Trên đường đi thỉnh thoảng tôi bị người không quen biết dùng búa bong bóng đập vào đầu, quay về bốn phía đều có thể nhìn thấy các kiểu hóa trang kỳ quái và những bộ mặt tươi cười rạng rỡ.
Khi chúng tôi đến quảng trường nửa vòng cung, cuộc diễu hành của mấy đội lính đi trước tiên, sau đó là xe hoa đủ màu sắc nối đuôi nhau. Mỗi khi xe hoa đi qua, chúng tôi đều hò hét, huýt sáo, vỗ tay hoan hô như những người dân Odessa ở bên cạnh, nhiệt tình đến mức mồ hôi nhễ nhại.
Màn biểu diễn kết thúc vào lúc ba giờ chiều, mọi người tản mát vào nhà hàng ở hai bên đường ăn cơm.
Tôi đói đến mức da bụng dính chặt vào lưng, vội vàng kéo Tôn Gia Ngộ chạy vào một nhà hàng. Người phục vụ đi tới đón chúng tôi bằng một câu: "Giáng sinh vui vẻ!"
Tôi ngây người một lúc mới có phản ứng hôm nay là ngày cá tháng tư. Tôn Gia Ngộ nhếch mép cười: "Em có biết thế nào là "đồ ngốc tháng tư" không? Chính là bộ dạng của em bây giờ đấy".
Người này đúng là chuyên gia phá hỏng không khí, tôi hậm hực ngồi xuống bàn ăn.
Món ăn được đưa lên, món đầu tiên là salad rau sống. Mấy lát rau xanh được đặt trong cái bát thủy tinh trông rất bắt mắt.
Tôi vẫn không rút kinh nghiệm, mở miệng than thở: "Đầu bếp của nhà hàng này có phải lên cơn buồn ngủ? Tại sao món đầu tiên lại là salad?"
Tôn Gia Ngộ nhíu chặt đôi lông mày, mặt anh đanh lại: "Ngày mai anh sẽ đưa em đi trắc nghiệm IQ".
"Hả?" Nghe anh nói vậy, tôi hất rau xanh ở trong bát ra xem, bên dưới có hai đĩa rượu khai vị khá nhỏ. Hóa ra đây trò của ngày Cá tháng tư.
"Đúng là đồ ngốc". Anh vừa uống rượu vừa nói.
Tiếp đó là món khoai tây nướng, vỏ bên ngoài nướng vàng ươm trông rất bắt mắt, nhưng khi cắt ra mới biết không phải là khoai tây mà là bánh mỳ và nấm. Trò cuối cùng là kẹo cao su dấu trong hộp thuốc.
"Hay thật đấy!" Trong suốt bữa ăn, tôi chén hết món này đến món khác, cười nói không ít, tâm trạng vô cùng vui vẻ.
Tôn Gia Ngộ ăn rất ít, anh đã sớm buông dao dĩa, châm một điếu thuốc nhìn tôi mỉm cười. Khói thuốc từ miệng anh bay lên, ánh nắng mặt trời chiếu qua ô cửa kính lên đầu anh, tạo ra một hình ảnh ấm áp chân thực.
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian cho bữa cơm, đợi đến lúc chúng tôi ra khỏi nhà hàng, mặt trời đã khuất bóng, sắc trời trở nên tối dần.
Chúng tôi thong thả đi bộ về nhà. Đến gần tượng đài Puskin, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ Digan đang dùng bộ bài cũ xem bói ở cạnh chân bức tượng.
Trước khi nữ hoàng Ekatherine II hạ lệnh xây dựng thành phố này vào năm 1824, Odessa là nơi tụ tập của người Digan. Trên lãnh thổ nước Nga, bọn họ được gọi là "người Atzigan". Trong thành phố có rất nhiều người Digan sống vô gia cư không nhà cửa. Bọn họ mưu sinh bằng việc coi bói và bán đồ lưu niệm.
Tôi đột nhiên nảy sinh lòng hiếu kỳ nên kéo Tôn Gia Ngộ đi xem một quẻ.
Tôn Gia Ngộ tỏ ra khinh miệt mấy trò mê tín dị đoan: "Bà ta có khác gì mấy người coi bói vớ vẩn kia, toàn bịa chuyện để kiếm miếng ăn chứ có bản lĩnh gì đâu?"
Nghe Tôn Gia Ngộ nói vậy, người đàn bà ngẩng đầu, ánh đèn đường chiếu xuống gương mặt nhăn nheo của bà ta giống như quả hạch đào phơi khô. Đôi mắt màu xanh biếc của bà ta có một vẻ gì đó rất kỳ dị, không giống mắt con người mà giống mắt của loài mèo.
Tôi giật mình lùi lại phía sau một bước, theo phản xạ nép sau lưng Tôn Gia Ngộ.
Bà ta không rời mắt khỏi tôi, miệng phát ra tiếng nói khàn khàn: "Cô...thân thể ở một đằng, linh hồn ở một nẻo. Cô bị thần xua đuổi nên mãi mãi lưu lạc không ngừng nghỉ".
Ngữ khí của bà ta vừa thần bí vừa nghiêm túc khiến tôi nổi da gà. Tôi kéo áo khoác Tôn Gia Ngộ hỏi nhỏ: "Bà ấy nói vậy có nghĩa là gì?"
Tôn Gia Ngộ mỉm cười tiến lên một bước và hỏi bà ta: "Còn tôi thì sao?"
Người phụ nữ Gigan vẫy tay ra hiệu anh tiến lại gần, bà ta nở nụ cười rồi áp sát vào tai anh nói thì thầm hai câu. Người phụ nữ đó phát âm tiếng Nga không rõ ràng, tôi lại đứng khá xa nên nghe không hiểu.
Nụ cười trên môi Tôn Gia Ngộ càng rộng hơn, anh rút trong túi áo một tờ tiền đặt vào tay bà ta rồi kéo tôi rời khỏi chỗ đó.
Tôi hỏi anh bằng một giọng khẩn trương: "Bà ấy nói gì với anh vậy?"
"Mặc kệ bà ta, giang hồ lừa đảo ấy mà. Bà ta đọc thơ cho anh nghe, trước đây em từng gặp chuyện mới mẻ thế này bao giờ chưa?"
"Thơ? Thơ gì?"
"Để anh nghĩ lại xem nào...À, hình như là thơ của Puskin. "Trong những ngày anh cô độc và bi thương, xin em hãy niệm thầm tên anh", nghe lãng mạn ra phết". Anh cúi đầu cười và véo mũi tôi: "Không đúng, Triệu Mai, câu này rõ ràng là nói với em..."