Chen chúc mãi đến gần trưa, sốt ruột phát điên, cuối cùng, Phương cũng giành được vào chỗ xem điểm. Linh ngấp nghé đứng ngoài, nghe tiếng Phương hú lên một tiếng, bất giác nhắm nghiền mắt, biết rằng niềm vui đã đến. Nửa phút sau, lại thấy Phương hú thêm tiếng nữa, rối rít vẫy tay với Thành Cận. Nhưng Thành Cận thì không hú hét gì cả, cậu ta đứng như trời trồng, gỡ kính, chậm chạp lau nước mắt.
Điểm của Thành Cận cao hơn Phương Híp 0,3, cả hai chỉ nhỉnh hơn điểm chuẩn có một chút xíu. Nhưng đó đã là một tấm vé đi vào Đại học, tấm vé đi tới tương lai. Linh xem đi xem lại tờ giấy mà Phương Híp ghi điểm, lúc này mới thấy mắt mình ươn ướt. Cô đột nhiên thấy mình được bế bổng lên, nhưng không phải là Phương mà là Thành Cận. Cậu ta nhấc Linh lên, quay mấy vòng, khiến cô hét ầm ĩ. Lúc đặt Linh xuống, cả hai cùng lảo đảo, Linh nhận thấy Thành Cận đang nhìn mình, tràn ngập biết ơn.
“Linh, cảm ơn cậu! Là nhờ cậu”.
Linh còn chưa kịp đáp lời, Thành Cận đã bị đẩy bật ra. Linh thấy mình bị kéo ập vào bờ ngực rộng rãi trước mặt, tiếng tim đập thình thịch phía bên trong chiếc áo đẫm ướt mồ hôi của Phương. Cậu ta giữ chặt Linh ở đó, cười cợt.
“Có nghe thấy không! Trái tim của tớ đang nói đấy. Thankiu, thankiu Môi cuốn Lô của tớ”.
Có lẽ, ngay cả khi biết được kết quả cao nhất trong các kì thi học sinh giỏi, Linh cũng chưa từng có cảm giác hạnh phúc và ấm áp khi biết hai cậu bạn, hai anh chàng ngổ ngáo, nghịch rách giời của mình đỗ đại học. Sau khoảnh khắc đó, còn là giọt nước mắt mừng rỡ của cô Tràm, là nụ cười chúc mừng của anh Khánh, là những ngày liên hoan liên miên, mệt nghỉ… Là những nỗi hân hoan của những cô cậu mười tám tuổi, đang chuẩn bị bước vào đời sinh viên gọi mời trước mặt.
11. Đúng trong những ngày nôn nao sắm sửa đó, thành phố nơi Linh ở mưa tầm tã ba ngày ba đêm. Phố nhà Linh nằm ven sông Cầu Cất, đúng đợt mưa, lại gặp khi lũ về, nước bắt đầu tràn vào con phố. Đến ngày thứ hai, nước đã mấp mé gần chạm vỉa hè, thấy tình hình mưa không dứt, nhà nhà đều cấp tập việc chống lũ, chạy đi lấy đất, lấy cát, xi măng đủ cả. Trông trời một hồi, bố Linh thở dài.
“Kiểu này không ổn rồi, đắp đất trước nhà cũng chẳng ăn thua. Chuẩn bị kê cao bàn ghế, giường chiếu và di chuyển đồ đạc lên tầng hai thôi.”
Nghe thế, mặt Linh tái xan, biết kê cọt thế nào, nhà có ba người thì đến hai người trói gà không chặt. Ngay khi mà Linh còn đang đờ đẫn thế, thì có ba anh chàng quần đùi áo may ô ướt sũng đi vào. Anh Khánh mỉm cười chào bố mẹ Linh, bảo tụi cháu đến, có gì giúp nhà chú kê đồ. Bố Linh thở phào, Linh cũng cảm động, cười toe toét, mặc kệ cái môi lại cong tớn lên. Mất hơn tiếng đồng hồ, ba anh chàng cao lớn cũng giúp nhà Linh cơ bản sơ tán đồ đạc xong và chèn gạch để kê đồ đạc lên cao. Hàng xóm nhìn sang trêu chọc.
“Nhà có con gái lớn sao mà thích thế.”
