- Anh nhận được email của em rồi, nhưng giờ mới xong việc. Đợi lát nữa về đến nhà anh sẽ xem cho em ngay - Giọng anh đầy vẻ áy náy.
Vi cũng vội vàng xin lỗi đã làm phiền anh, chỉ vì cô muốn xác nhận xem thư đã đến đúng địa chỉ chưa nên mới phải gọi cho anh vào giờ này. Nhưng anh trấn an cô:
- Phiền gì đâu, anh quen rồi. Nếu em muốn làm kiểm toán thì phải chuẩn bị tinh thần dần đi là vừa. Sau này còn có những lúc làm đến một, hai giờ sáng nữa đấy.
Rồi anh hỏi cô đã nghĩ kỹ chưa, sức khỏe và tinh thần có tốt không mà lại muốn tìm một công việc vừa vất vả vừa khắc nghiệt như vậy.
- Em chỉ cần tìm được việc là may rồi ạ. Sinh viên mới ra trường, lại là du học sinh như em thì làm gì có sự lựa chọn - Cô cười đáp.
Vậy là câu chuyện chuyển sang đề tài thông tin cá nhân giữa hai bên. Vi được biết hoàn cảnh của anh trước đây cũng hoàn toàn giống như cô, là một du học sinh sang đây học đại học, rồi sau đó anh may mắn được nhận vào làm việc ở tập đoàn kiểm toán này. Nhân tiện không khí có phần cởi mở, thoải mái, Vi bèn nhờ anh chỉ giúp thêm những kinh nghiệm và kiến thức cần phải chuẩn bị để có thể lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Hẳn nhiên tình đồng hương là một lợi thế đối với Vi, cô được anh hứa sẽ tận tình giúp đỡ.
Ngay tối hôm đó, anh đã email lại cho Vi bản CV và cover letter của cô với những điểm cụ thể mà anh thấy cô cần phải sửa đổi hay bổ sung. Anh cũng gọi điện chỉ bảo cô cặn kẽ từng đường đi, nước bước, cách trả lời phỏng vấn như thế nào, những vấn đề nào nên tránh, những vấn đề nào cần nhấn mạnh… Không những thế, anh còn gửi cho cô một lô tài liệu tham khảo về tập đoàn và công việc tương lai để cô tiện nghiên cứu trước. Anh cũng cho cô biết những người nào có khả năng sẽ là người phỏng vấn của mỗi vòng, đồng thời cung cấp cho cô các thông tin (cả chính thống lẫn truyền miệng) về lý lịch việc làm, thói quen, tính cách, sở thích cá nhân của từng người, yêu cầu cô phải nghiên cứu cho kỹ để chuẩn bị sẵn cách nói chuyện cũng như một số câu hỏi “phỏng vấn lại người đang phỏng vấn mình”, nhằm gây ấn tượng tốt đối với họ. “Điều này là đặc biệt quan trọng - Anh nhấn mạnh - Em có biết ấn tượng về một người nằm trong mười giây giao tiếp ban đầu không? Ấn tượng đó sẽ chi phối hành vi và thái độ của họ đối với em. Vì vậy, phải cố gắng hết sức để khiến họ thấy rằng em đã tìm hiểu rất nghiêm túc về công ty và công việc mà em đang muốn xin vào, cũng phải chứng tỏ cho họ thấy kết quả của việc tìm hiểu đó là em có thể chỉ ra được một vài vấn đề mấu chốt trong công việc, những tồn đọng cần phải cải tiến hay đề xuất được những giải pháp tốt hơn”.
Vũ trang đầy đủ như vậy, cộng với một bảng điểm đẹp, lại thêm kinh nghiệm làm việc nhóm từ các hoạt động ngoại khóa, cuối cùng cô cũng chứng tỏ được tiềm năng của mình và lọt qua được vòng phỏng vấn đầu tiên. Ngay khi biết kết quả, cô không nén được vui mừng, vội gọi điện báo cho Nam biết. Anh cười ha hả trong điện thoại, chúc mừng cô nhưng cũng không quên nhắc cho cô nhớ về hai vòng phỏng vấn sắp tới, “đó mới là những cửa ải khó vượt qua”.
Vòng phỏng vấn thứ hai cũng diễn ra tương đối suôn sẻ. Cô đã “phỏng vấn ngược” rất đúng lúc vị giám khảo của mình và nhận được những cái gật gù tán thưởng kèm theo cả nụ cười mỉm hài lòng. Trực giác mách bảo rằng cô đã hoàn thành tương đối tốt vòng phỏng vấn này. Mặc dù vậy, cô vẫn thấp thỏm mất ngủ suốt một tuần chờ đợi kết quả. Mãi đến khi nhận được thông báo tiếp tục vào vòng phỏng vấn sau, cô mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Lần này thì Nam chủ động gọi cho cô để chúc mừng việc cô đã lọt qua cửa ải thứ hai. “Chỉ còn một bước nữa thôi là em sẽ trở thành đồng nghiệp của anh. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn kịp - Anh cười trêu cô - Còn nếu mà vẫn muốn đưa lưng cho tư bản bóc lột thì cố gắng lên nhé”. “Bóc lột cũng được, em tự nguyện mà” - Cô cũng cười đáp lại.
Tuy tỏ ra là một người thích đùa, nhưng trong công việc Nam hết sức nghiêm túc. Trước vòng phỏng vấn cuối cùng, anh còn gọi điện cho Vi dặn dò thêm lần cuối, thậm chí còn tư vấn cho cô cả về cách ăn mặc sao cho vừa lịch sự, vừa gây ấn tượng. Không biết cô sẽ gây được ấn tượng với người phỏng vấn mình như thế nào, nhưng anh thì chắc chắn đã gây cho cô một ấn tượng khó quên bằng màn tư vấn rất đúng kiểu “chuyên gia thời trang” này. May cho Vi, vị partner(6) phỏng vấn cô hôm đó chính là một trong số những người mà cô đã “nghiên cứu” từ trước. Ông đã từng có nhiều năm làm kiểm toán ở một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo hướng dẫn và kinh nghiệm của Nam, cô biết rằng lọt được đến vòng này, khả năng và kiến thức chuyên môn không phải là điểm mấu chốt nữa (vì đã được thẩm định ở hai vòng trước), mà điều quan trọng là làm sao gây được ấn tượng tốt cũng như thiện cảm đối với vị giám khảo cao cấp kia. Cố gắng thể hiện một thái độ tự tin nhất, cô khéo léo lái câu chuyện sang những cải tiến về hệ thống làm việc mà ông đã thiết lập được trong những ngày đầu sang các nước Đông Nam Á. Câu chuyện về nền kinh tế Việt Nam: quá trình phát triển và những hệ lụy của nó, cũng như cơ hội cho ngành kiểm toán trong bối cảnh này đã nhanh chóng trở thành chủ đề khiến cả hai thích thú. Ba mươi phút phỏng vấn trôi qua trong nháy mắt. Trước khi bắt tay chào tạm biệt cô, vị partner đó đã tỏ ý khen ngợi sự chuẩn bị chu đáo của cô, và Vi đã coi đó như một dấu hiệu tốt lành.