***
Tiếng o Luyên la lên như xé toạc căn nhà tồi tàn ủ dột trong đêm mưa. Sau tiếng la ấy, là những âm thanh rên xiết của cuộc làm tình thỏa mãn. Trong bóng đêm lờ mờ, bóng hai con người đan quyện vào nhau giữa nền nhà, nhấp nhô lên xuống. Tiếng mưa vẫn quyện tiếng đê mê của người con gái lần đầu tiên được yêu đương, được rót trọn đời con gái của mình vào một người đàn ông. Hơi thở đêm gấp gáp. Hương đêm nồng nàn. Mưa đêm cũng dịu dàng quá đỗi! O Luyên bíu chặt lấy thân hình người đàn ông vạm vỡ, như vô thức, như bản năng của con người khi làm tình.
Khi cơn giông ngưng lặng cũng là khi người đàn ông rời căn nhà tồi tàn trong bóng đêm để đi về phía có ánh sáng. O Luyên lặng lẽ khoác lại bộ đồ hôi hám và cũ nhàu thường ngày. Có vệt máu đỏ ửng khi tia chớp lóe lên ngoài trời, xuyên thủng mái che đã bợt màu thời gian. Mặt o Luyên tái mét, mếu máo, rồi òa khóc như một đứa trẻ. Đêm đó, o không ngủ. Đêm đó, o nằm trằn trọc mong trời sáng. Nỗi sợ hãi quá lớn khiến o muốn chia sẻ với một ai đó. Cơn giông đã ngưng hẳn. O Luyên nằm lắng nghe tiếng gió thì thào xô những vạt lúa bên ngoài. Nằm như thế, cho đến khi bình minh bắt đầu bóc dần mảng bóng đêm lờ mờ, o Luyên vội vàng dậy, nhìn về phía có lác đác vài tiếng nói cười và tiếng cắt lúa nghe ràn rạt. O Luyên mừng rỡ, đi nhanh về phía ấy.
Người phụ nữ cúi lom khom gặt lúa, vội đứng dậy, cởi chiếc nón lá đội trên đầu xuống, quạt quạt cho mát, rồi mới thong thả hỏi.
- Làm sao?
O Luyên chỉ chỉ tay xuống đũng quần vá chằng chịt mấy lớp, rồi dùng một ngón tay chặt chặt ngón tay khác, rồi rùng mình, khóc lên. Người phụ nữ chau mày, không hiểu o Luyên đang muốn nói gì. Thấy cách diễn đạt không tác dụng, o Luyên vội đưa ngón tay lên miệng cắn mạnh cho chảy máu. Người phụ nữ hoảng hốt cầm tay o Luyên.
- Mày điên à. Sao tự cắn
mình cho chảy máu?
O Luyên “ư ư” lên mấy tiếng, rồi lại chỉ tay xuống đũng quần. “Thôi chết!” - Đáy mắt người phụ nữ lặng đi nơi chiếc quần rách rưới của O Luyên.
- Khổ mày rồi con ạ! Sao mà dại thế hả? Thế đứa nào? Đứa nào làm mày?
O Luyên ngẩn người đi giây lát, rồi chỉ tay về phía đường làng, nơi có ngôi nhà to lớn của lão Thông. Người phụ nữ lặng đi, không nói thêm gì. O Luyên cũng cảm thấy đã thỏa mãn khi chia sẻ nỗi sợ hãi của mình, lặng lẽ đi về phía con đường làng.
Mặt trời bắt đầu nhô lên cao. Sau cơn giông, mọi thứ dường như xơ xác. Những hạt mưa còn đọng lại trên đóa trinh nữ bên vệ đường, chẳng còn nguyên vẹn nữa màu hồng. Lão Thông lại lùa vịt ra đồng, vừa thấy o Luyên, lão vội vàng lùa đàn vịt đi hướng khác. O Luyên chạy theo lên phía trước, phô hàm răng thiếu hai chiếc răng cửa phía trên ra cười với lão Thông. Sao mà lúc này, lão ghét o Luyên đến thế. Lão chỉ muốn cầm que lùa vịt, quất cho o vài cái. Nhưng lão không dám. Lão sợ những lời đàm tiếu, sợ vợ con lão nổi điên, mà khi đàn bà nổi điên, sợ lắm. Nghĩ tới nghĩ lui, lão chẳng nói gì, vội vàng lùa đàn vịt đi cho khuất mắt. O Luyên chưng hửng nhìn theo.
