ạ ?...
- Trước đây tôi tưởng cụ sẽ kéo thêm được ít lâu, nhưng hôm nay tôi hiểu ra rằng mình nhầm. Cụ yếu quá. Hết cách rồi.
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.
- Bác sĩ biết chắc như vậy à ?
- Phải. Xin hỏi cụ nhà có nói gì với ông bà về cuộc phẫu thuật hôm trước không?
- Có. Ông cụ tôi lấy làm lạ sao không thấy đỡ, - Isikura - con gật đầu.
- Cụ không đoán ra được điều gì à?
- Ấy, hôm kia cụ tôi bỗng thốt ra: hay đây là bệnh ung thư?
- Tôi hy vọng là ông bà không nói gì với cụ chứ?
- Không-không, đời nào ! Chúng tôi đã trả lời đúng lời bác sĩ dạy.
- Thế thì tốt. Dù có thế nào cũng tuyệt nhiên không được nói sự thật với cụ. Lóat dạ dày, trước sau cũng chỉ có loét dạ dày mà thôi. Ông bà hiểu chưa? Nếu chính cụ bắt đầu nói đến ung thư thì ông bà phải cười xòa và nói lảng sang chuyện khác.
- Nhưng hình như cụ đã đoán được rằng bệnh mình không còn cứu chữa được nữa.
"Con trai giống bố quá, - Naôê chợt nhận thấy thế, - Nhất là đôi mắt và cái mũi..."
- Không sao, cụ muốn nghĩ gì thì cứ để mặc cụ. Còn ông bà, - giọng Naôê cương quyết, - phải làm đúng như tôi nói. Đối với ông đó là cách duy nhất để làm tròn đạo hiếu. - Nói đọan Naôê đứng dậy, cho khách hiểu rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc.
Kôbasi đang ở trong một tâm trạng u tối. Và nguyên nhân của tâm trạng đó là Đziêrô Tôda, đã ra viện vào cuối tháng mười một.
Hắn ra đi hoàn toàn khỏe mạnh. Cái sẹo trên trán không còn mưng mủ nữa, cảm giác đau và chóng mặt cũng không còn. Quả tình cũng có những chỗ sẹo lồi, cần có phẫu thuật thẩm mỹ mới hết được. Nhưng Kôbasi thấy không cần vội. Rất có thể nó sẽ tự nó lặn đi. Khi Tôđa ra viện, Kôbasi đã cho hắn một hộp thuốc mỡ khá đắt tiền, dặn phải thường xuyên bôi lên những chỗ sẹo, và cứ hai ngày một lần, đến bệnh viện để xem lại.