Tôi rón rén lại gần, đứng nhìn cành huỳnh anh xum xuê nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà, chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào.
Bà con Rùa chỉ ngẩng lên khi tôi, tim đập binh binh trong ngực, trong lúc ngọ nguậy hai bàn chân để kềm nén sự hồi hộp đã giẫm lên miếng gạch vỡ bên thềm giếng.
- Đi chơi hả con? - Bà hỏi, không hề ngạc nhiên vì sự xuất hiện của tôi, tay vẫn đảo mớ rau xanh trong rổ.
Tôi nhìn rổ rau muống, rau dền và rau lang dập dềnh trong thau nước, lí nhí:
- Dạ.
Bà nội con Rùa chép miệng:
- Sáng nay con Rùa đi học rồi con à. Ngày mai chủ nhật nó mới ở nhà.
Tôi lại “dạ”, miệng đột nhiên khô khốc.
- Bà ơi! - Tôi nói, cố vét đến gam can đảm cuối cùng.
- Gì hả con?
Tôi mím chặt môi để trấn tĩnh, nhưng đến phút chót lại luống cuống nói tránh đi:
- Bà có cần con phụ giúp gì không?
Con Cổ Dài đang kiếm ăn bên ao rau muống tự nhiên quay đầu về phía tôi, như thể nó vô cùng ngạc nhiên trước sự tử tế bất thường này của tôi.
- Cảm ơn con. Chuyện này bà tự làm được rồi.
Bà nội con Rùa nói, rồi thấy tôi cứ đứng loay hoay bên thềm giếng, bà hất đầu về phía hiên nhà:
- Con vô nhà ngồi chơi đi con. Sáng nay con rảnh à?
Tôi “dạ” và vẫn đứng chôn trân trên sàn giếng đầy rêu. Tôi biết nếu tôi vào nhà ngồi đối diện với bà trong không khí nghiêm trang, tôi không thể nào mở miệng. Đây là một bí mật chắc chắn bà muốn chôn sâu tận đáy lòng. Nó chẳng đẹp đẽ gì, và thực sự thì nó cũng đã bị bụi thời gian phủ kín từ lâu.
- Bà ơi! - Tôi đành vọt miệng, như van lơn.
Lần này bà nội con Rùa ngừng tay, ngước mắt nhìn tôi:
- Con định nói gì với bà hả con?
- Con và em Rùa thương nhau bà ạ. - Mặt ửng lên như tráng men, tôi ngập ngừng nói, một câu nói nếu không rơi vào tình thế này chắc tôi sẽ không bao giờ dám nói. Nó không hợp tình hợp cảnh, cũng không hợp lễ nghĩa. Nếu mẹ tôi, hoặc cô Út Huệ sang nhà nói với bà con Rùa “Cháu Đông và cháu Rùa thương nhau” nghe còn chấp nhận được. Nhưng dù sao tôi cũng không có lựa chọn nào khác: đối với tôi đó vẫn là câu mở đầu ít tồi tệ nhất.
Nhưng điều tôi lo lắng đã không xảy ra. Bà con Rùa chẳng trách cứ gì tôi. Bà mỉm cười, giọng bình thản:
- Chuyện đó thì bà biết rồi.
Tôi nhè nhẹ thở ra. Nhưng tảng đá vẫn chưa lăn khỏi ngực tôi. Mặc dù bà nội con Rùa trong mắt tôi lúc này rất giống với một bà tiên hiền từ, tôi vẫn thấy khổ tâm khi tiếp tục câu chuyện. Tôi nắm chặt tay, những ngón chân bấu xuống sàn giếng, cả răng cũng nghiến chặt - trong tư thế cả người căng ra như dây đàn sắp đứt đó, tôi run run hỏi:
- Bà ơi, thế hai đứa con không phải là anh em chú bác hả bà?
Trái với e ngại của tôi, bà nội con Rùa không tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Có vẻ như bà biết trước sớm muộn gì tôi cũng sẽ hỏi bà câu đó và trong buổi sáng tháng năm đầy ắp tiếng ong bay đó, bà tiên trong hình dáng bà nội con Rùa đã tạo ra phép màu khi từ tốn giải đáp thắc mắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi:
- Con và con Rùa không có bà con gì hết con à.
43
Có thể khi ông nội con Rùa vào Sài Gòn chữa bệnh lao, ông không tin ông sẽ qua khỏi vì vậy ông quyết định sẽ sống ở phương Nam đến cuối đời, không bao giờ quay trở về làng nữa.
Có thể trong hoàn cảnh khó khăn đó, bà nội con Rùa đã được ông nội tôi giúp đỡ tận tình và giữa hai người đã phát sinh tình cảm, không ngờ có một ngày ông nội con Rùa lành bệnh trở về.
Có thể, có thể và có thể. Tất cả chỉ là giả định từ những mẩu chuyện sau này tôi lượm lặt được mỗi nơi một ít và xâu chuỗi lại trong đầu để có thể hình dung ra một trong những cuộc tình gay cấn ở làng tôi gần bốn mươi năm về trước.
Còn khi bà nội con Rùa thuật cho tôi nghe câu chuyện xưa bên thềm giếng thì quá khứ chỉ bắt đầu từ chỗ tôi tha thiết muốn biết nhất: Ông nội con Rùa, do không có khả năng sinh con và do trót tuyên bố sẽ sống nốt cuộc đời còn lại ở phương Nam, đã không hề đay nghiến hay trách móc gì vợ mình về mối quan hệ với ông nội tôi. Tuy nhiên, ông không muốn nhìn thấy “giọt máu oan nghiệt” - từ dùng của ông - trong nhà.
Bà nội con Rùa dĩ nhiên không dám phản đối, đã bí mật đổi đứa trẻ lúc này đã bốn tháng tuổi với con trai bà Bốn Nhi ở xóm trong. Bà Bốn Nhi là thợ cấy thuê trong làng, có lẽ do làm lụng vất vả nên có mang mới tám tháng đã tòi ra thằng bé. Thằng bé oặt ẹo, khó nuôi, biếng ăn biếng uống, chỉ giỏi khóc ằng ặc suốt đêm. Vợ chồng bà Bốn Nhi đi xem bói, thầy bói bảo thằng bé sinh ngày mồng một, lại phạm vào giờ ngọ, chỉ có bán khoán lên chùa may ra mới sống. Hai vợ chồng bối rối chưa biết tính sao, thằng bé còn nhỏ quá đem cho chưa chắc nhà chùa đã nhận, nghe bà nội con Rùa đề nghị, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng.
Thằng bé đó chính là ông Hương, ba con Rùa.
Chuyện đổi con dĩ nhiên chỉ có gia đình hai bên biết với nhau. Người làng Đo Đo vẫn đinh ninh ông Hương là con của bà nội con Rùa. Ngay cả cô Út Huệ cũng tin như vậy.
- Ông nội con có biết chuyện này không hở bà? - Tôi nhìn những tia nắng đang nô đùa trên cây bướm bạc kế hòn non bộ, bâng khuâng hỏi.