Đó chính là hơi thở của sự sống, mặc dù là vậy nhưng lá cũng sẽ dần khô héo và rụng đi.
Ánh đèn sáng trắng, bao trùm khắp mặt đất từ cổng viện đến tòa nhà, bước chân lên như đang đi dạo trên tuyết.
Tôi vào thang máy, ấn tầng sáu, nhưng lập tức thấy hối hận nên lại ấn tầng năm, để đối diện với Cố Tông Kỳ tôi cần chút thời gian chuẩn bị tâm lý.
Bước từng bước nặng nè, các phòng bệnh dường như đã tắt đèn. Ở bàn y tá cũng chỉ còn mỗi một cô đang viết hồ sơ bệnh án. Tôi tiến tới xem, thấy tay cô ấy vừa nghiêng cái, bút đã lăn đi rõ xa và cô ấy tỉnh giấc.
Tôi nhìn cô ấy vẻ thông cảm, trong lòng thấy hơi bồn chồn.
Có thể trong đêm yên tĩnh thế này, tôi rón rén vào văn phòng bác sĩ. Một vị bác sĩ nội trú đang nằm bò trên bàn ngủ, một sinh viên thực tập khóa ba thì chắc là vừa tỉnh ngủ nên chẳng quan tâm đến sự có mặt của tôi, ngất ngưởng mò vào phòng vệ sinh.
Cố Tông Kỳ thì đang ngồi trước máy tính, chống tay lên trán, mắt nhắm nghiền.
Trên màn hình máy tính là sơ đồ bệnh án của hai mươi lăm bệnh nhân, ánh sáng hắt vào khuôn mặt anh, lúc này trông anh thật đẹp. Anh cứ yên lặng ngồi im như thế trước mặt tôi, giống như một bức tranh cổ nhuộm màu thời gian. Tôi không lên tiếng cứ nhìn anh như thế, tôi nghĩ giờ cứ nhìn anh thêm một chút, biết đâu sau này chẳng còn cơ hội.
Ai bảo anh có người yêu cơ chứ, ai bảo tôi là một con người đạo đức.
Sau lưng vang lên tiếng ai đó uể oải nói, là cậu sinh viên thực tập vừa nãy: "Chào chị, chị tìm bác sĩ Cố à?".
Tôi vẫn chưa kịp phản ứng thì anh mở mắt nhìn tôi, giây phút ấy ánh mắt tôi chạm với ánh mắt mệt mỏi, mơ hồ và yếu đuối của anh, nhưng chỉ trong tích tắc, nó biến mất. Anh chớp chớp mắt nói: "Ơ, là em à?".
Có thể là lâu quá không mở miệng nói, nên giờ cổ họng tôi tự nhiên lại không nói nên lời, mất một lúc lâu sau mới "ừ" được một tiếng.
Anh đứng dậy rót nước cho tôi, lấy trong ngăn kéo ra một quyển sách, đưa cho tôi nói: "Chính là quyển này đây".
Tôi sướng điên lên, lật trang đầu tiên đọc một lúc rồi lại lật đến đằng sau, nhận ra đúng là câu chuyện mà anh nói, nói về bác sĩ khoa Thần kinh, có điều là rất nhiều từ chuyên ngành mà tôi chẳng hiểu gì hết.
Anh kéo ghế cho tôi ngồi, lại rót thêm nước rồi ngồi xuống cạnh tôi dùng máy tính.
Được một lát, tôi hỏi mà không thèm ngẩng đầu lên: "Có từ điển không anh?".
"Có từ không biết hả?".
Tôi không dám rời mắt khỏi đoạn văn dài khoảng mười sáu từ ấy, nói: "Vâng, từ chuyên ngành nhiều quá".
Anh quay sang nhìn rồi nói: "Có nghĩa là điện tâm đồ, đây là phẫu thuật mổ sọ não, anh nói chầm chậm, em ghi lại nhé, đừng vội".
Tôi thấy Cố Tông Kỳ có thể làm một quyển từ điển sống rồi, thậm chí còn là từ điển chuyên ngành đa chức năng.
Từng cơn gió thu đêm thổi nhè nhẹ, lướt qua mặt tôi, thổi bay sợi tóc ngắn trước trán anh, lật những trang sách của tôi và anh, thổi xô trái tim vốn đã từ lâu không nổi sóng.
Một chiếc là không biết vì sao lại rơi xuống bàn.
Những đường gân lá mảnh mai, trong sắc vàng khô vẫn giữ lại chút sắc xanh, màu sắc thuần khiết, tự nhiên nhất của tự nhiên bỗng nhiên tôi lại nhớ tới bài thơ Sống như hoa mùa hạ của Tagore[8]: "Em đã thấy tình yêu, em tin vào tình yêu; Tình yêu như chiếc đầm đầy tảo lam; giống như một cơn gió se lạnh; len lỏi vào từng huyết mạnh đang thiếu máu của em; chiếm giữ lòng tin vào năm tháng".
[8] Rabindranath Tagore (1861 – 1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia, nghệ sĩ, nhà viết kịch, nhà soạn nhạc và tiểu thuyết gia. Người đoạt giải Nobel đầu tiên của Ấn Độ.
Đột nhiên tôi lại trở nên đa cảm.
Anh nhẹ nhàng nhặt chiếc lá, cười và nói với tôi: "Em biết không, anh nhớ tới câu thơ cuối cùng trong bài Sống như hoa mùa hạ của Tagore: Bát nhã ba la mật, từng tiếng từng tiếng; thì hãy sống như hoa mùa hạ và chết như chiếc lá mùa thu, ta còn muốn những gì nữa".
Tôi ngẩn người, chưa đợi tôi mở miệng, điện thoại phòng trực đã reo lên.
Trong đêm tĩnh vắng, không khí yên ắng ngoài hành lang chợt bị phá tan, tôi thấy tiếng cô y tá bên kia hô hào: "Cấp cứu, cần kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng".
Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì Cố Tông Kỳ quay sang nói với tôi: "Xin lỗi em, kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng chắc phải mất thời gian lắm, muộn như thế này rồi, nếu em thấy về không an toàn thì cứ ở lại đây đợi, lát nữa anh gọi xe cho em.
Nói xong anh chạy vội đi, ống nghe còn treo trên cổ anh, theo sau là một bác sĩ nội trú, hai sinh viên thực tập, cảnh ấy sao mà giống các bác sĩ cấp cứu trong Code Blue vậy.