Một đứa con gái từ sau lưng tôi chạy xe về phía cầu treo khiến tâm trí tôi đột ngột lãng đi. Đứa con gái mặc áo dài trắng, mái tóc đen mượt xõa tung trong gió, cặp sách buộc ở yên sau, phóng xe lên chiếc cầu đong đưa với tốc độ khá nhanh khiến tôi tròn mắt kinh ngạc.
Tôi đang tò mò nhìn theo nó thì nó chợt ngừng xe lại giữa cầu. Trong khi tôi cố đoán xem đứa con gái gặp chuyện gì, nó thình lình leo xuống khỏi yên và dắt xe đi ngược trở lại.
Tôi thấy rõ đứa con gái đang nhìn về chỗ tôi ngồi nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Ánh mắt tôi chỉ lướt nhanh qua người nó rồi quay đi chỗ khác, rồi lại liếc trộm nó một cái nữa để lần này quay hẳn đi, thầm đoán nó bị hư xe nên quay về xóm dưới tìm chỗ sửa.
Tuy nhìn đi chỗ khác tôi vẫn cảm nhận được đứa con gái đang đi về phía tôi. Dù vậy tôi vẫn dán mắt vào bãi cát lấp lánh nắng trải dọc triền sông cạn, cố không quay đầu lại, bụng thầm nhủ: “Chắc nó định nhờ mình sửa xe giùm”.
Chỉ đến khi đứa con gái dựng xe vào thân cây sầu đông và ngồi xuống bên tôi, nhẹ giọng vui mừng:
- Em biết thế nào anh cũng trở về.
Tôi mới giật nảy người, hấp tấp ngoảnh mặt lại.
“Con Rùa”, một tiếng reo bật ra trong đầu tôi.
Con Rùa. Chắc chắn đứa con gái trước mặt tôi là con Rùa. Nhưng ngay cả khi biết rõ nó là con Rùa, tôi vẫn thấy ngờ ngợ.
Đang ngồi trước mặt tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi đây là một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng. Con Rùa mà tôi biết có nước da rám nắng. Mái tóc của con Rùa ngắn, lởm chởm và hoe hoe đỏ. Và quan trọng là con Rùa không biết đi xe đạp.
Con Rùa tôi đang nhìn thấy hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi. Vì vậy khi nhìn thấy đứa con gái tóc dài chạy xe qua cầu, tôi không có chút liên tưởng nào đến nó.
- Sao anh nhìn em sững vậy? Em lạ lắm sao?
Nghe con Rùa hỏi, tôi sực nhớ từ nãy đến giờ tôi chỉ mải nhìn nó, vẫn chưa nói tiếng nào. Tôi không nghĩ tôi gặp con Rùa trong tình huống này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để gặp nó, mặc dù tôi quay về làng chính là vì nó.
Tim đập thình thịch, tôi nói như người hụt hơi:
- Ờ… trông em lạ lắm.
Tôi nhìn con Rùa, lần này tôi nhận ra đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài từng làm tôi thao thức trong những đêm Sài Gòn trở gió. Đôi mắt đó, cộng thêm cách bắt chuyện tự nhiên của con Rùa giúp tôi dần trấn tĩnh.
Vui vẻ, hồn nhiên, thân mật, con Rùa nói chuyện với tôi như thể chúng tôi vừa gặp nhau hôm qua chứ không phải từ ba năm trước. Và dường như nó chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi bắt gặp tôi ngồi bên bờ sông lộng gió lúc này.
- Lúc nãy nhìn thấy anh từ phía sau, em không nghĩ đó là anh. - Con Rùa mỉm cười nói - Nhưng khi đi tới giữa cầu tự nhiên em tin đó là anh.
Nó ngưng một chút rồi nói thêm, giọng thoảng qua tai tôi như tiếng gió:
- Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em.
Tôi và con Rùa vẫn nhìn vào mắt nhau, nhưng gần như chỉ có nó nói. Tôi chỉ nói mỗi một câu rồi lặng thinh nhìn nó, tay mân mê con bọ ngựa bằng cọng dừa một cách vô thức, lòng rối tung như có ai vò.
- Em nhớ anh lắm đó.
Con Rùa thì thầm, vẻ rạng rỡ khiến gương mặt nó như tỏa nắng, nhưng tôi chợt thắt lòng khi phát giác đôi mắt đẹp của nó đang rưng rưng và đôi môi nó đột ngột méo xệch đi như sắp òa ra khóc.
37
Cô Út Huệ mừng rỡ khi tôi bất ngờ trở về làng. Cô vui đến mức khi thấy tôi nhấp nhổm định chạy qua nhà thầy Điền, cô chẳng tỏ ý gì ngăn cản mặc dù cô biết tôi qua đó chỉ để kiếm con Rùa. Có lẽ cô tin tôi đủ lớn để không làm điều gì khờ dại.
Cũng như con Rùa, bé Loan năm nay học lớp tám ngoài thị trấn nhưng nó ở lại nhà người chú họ, cuối tuần mới về làng.
Lần này tôi về, thầy Điền đã qua đời được một năm. Bây giờ trong nhà con Rùa, chỉ có hai bà cháu quẩn quanh với nhau. Tôi nhớ tiếng mõ đều đều buồn bã của thầy Điền, nhưng khi tiếng mõ cô độc đó tắt đi dường như khung cảnh càng buồn hơn.
Ngoài vườn, hòn non bộ bay mất hai ông tiên, chỉ còn bàn cờ đá ngồi một mình nghe suối chảy. Con gà trống bằng đất nung hôm trước bị ông Bảy Thành dùng báng súng kíp đánh văng vô hàng giậu chắc là vỡ nát. Rốt cuộc, khi tôi về hòn non bộ nhà con Rùa chỉ còn mỗi ông lão đánh cá ngồi hờ hững buông câu trước cửa hang nhưng chiếc nón rộng vành trên đầu ông cũng không còn như cũ. Nó méo mó và bị gió đánh tơi ra sau mấy mùa giông bão kéo về làng.
Cá lội dưới đám bèo tai chuột cũng út hơn. Thỉnh thoảng mới thấy một con ngoi lên đớp bóng dưới nhành dương xỉ lòa xòa. Con sóc hay trèo lên tuột xuống trên cây dừa sau vườn cũng bỏ đi đâu mất. Ngày tôi về chỉ còn mỗi con Cổ Dài loay hoay rúc mỏ vào đám rau muống dưới ao.
Nhà con Rùa vắng từ trong ra ngoài. Và khi hai đứa ngồi cạnh nhau trên phiến đá năm nào, tôi cảm thấy nỗi hoang vắng tràn vô cả lòng tôi và đang gọi tên tôi bằng một âm điệu ảo não khi tôi nhớ đến tình cảnh của mình. Trái ngang nhất là dường như tôi vẫn không thôi yêu thương đứa em họ, bất chấp trong ba năm qua lý trí của tôi đã hàng trăm lần dùng lưỡi kéo vô hình hòng cắt đứt những sợi tơ tình tuy đã rõ là nghiệt ngã nhưng không hiểu sao cứ quấn quýt mãi trái tim tôi.