Nghe vậy, ba anh chàng lại chạy sang bên ấy, vui vẻ
“Nhà người già cũng thích lắm đấy ạ!”
Ba người chạy hết nhà này đến nhà khác trong khu phố, cuối cùng, ai nấy đều thở hồng hộc, mặt mũi đỏ bừng, nhưng thần sắc thì rất vui vẻ. Có bác tổ trưởng dân phố còn trêu bố mẹ Linh, rút cục thì chấm chàng rể nào thế khiến Linh ngượng ngùng, mặt cắm cả xuống, chẳng dám nhìn ai.
Hết một buổi chiều thì việc sắp xếp đã hoàn tất. Đến đêm, nước tràn vào nhà. Sáng sớm tỉnh dậy, Linh kinh ngạc thấy nước đã ngập đến đầu gối. Rất may anh Khánh cẩn thận, nên bảo bố cô kê thật cao, nên qua ngày sau, nước dâng cao gần một mét, đồ đạc nhà cô cũng không hề hấn gì.
Từ bé, Linh đã hay bị lở chânvà dị ứng với những nơi ẩm ướt, cho nên, bố Linh cấm tiệt không cho cô lội nước. Cả nhà cũng rút hết sinh hoạt lên tầng hai. Hằng ngày, Linh ở trên gác, đứng bên ban công, nhìn xuống con phố đã thành một dòng sông, nhìn mọi nền nếp sinh hoạt của cả khu dân cư bị đảo lộn. Sáng sáng, công nhân viên chức mặc quần đùi, áo may ô lõm bõm đi làm, ôm theo bọc quần áo. Mấy người bán hàng năng động đã có ngay những chiếc thuyền vào phố bán rau dưa. Linh cũng tự chế được một chiếc dây thừng, thả xuống, mỗi lần mua rau lại thả tiền xuống, nhờ người buộc rau rồi kéo lên, vô cùng tiện lợi. Buổi tối thì đứng nhìn con phố lấp loáng nước, vài đứa trẻ con mang đèn đi bắt cá, í ới đến là vui. Nhưng cứ ngắm mãi thì cũng chán, cô loanh quanh rồi lôi truyện ra đọc. Tối thứ ba, cũng là ngày nước ngập cao nhất, có một chiếc thuyền nhỏ phi vào giữa tận giữa nhà cô, đậu dưới chân cầu thang, Phương, híp mắt gào tướng lên phấn khích.
“Lô Lô, xuống đây, xem này, tớ đưa cậu đi thuyền”.
Linh chạy như bay xuống, thấy Phương ngồi trên thuyền, cầm tay chèo, huơ huơ lên vẻ rất sành sỏi. Không biết bố cô xuất hiện từ lúc nào, bảo hai đứa lên nhà mà chơi, đừng có đi, nhỡ ngã xuống lở loét đầy người thì làm thế nào. Nhưng Phương khăng khăng đảm bảo với bố cô rằng con gái rượu mơ rượu mận của ông sẽ không dính nước dù chỉ một giọt. Nói một thôi một hồi, cuối cùng bố Linh cũng đồng ý, còn Linh thì vừa thích vừa sợ nhìn chiếc thuyền bập bềnh. nhưng Phương đã trấn an, “Yên tâm, làm sao tớ để cho Lô Lô ngã được” (Dạo này cứ khi nào âu yếm nịnh nọt, cậu ta lại gọi cô là Lô Lô). Nhìn vẻ tự tin ngời ngời kia, Linh quyết định thò chân xuống thuyền. Thuyền chòng chành khiến cô hét lên, nhưng Phương đã nhanh chóng cân bằng, còn đặt cho cô một chiếc ghế. Linh vừa ngồi xuống, thuyền đã chuyển động khiến cô sợ xanh mặt, tay cứng lên bám chặt thành thuyền, mặc cho Phương hô thả lỏng, thả lỏng. Đang định bảo “tớ nghĩ lại rồi, không đi nữa đâu” thì thuyền đã ra đến cửa, rồi băng băng chạy trên phố. Tay chèo của Phương rất nhẹ nhàng, chắc chắn, chỉ lát sau, nỗi sợ hãi của Linh đã chuyển sang hí hửng, thích thú.