Tôi đặt cái túi xách xuống bàn chất vấn anh: "Đây là cái gì? Thứ ở bên trong đó là thế nào?"
Tôn Gia Ngộ nhìn chăm chăm vào cái túi xách, thần sắc đờ đẫn như nhất thời không kịp phản ứng. Sau đó anh đứng bật dậy, tức giận hét lên: "Ai bảo em động vào đồ của anh? Em tưởng em là ai hả, em nghĩ em là cái thá gì của anh?"
Nước mắt trào xuống, đau khổ và thất vọng lấp đầy trái tim tôi, khiến tôi không còn khả năng tự kiềm chế. Tôi cũng cất cao giọng: "Tôn Gia Ngộ, anh không phải là người, rốt cuộc anh có trái tim không? Bành Duy Duy nói tôi đê tiện, tôi đúng là kẻ đê tiện, ngoài đê tiện ra tôi chẳng còn gì khác".
Cảnh vật trước mắt mờ dần, tôi cố gắng đứng vững rồi quay người bước đi.
Tôn Gia Ngộ túm tay tôi: "Em hãy nghe anh nói..."
Tôi ra sức vùng vẫy hòng thoát khỏi bàn tay anh: "Anh buông tôi ra!".
Anh kéo tôi vào lòng, cố gắng không cho tôi giãy giụa: "Mai Mai..."
Tôi lập tức ngừng mọi động tác, phảng phất như toàn thân không còn một chút sức lực.
Đây là lần đầu tiên anh gọi tôi là Mai Mai.
"Mai Mai, không phải anh không muốn nói cho em biết". Tôn Gia Ngộ nói rất chậm, giống như anh rất khó khăn trong việc chọn câu từ: "Anh thích em hàng ngày trang điểm xinh đẹp, ngồi chơi đàn piano mà không phải lo lắng nghĩ ngợi buồn phiền. Thấy em vui vẻ, anh cảm thấy đồng tiền kiếm được dù ít dù nhiều cũng còn có ý nghĩa. Anh không muốn cho em biết những chuyện này vì đó là việc của anh chứ không phải của em. Đàn ông rơi vào cảnh cần đàn bà chia sẻ gánh nặng, người đó liệu có còn là đàn ông nữa không? Bảo bối, đây là anh thương em, em nhất định ép anh nói hết ra em mới chịu hiểu sao?"
Lời nói của anh khiến tôi cuối cùng cũng mềm lòng, tôi gục đầu vào vai anh, nước mắt ướt đẫm áo sơ mi của anh. Tôi biết nếu không bị ép đến góc chết, anh tuyệt đối không nói ra những câu mà anh cho rằng rất buồn nôn.
"Anh có biết là em sợ lắm không?" Tôi nghẹn ngào: "Em sợ một ngày nào đó em sẽ không bao giờ được gặp anh nữa".
Tự đáy lòng tôi thật ra không muốn truy cứu hành tung của anh buổi tối hôm qua, càng biết nhiều càng thêm phiền não. Thôi thì cứ như vậy đi, tôi tự nguyện làm một con rùa rụt cổ.
Tôn Gia Ngộ vuốt ve lưng tôi, anh thở dài: "Công việc làm ăn nào cũng có cái giá của nó, khó khăn đến mấy anh vẫn có thể kiên trì bảy tám năm. Nhưng có một số chuyện muốn trốn tránh cũng không thể trốn tránh".
"Vậy anh đừng làm nữa có được không? Chẳng phải anh nói anh sẽ đưa em đi nước Áo hay sao? Chúng ta cùng đi, sau khi tốt nghiệp em có thể tự kiếm tiền, không cần anh nuôi em nữa, đến lúc đó em sẽ nuôi anh".
Tôn Gia Ngộ bị chọc cười bởi câu nói của tôi: "Ôi trời, tham vọng của em cũng không nhỏ, còn đòi nuôi anh nữa cơ đấy. Được thôi, có thể ăn cơm của phụ nữ là mục tiêu cao nhất của cuộc đời anh".
"Nói mà không biết ngượng mồm". Tôi phì cười dù trên mặt vẫn còn đọng nước mắt: "Vậy anh có đi Áo cùng em không?"
"Đi, tất nhiên đi chứ. Đợi anh kết thúc công việc ở đây rồi sẽ đi cùng em". Anh trả lời qua loa.
"Anh phải giữ lời đấy nhé, đừng lừa em".
"Anh thề được chưa? Em xem bây giờ mấy giờ rồi?" Tôn Gia Ngộ giục tôi: "Rửa mặt rồi đi học đi, em đừng lo lắng những chuyện không đâu, tập trung vào việc học hành của em là được rồi. Chuyện gì cũng còn có anh, chưa có cửa ải nào là anh không thể vượt qua".
Kể từ ngày hôm đó, do trong lòng tích tụ nhiều tâm sự nên tôi trở nên trầm mặc.
Ban đêm, tôi không vừa đặt đầu xuống gối là ngủ say như trước, mà tôi thường nằm mơ thấy ác mộng. Nhiều lúc tỉnh lại từ cơn ác mộng, tôi hoảng sợ sờ tay sang bên cạnh giường, thấy anh vẫn nằm ở bên tôi, tôi mới yên tâm ngủ tiếp.
Cuối tháng 5, tôi đều thi đỗ hai môn tiếng Nga và chuyên ngành, trở thành sinh viên hệ chính quy của Học viện âm nhạc. Nhưng kết quả này không mang đến niềm vui như tôi tưởng tượng. Bóng đen đó vẫn đè nặng trong lòng tôi, mãi vẫn không chịu tan biến.
Vừa từ trường học về nhà, tôi lập tức gọi điện cho bố mẹ để báo tin vui với họ.
Người nghe điện thoại là bố tôi, một điều kỳ lạ là ông không mấy tỏ ra vui mừng. Ông chỉ hỏi tôi vài câu như lúc nào nhập học chính thức, lúc nào trường được nghỉ hè, lúc nào tôi mới có thể về nước.
Tôi hỏi: "Mẹ con đâu rồi ạ? Con muốn nói chuyện với mẹ".
Bố tôi nói: "Mẹ con đi công tác rồi, không tiện trả lời điện thoại, đợi mẹ con về rồi nói sau".
Tôi cảm thấy hơi lạ nhưng không biết phải nói sao nên cúp điện thoại trong tâm trạng đầy nghi hoặc.
Nina nhờ người giúp tôi thu âm cuộn băng tập đàn rồi viết giấy thiệu gửi cho hai người bạn của bà đang làm giáo sư giảng dạy ở Học viện âm nhạc Áo.