Lúc đó tôi đã không nhớ một số người một số việc, nhưng những người đó, những việc đó, luôn là những thứ dịu dàng mà vững chắc bên cạnh tôi, chưa bao giờ rời xa tôi. Tôi đã từng hỏi anh, một bông hoa có thể sống được bao lâu, trong năm tháng cô đơn của tôi, trong sâu thẳm trí nhớ trống rỗng kia, tôi nhớ anh đã đưa cho tôi một bức tranh của Van Gogh, bức “Hoa hướng dương”, màu vàng rực rỡ, cành lá dang rộng.
Sau này tôi mới biết, thông điệp của hoa hướng dương là tình yêu thầm lặng. Giống như trong những năm tháng đó, anh luôn dành sự chăm sóc cho tôi.
Tôi không nhớ anh, nhưng anh vẫn yêu tôi, thời gian cứ trôi đi tình yêu không ngừng tăng lên. Anh nói, năm tháng của một bông hoa có thể sẽ rất dài, sẽ nở rực rỡ và mãnh liệt trong sự cô đơn của em, vì có sự hiện diện của tình yêu nên nó sẽ chẳng bao giờ héo tàn.
Tôi đã từng gặp rất nhiều người, thủy chung gắn bó với nhau như hình với bóng, cùng nhau đi hết cuộc đời, sau đó tôi đã gặp anh.
Chỉ cần có anh ở đây, chỉ cần có tôi ở đây, chúng tôi sẽ không vội vàng, cũng không chậm rãi mà sẽ cùng nhau đi hết bốn mùa.
[Tải ảnh]
Chương 1 - Quả chín giữa hè
Sống ở tầng trên nhà tôi là một gia đình bác sĩ.
Ở thành phố phồn hoa này, người giàu, kẻ nghèo đủ cả, nhưng ai cũng đều có thể mắc bệnh, nói một cách khác, khi đối mặt với bệnh tật mọi người đều bình đẳng như nhau, chỉ là giai tầng không giống nhau mà thôi.
Gia đình tầng trên ấy, nếu nói tên ra thì chắc chẳng mấy ai biết, nhưng nếu nhắc đến học vị và sự tích về họ thì hầu như ai cũng biết. Những người có tuổi đều là bác sĩ của bệnh viện Đông Hoa – bệnh viện loại ba hạng A với số giường bệnh lớn nhất nằm trong top 100 bệnh viện tốt nhất cả nước, đồng thời cũng là bệnh viện thu phí cao nhất và có địa thế đẹp nhất.
Ông là viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, chuyên gia khoa ngoại, được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện.
Bà là chủ nhiệm khoa sản, học sinh của Vương Thục Chinh[1].
[1]Vương Thục Chinh: Viện trưởng đầu tiên của Viện phụ sản trực thuộc bệnh viện số một Trung Quốc.
Kỳ lạ một điều là hai người không có con, xác suất bị vô sinh cơ bản có thể loại trừ. Năm đó những người có nguyện vọng muốn gia nhập vào lớp người không muốn sinh con phải chịu một áp lực tâm lý khá lớn, nhưng họ đã làm được.
Khi tôi lên ba, qua ông nội, tôi đã nhận họ làm bố mẹ nuôi, có con gái họ vui lắm. Họ đem các loại kim tiêm, thuốc tiêm, penicillin đến cho tôi làm dụng cụ dạy học vỡ lòng, hậu quả con búp bê vải nhà tôi bị bơm vào ba lọ penicillin, sau đó penicillin lên men bốc ra thứ mùi lạ, con búp bê vải bị vứt đi, vậy là những bước chân chập chững theo đuổi Y học của tôi đã bị chết nghẹt từ trong trứng nước.
Năm ấy, khi tôi điền hồ sơ thi đại học, bố mẹ nuôi liệt kê cho tôi hàng tá danh sách các trường Y, vì tôi đã có lựa chọn từ trước, cho nên tất cả đám tài liệu đó đã bị tôi vứt cho những phần tử yêu Y học điên cuồng trong lớp. Mấy đứa đấy sau này lấy đầu lâu làm mặt nạ, lấy xương cụt làm khóa dây chuyền, lên lớp học tổ chức phôi thai thì thi nhau chụp hình ảnh tế bào của cơ quan sinh dục. Đến khi thực tập lâm sàng thì bọn họ cuối cùng lại không có động tĩnh gì nữa, quay về thì cứ ôm lấy tôi mà khóc, nói tôi là tên thủ phạm đầu sỏ hại bọn họ, bắt tôi phải chịu trách nhiệm.
Tất cả những điều nói trên đều chứng minh một điều là bố mẹ nuôi của tôi là tuýp người rất giỏi, rất hiền lành lương thiện, nhưng cũng thường xuyên "có lòng" làm hỏng chuyện.
Từ nhỏ trong tôi đã cùng tồn tại hai cảm xúc vừa sợ hãi vừa quen thuộc với bệnh viện và bác sỹ, nhưng may mắn một điều là lúc nào tôi cũng khỏe mạnh, kể cả khoảng thời gian bốn năm ở Đức một mình, tôi cũng chưa một lần bị bệnh gì ngoài cảm cúm sơ sơ.
Ngược lại với tôi, cô em Dụ Lộ từ nhỏ đã ốm yếu, lại còn bị bệnh trầm cảm.
Có lẽ bác sỹ rất ghét những người ốm bơ phờ xung quanh mình, cho nên bố mẹ nuôi tôi không thích Dụ Lộ chút nào. Có một dạo họ rất nóng lòng muốn chữa bệnh cho Dụ Lộ, nhưng khi vừa nghe đến mỗi ngày kiên trì chạy ba kilomet, lên cơ bụng năm mươi cái là cô nàng đã run rẩy, hỏi vội rằng: "Có thuốc để uống không ạ?"
Đây chính là chứng bệnh chung của người Trung Quốc, đã ốm là phải uống thuốc, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động bên ngoài mà mất đi bản năng của mình.
Bố nuôi tôi là chuyên gia khoa ngoại, tính tình không dễ chịu lắm, lúc đấy mới gào lên: "Con suốt ngày uống thuốc, để làm gì? Muốn sau này ta phẫu thuật cắt bỏ gan của con đi hả, hay là muốn sao?".
Cô nàng tủi thân, cúi đầu xuống không nói được câu nào. Tiếp đó, ông bắt đầu nhắc đến tôi: "Lần trước Dụ Tịch bị sốt, rồi sao, chưa cần vào viện đã khỏi rồi".
Tôi liền chen vào: "Con chạy hai vòng quanh sân vận động, về nhà lăn ra ngủ một giấc, thế là khỏi".