Lam lại tiếp tục đi làn, lại tiếp tục những tháng ngày bận rộn với đám giấy ghi chú, băng keo, thuế má và các cuộc điện thoại. Hôm nay, đang mải gõ bàn phím, thấy mắt mình vương vướng đám tóc mái đã chạm đến mắt, Lam bèn hất tóc lên, bỗng gặp Hải đứng chống nhạnh bên cạnh.
Lam ngước lên nhìn ngơ ngác.
“Này… Lam có thấy anh đẹp không?”
Lam ngớ người, lại tiếp tục buột miệng như ngày phỏng vấn.
“Anh đẹp trong mắt người biết yêu anh.”
Hải chép miệng chán nản, quay đi.
“Thế là em không yêu anh. Chán thật. Trong mắt em, anh chỉ là một cục đen đen xấu òm.”
Chẳng là, hôm nay Hải mặc áo đen.
Lam bỗng thấy mình ngơ ngẩn. Cô hỏi một câu đến là hồn nhiên.
“Này… Anh thích em à?”
Hải quay phắt lại, nhìn Lam trân trối, rồi phá lên cười.
“Ừ… Anh thích em, Lam ạ. Ôi, đời còn những cô gái như thế này sao?”
Hải vẫn cười gập bụng. Lạ kỳ, Lam không thấy xấu hổi. Cô hỉnh mũi.
“Thế là anh không thích em. Thật mừng!”
Ánh mắt Hải còn gấp nhiều lần trân trối.
Noc bar. Buổi tối. Những cô gái lắc bụng đầy khiêu khích. Lam nhìn mê mẩn. Cô trầm trồ khen eo đẹp và rốn đẹp. Hải ngồi cạnh, bật cười, “Này, em có vấn đề về giới tình không đấy?”. Lam vẫn chẳng thèm chấp, say sưa xem, tay gõ nhịp. Khi chương trình Vũ điệu phương Đông khép lại, chỉ còn tiếng nhạc Ấn du dương, Lam nhìn qua thành gương trong suốt. Thành phố dưới mười chín tầng lầu, lung linh ánh điện. Những con đường nườm nượp người, hối hả, vội vã. Thế mà, giữa dòng người ấy, có những người vẫm tìm thấy nhau, yên ấm. Còn cô, ngớ ngẩn để không biết mình bị lạc lúc nào.
“Anh chàng của em thế nào nhỉ?”
Câu hỏi của Hải làm Lam giật mình quay lại.
“Gì cơ?”
“À… Anh muốn biết đối thủ của mình mày ngang mũi dọc ra làm sao…”
Lam ngần người, rồi lập tức hiểu. Cô cười hi hi, “Này, định tán tỉnh em đấy à?”.
Hải nhún vái: “Em lảng tránh giỏi lắm. Em luôn tránh các vấn đề bằng cách đập thẳng mặt vào vấn đề và thế là mắt em tối sầm, chẳng thấy gì nữa. Còn đối thủ thì lăn ra ngất rồi”.
Lam bật cười: “Anh có ngất đâu???”.
Đêm về. Gió lạnh. Hai người chậm rãi bước dọc con đường Liễu Giai vắng vẻ.
Hải quay sang, nghiêng đầu, vẻ dịu dàng và nghiêm túc.
“Này… Anh mượn tay em được không. Tự dưng thích cảm giác nắm tay một cô gái!”
Lam xòe tay không ngại ngần. Hai người nắm tay, đi trên phố, cảm giác được một bàn tay siết lấy, nắm chặt, hóa ra, yên ấm đến ngần ấy!
Buổi tối, trước cổng nhà trọ, Lam giơ các ngòn tay mảnh gầy lên, nhìn thật kỹ. Qua những ngón tay trơn vắng, từng mảng trời trôi qua đen thẫm, và lấp lánh ánh sao.
Lam nhận ra, tim mình vẫn nhói lên, nhớ một người đeo nhẫn…
Những buổi sáng vẫn tiếp nối nhau trong căn phòng. Bận rộn và quay mòng mòng với mớ giấy tờ, những cuộc đàm phán, những hợp đồng ký kết, và những câu đùa hài hước của Hải… Lam chỉ dành sáng Chủ nhật để ra phủ Tây Hồ, gửi mười nghìn vào hòm công đức, ăn bát bún ốc đến cay xè, rồi lại bắt đầu ngày mới với tách cà phê trên bàn làm việc.
Tuấn không còn những cuộc gọi im lặng nghẹn lời, không một lần đến chờ cô nơi căn phòng trọ nữa. Thời gian là liều thuốc tốt, nó làm nhòa đi những đớn đau mà tưởng chừng như người ta không thể vượt qua, Lam yên lòng, nghĩ, có lẽ Tuấn đã thảnh thởi, dù đôi lần, nhìn những ngón tay trơn vắng của mình, cô vẫn nghe lòng nhoi nhói.
Hai mươi sáu tuổi, cái tuổi lỡ cỡ đến phát điên, chẳng còn thiếu nữ, chẳng ra muộn mằn, chỉ là cái tuổi mà người ta phải hối hả lấy chồng ngay khi có thể. Đôi khi cuộc sống thật u hoài, buồn bã, như những lúc lặng lẽ một mình trong tháng máy, kết thúc một ngày làm việc lặng lẽ và mệt nhoài, như những lúc cảm nhận ánh mắt thân thuộc của Hải và thản nhiên quay đi vờ như không biết. Và cứ thế, cứ thế, như những bánh xe lăn tròn trên con đường. Đôi khi cuộc sống là vậy, đơn giản, tuần tự, nhẹ nhõm, nhưng quá ít sắc màu…
Như tối nay, một tin nhắn đi lạc của Hải, “Này Lam, em cứ mãi thế sao?”
Cứ mãi thế sao? Lam ơi, khi ta bước ở giữa đường, đã quá xa người thứ nhất mà vẫn chưa thế tới người thứ hai, nên cứ một mình, một mình, đơn lẻ…
2 - Những cung đường của gió
1. Trước ngày bảo vệ đề tài một tuần, đột nhiên, mấy thằng bạn đại học rủ Giang đi phượt một chuyến, thư giản gân cốt, cũng là lấy tinh thần sảng khoái, bảo vệ cho ngon nghẻ. Giang ngẫm nghĩ, xem lại lịch trình, thấy không vấn đề gì. Thầy hướng dẫn đã nhất trí, luận văn đã nộp, các loại giấy tờ đã hoàn tất. Và tiền, cũng chẳng đến nỗi thiếu thốn. Anh OK một tiếng với lũ bạn, bảo đăng ký một xe độc hành, rồi lập tức đưa em Min-khờ, người anh em thân thiết mấy năm qua của mình ra cửa hàng sửa xe quen thuộc, nhờ tút lại một lượt cho an tâm. Đi đường trường, xe pháo không ổn thì mệt. Dù đoàn phượt của Giang lúc nào cũng có bộ đồ nghề sửa chữa rất chuyên nghiệp, tay sửa của anh cũng không đến nỗi tồi, nhưng đã thành thói quen, mỗi khi lên đường, Giang đều chuẩn bị cho em ngựa chiến thật sung sức.