- Nhưng đó là ma túy.
- Đúng, mà lại là loại mạnh. Giảm đau rất công hiệu.
- Nhưng luật cấm dùng ma túy kia mà!
- Sao lại cấm?... - Nôrikô nhúng bút lông vào chén thuốc vẽ màu trắng, rồi viết thử lên tờ báo.
- Cụ Isikura bị ung thư dạ dày à?
Norikô gật.
- Thế mà người ta bảo là bị ung thư chẳng đau tí nào. Em chưa bao giờ tưởng tượng la con người ta có thể đau đến thế.
- Sở dĩ đau nhiều là không riêng dạ dày bị tổn thương. Di căn đã lan vào tận xương sống, chạm đến trung khu thần kinh.
- Thế thì mổ cũng không ăn thua nữa à?
- Không ăn thua. Chính vì thế mà ở bệnh viện của trường đại học họ cho ông cụ ra viện.
-Tội nghiệp ông già... - Kaôru thở dài. Nửa năm làm việc ở bệnh viện cô đã có dịp trông thấy khá nhiều điều, nhưng cho đến nay cái gì đối với cô cũng hãy còn mới lạ và có sức lôi cuốn lạ thường. -
Ông cụ còn sống được bao lâu nữa?
- Bác sĩ Naôê cho là còn được khoảng hai tháng nhiều nhất là ba.
- Ông cụ có biết không?
- Dĩ nhiên là không. Chỉ có người trong nhà biết.
- Thế ra họ chỉ còn chờ ông cụ chết?
- Đúng thế.
Nôrikô lại cầm bút lên. Dòng chữ Hán màu trắng nét bay bướm, chạy trên tấm bảng nhỏ màu đen:
"Tsunêô Muraya" - tên họ bệnh nhân mới nhập viện. Nét chữ của Nôrikô nhẹ nhàng, tao nhã.
- Cô chớ nói hở ra đấy, - Nôrikô dặn dò, tuy cô biết cũng chẳng cần như thế: không đời nào Kaôru lại có đủ can đảm nói lại với ông già. Nhưng cô bé vẫn gật đầu ưng thuận một cách hết sức nghiêm trang. Vừa lúc ấy có tiếng chuông gọi của bệnh nhân phòng 412 gọi.
- Isikura
- Cô lấy hai liều brobarin xuống mà tiêm. Nói là sẽ bớt đau ngay.
- Vâng.
Kaôru đến tủ thuốc lấy ra một cái hộp màu đỏ chạy vội ra hành lang.
Tên gọi của bệnh viện nghe khá hợm hĩnh: "Oriental". Song đó chỉ là một bệnh viện tư thuộc loại thông thường nhất ở Tokyo. Chủ nhân - bác sĩ Yutaro Gbyoda - đồng thời cũng là bác sĩ trưởng. Tòa nhà cao sáu tầng, lại thêm một tầng hầm nữa, xây gần ngã tư chỗ phố Tamagawa gặp đại lộ chu vi số 6 của thành phố, bề mặt trông ra đường. Ở tầng trệt là phòng đón tiếp bệnh nhân, phòng tiếp khách, phòng ghi danh, phòng phát thuốc và phòng X-quang. Tầng thứ hai dành cho phòng mổ, phòng vật lý trị liệu, phòng xét nghiệm, phòng điều hành, phòng làm việc của bác sĩ trưởng và phòng văn thư. Từ tầng ba đến tầng sáu là các phòng của bệnh nhân. Bệnh viện Oriental chỉ có cả thẩy bảy mươi giường.
Số bệnh nhân ngoại trú xê xích tùy theo từng ngày trong tuần lễ, nhưng kể trung bình thì mỗi ngày có khoảng 150-160 người đến bệnh viện. Trên của các phòng đều có treo những biển bề: "Bác sĩ nội khoa", "Bác sĩ da liễu", "Bác sĩ niệu học", "Bác sĩ phẩu thuật", "Bác sĩ phụ khoa", "Phòng phẫu thuật thẩm mỹ", "Khoa nhiễm xạ". Thế" nhưng số bác sĩ làm việc thường xuyên ở bệnh viện Oriental không lấy gì làm đông; chỉ có bác sĩ nội khoa Kawahara, hai bác sĩ phẫu thuật là Naôê và Kôbasi, bác sĩ nhi khoa Marayama, kể cả bác sĩ trưởng nữa là năm người. Ngồi tiếp bệnh nhân ở phòng phẫu thuật thẩm mỹ cũng là Naôê, còn ở phòng niệu học và phòng phụ kho thì cứ mỗi tuần hai lần, có hai bác sĩ ở bệnh viện của trường đại học M. đến làm việc. Nữ y tá, kể cả y tá cấp một và tập sự, ở bệnh viện Oriental có cả thẩy hai mươi hai người. Bác sĩ trưởng Yutarô Ghyôda chuyên về nội khoa, nhưng mấy năm gần đây hầu như không xuất hiện ở ở các phòng bệnh nhân nữa, mà giao hết công việc này cho Kawahara vốn và bạn thân của ông. Bản thân ông ta chỉ quan tâm đến cái ghế hội đồng dân biểu thành phố và công việc quản trị Hội liên hiệp Lương y, vốn là những công việc rất xa với y học. Thảng hoặc có khi nào bệnh viện tư của ông được người ta nhắc đến thì ông than thở rằng nó chẳng đem lại một chút lợi nhuận nào. Tuy vậy cái bệnh viện Oriental vẫn được coi là một bệnh viện khá lớn không riêng gì trong khu mà ngay cả trong toàn thành phố Tokyo nữa.
Ban đêm thường có hai nữ y tá ở lại trực. Cổng chính cửa bệnh viện - cổng dẫn thẳng vào phòng cấp cứu - mở cho đến tám giờ tối. Sau tám giờ thì cổng sẽ đóng, ai đến phải bấm chuông.
Tối hôm ấy trong bệnh viện không có sự cố gì - cứ như thế mọi người đều biết trước rằng bác sĩ trực sẽ đi đâu mất tăm. Chỉ có cụ Isikura kêu đau, với lại Sughimôtô, anh chàng trẻ tuổi nằm ở tầng ba, đến xin thuốc cảm lạnh. Những bệnh nhân ngoại trú đến sau năm giờ, khi phòng khám thường đã chuẩn bị nghỉ, cũng không nhiều; hai người đến thay băng thêm hai người nữa đến tiêm thuốc theo lời dặn của bác sĩ điều trị.
Những bệnh nhân chấn thương, thường thường cứ hai ngày đến một lần, hôm nay cũng không phải đến. Dĩ nhiên Nôrikô tự ý cho thuốc cảm và thay băng mà không có chỉ thị của bác sĩ trực như vậy là vi phạm điều lệ, nhưng cô không dám quấy rầy Naôê vì những chuyện không đâu như thế. Nôrikô biết rất rõ mình phải làm gì; vả chăng nếu cô có tự dưng nảy ra cái ý gọi điện cho ông ta, thì chẳng qua cũng sẽ được nghe ông trả lời là: "Tốt lắm, cứ thế mà làm".