Trở về ngôi nhà tồi tàn, o nằm dài ra chiếc chiếu cói đã bợt bạt giữa nhà. Vệt máu từ đêm qua đã khô và sẫm màu, khiến chiếc chiếu trông càng bẩn thỉu và hôi hám.
Từ dạo đó, lão Thông không chịu giáp mặt với o Luyên nữa. Cứ thấy o Luyên ở đâu là lão tránh ở đó. Nhất là từ hôm lão lùa đàn vịt đi ăn và nghe người ta kháo nhau rằng o Luyên không chồng mà chửa. Người ta không trách o, vì o ngờ nghệch, không học không hành. Họ chửi thằng làm cho o Luyên có bầu, thiệt loại súc sinh, làm hại cả con câm rách rưới. Lão Thông chột dạ, thấy mặt nóng ran. Lão không nói gì, lẳng lặng lùa đàn vịt đi chỗ khác.
Bầu được một, hai tháng thì o Luyên bắt đầu ốm nghén, ăn ngủ không được, nên vốn xấu nay lại càng xấu hơn, vốn tiều tụy nay lại thêm tiều tụy. Ngày ngày, o Luyên vẫn ra đứng trước đường làng, lắng nghe tiếng “cạc… cạc” của đàn vịt lão Thông đi qua. O chỉ muốn nhìn lão Thông một cái, rồi đi, mặc lão Thông có đáp lại hay không. Có những hôm, bụng đau quằn quại, o vẫn mặc, cứ đứng đầu làng từ sáng cho đến khi trời nhập nhoạng tối và trăng bắt đầu lên. Không thấy bóng dáng lão Thông đâu cả, o buồn lắm, lủi thủi trở về nằm co ro một góc trong căn nhà nhỏ tồi tàn. Ở mi mắt o, rỉ ra hai giọt mặn đặc quánh, lăn dần xuống thái dương và mất hút trong mớ tóc rối bù.
Cái thai trong bụng o Luyên cứ lớn dần theo ngày tháng. Hình hài đứa bé cũng rõ dần lên từng ngày. O Luyên vẫn thường để tay lên bụng để cảm nhận sự sống đang hiện hình bên trong mình. O hay cười hơn. Ra ngoài gặp ai, o cũng cười, chỉ xuống cái bụng giờ đã tròn vo sau lớp áo mỏng bợt bạt để khoe. Thế mới biết thiên chức làm mẹ thiêng liêng và hạnh phúc đến nhường nào. Không còn ai đi lại mang cơm và thức ăn cho o Luyên nữa, o đành phải tự mình đi kiếm ăn. Và lần này, vì đứa con trong bụng, o lại càng phải đi nhiều hơn, phải kiếm cái ăn nhiều hơn, để nuôi mầm sống ấy lớn lên dần. Không ai nỡ từ chối o Luyên khi nhìn xuống cái bụng đang ngày càng lớn. Có người cho thêm quần áo, vì cái bụng của o đã quá cỡ với chiếc áo ngắn cũn cỡn và bạc màu. Đằng sau nụ cười của o, là những tiếng thở dài và những cái lắc đầu chua chát. Họ tội nghiệp cho cô gái mới hai mươi tuổi đầu đã phải chịu quá nhiều bất hạnh, đã phải làm “o”. Cũng có người mừng cho o, ừ thôi kệ, có đứa con sau này nhờ cậy, trong cái rủi có cái may. Không biết vô tình hay hữu ý, nhiều người hỏi o Luyên cha của đứa bé là ai. O thoáng buồn, rồi lại cười hề hề chỉ chỉ tay vào ngôi nhà đồ sộ của lão Thông ngay đầu làng. Thế là, tiếng lành đồn gần tin dữ đồn xa tới tai vợ con lão Thông. Không ai biết đêm đó xảy ra chuyện gì, chỉ nghe tiếng đồ đạc vỡ, tiếng chửi bới mà không hề
nghe thấy tiếng cự cãi nào. Từ dạo đó, không còn thấy lão Thông lùa vịt đi ăn nữa. Nghe đâu, vợ lão, hay chính lão, đã thuê con Dần thọt chân đi chăn vịt thay, lo cho nó ngày hai bữa cơm và một chỗ ngủ tương đối ấm cúng dưới chuồng vịt.