Cạnh một cửa sổ là giường của Kôkichi Uênô. Sau mấy lần tiếp máu, ông già bắt đầu thấy đỡ và đã ngồi dậy được trên giường, tự xúc lấy thức ăn. Quả ông chưa đi được hai: hai chân không chịu tuân theo ý muốn của ông.
Naôê bước vào phòng vừa đúng lúc mấy cô y tá đang tiếp máu. Máu đang nhỏ từng giọt chuyển vào đường tỉnh mạch căng phồng. Làn da trước đây xanh xao, khô héo như tờ giấy bổi, nay đã trở nên sinh động và mềm dẻo; ngay cả đôi má cũng hồng hào lên.
Vợ của bệnh nhân là bà Chiyô, người mảnh khảnh nhưng hãy còn khá linh lợi, ngay từ đầu không rời chồng một bước.
Khi Naôê đã thăm hết các bệnh nhân trong phòng và đi về phía cửa, bà già lúp xúp chạy theo ông.
- Thưa bác sĩ, có thể làm phiền bác sĩ một chút được không ạ ?
Naôê ngạc nhiên đứng lại. Các cô y tá thường nói rằng xưa nay bà cụ Chiyô như người câm, ai nói gì cũng chỉ gật đầu, thế mà nay bỗng dưng lại lên tiếng.
- Có việc gì thế ạ?
- Tôi... tôi muốn hỏi... - bà cụ ngập ngừng, mắt nhìn xuống sàn.
- Tôi đi thăm bệnh nhân xong rồi ta nói chuyện nhe, được không ạ? Độ hai mươi phút nữa bà cụ cứ sang phòng các cô y tá gặp tôi.
Bà cụ gật đầu và biết ơn.
Naôê đi qua các phòng bệnh nhân ở tầng ba, tần tư và tầng năm rất nhanh. Còn lại tần thứ sáu, nơi chỉ có một mình Hanađzyô nằm. Cô đang ngồi trên giường chải tóc, mình mặc chiếc áo choàng màu hồng.
- Bác sĩ khám à ? - Đzyunkô đặt cái bàn chải xuống chiếc bàn ngủ rồi không đợi ai yêu cầu, cô ta nằm xuống giường. Cô đã thông thuộc những gì người ta đòi hỏi ở cô.
Mọi việc đều được tiến hành rất nhanh, Đzyunkô chưa kịp ngỏanh đi ngỏanh lại thì đã xong hết rồi.
Nôrikô đưa cái khăn mặt. Naôê lau cẩn thận từng ngóng tay một rồi hỏi:
- Cô còn cảm thấy đau không?
- Cò-òn, ít thôi...
- Đó là kết quả của buổi tối hôm qua.
- Bác sĩ định nói gì? - Đzyunkô mở tròn xoe đôi mắt đã to sâu. Trong cô ta hết sức thật thà và hiền lành.
- Cô không hiểu à ?
- Không. - Đzyunkô ngạc nhiên lắc đầu. - Việc gì thế?
- Tôi cũng không biết nên trừng phạt cô như thế nào đây.
- Thôi bác sĩ đừng dọa. - Đzyunkô bỡn cợt đánh vào bàn tay Naôê một cái - chỉ tổ-ổ-ổ bịp.
- Chính cô bịp thì có.
- Tô-ô-ôi ấy à ?!
- Cô nên nhớ rằng nếu chỉ khâu bị đứt và các mạch máu lại mở ra thì phải làm lại phẫu thuật.
- Để làm gì?
- Phải làm sạch lại tất cả.
- Thà chết còn hơn!
- Nếu vậy cô đừng buông thả quá.
- Xì, cái ông bác sĩ này ! Người đâu mà đáng ghét tệ. - Đzyunkô kéo dài, giọng ngân nga và nũng niụ. Naôê ném cái khăn mặt cho Nôrikô rồi ra hành lang.
Bà cụ Chiyô đang đợi họ. Bà ngồi co ro trên chiếc đi-văng nhỏ ở phòng y tá.
- Bà cụ có việc gì thế? - Naôê rút cái stêto trogn túi ra đưa cho Nôrikô rồi cũng ngồi xuống đi-văng bênh cạnh bà cụ.
- Tôi không biết... Có nên làm phiền bác sĩ vì những chuyện không đâu.
- Nhưng việc gì ạ ? Bà cụ cứ nói đi.
- Hôm trước tôi có nhận được cái này ... của bệnh viện đưa - Bà cụ rút trong bầu bao ra mấy tờ giấy. Trong giấy có viết là tôi phải trả một món tiền gì đấy...
Naôê nhìn qua mấy tờ giấy.
- Đó là giấy thanh toán.
- Thanh toán gì ạ?
- Đầu đuôi là thế này bà cụ ạ. Tiền viện phí ở các bệnh viện mỗi nơi mỗi khác. Thường thường thì số tiền bảo hiểm bệnh tật đủ để trả viện phí. Nhưng ở bệnh viện chúng tôi, trừ hai phòng chung ở tầng ba, các phòng khác còn phải bù thêm. Tuần thứ nhất ông cụ nằm ở phòng hai giường, cho nên phải bù thêm một ngàn yên. Có tiền bảo hiểm rồi vẫn phải trả thêm mới đủ.
- À ra thế...
- Bây giờ thì ông cụ nằm ở một phòng không phải trả thêm tiền. Thế sao ạ, hai cụ có khó khăn về chuyện tiền nong ạ?
Bà cụ cúi đầu:
- Là vì tôi, từ ngày ông nó lâm bệnh, cứ phải ở bên cạnh ông ấy suốt...
Naôê rút trong túi ra một điếu thuốc lá. Nôrikô lúc bấy giờ đang xem các đơn thuốc, liền lấy cái gạt tàn đưa cho ông.
- Thôi, nếu bà cụ chưa trả được bây giờ thì trả sau cũng được.
- Nhưng...
- Chắc hai cụ hoàn toàn không có tiền phải không? - Naôê suy nghĩ một lát rồi hỏi.
Bà cụ buồn bã gật đầu.
- Thôi được rồi. Không có tiền thì không phải trả nữa.
Ba cụ ngạc nhiên nhìn ông.
- Không có tiền - chỉ có thế thôi. Chẳng biết làm thế nào được. Họ có đòi thì bà cụ cứ trả lời như thế. Đó là bằng chứng mạnh nhất.
Bà cụ ngơ ngác chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.
- Trước kia bà cụ có làm việc ở đâu không?
- Có, thỉnh thỏang có đi làm...
- Ở đâu?
- Trong một tiệm ăn nhỏ, tôi rửa chén đĩa.
- Họ trả cho bà cụ bao nhiêu?
- Tôi làm mỗi tháng mười ngày, họ trả cho được mười hai ngàn yên. Rồi đây ông nó khỏi bệnh, tôi lại kiếm việc mà làm. Có lẽ bấy giờ sẽ đỡ túng quẩn...