"Con đọc được hả?" Tôi hỏi.
Yuji liền quay sang nhìn tôi : "Gì ạ?"
Tôi hỏi lại lần nữa : "Con đọc được cuốn đó à?"
"Dạ." Yuji trả lời. "Một ít thôi ạ."
"Đi mua thức ăn cho bữa tối nào."
Tôi thay quần áo, mặc áo nỉ chui đầu, quần bò, rồi gọi Yuji.
"Tối nay con muốn ăn gì?"
"Cơm cà ri."
Hai bố con mở cửa bước ra ngoài. Lúc đi xuống cầu thang, tôi bảo:
"Hôm kia mình ăn cơm cà ri rồi."
"Nhưng con vẫn muốn ăn."
"Hình như Chủ nhật vừa rồi cũng ăn cà ri."
"Vâng, nhưng con vẫn muốn ăn."
"Nấu cà ri lâu lắm."
"Không sao ạ."
"Được rồi."
Chúng tôi mua bột cà ri, hành tây, cà rốt và khoai tây ở trung tâm mua sắm trước cửa ga. Tay trái tôi xách túi ni lông đựng đồ, tay phải dắt Yuji. Tay thằng bé lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi.
Vốn hay lo lắng thái quá nên khi đi bộ ra ngoài đường, tôi không bao giờ rời tay Yuji.
Tôi nói với thằng bé:
"Ô tô đáng sợ lắm. Phải thật cẩn thận."
"Dạ."
"Mỗi ngày có hàng chục người chết vì tai nạn ô tô đấy."
"Thật ạ?"
"Đúng thế. Nếu ngày nào cũng có ngần ấy người chết vì tàu điện, máy bay, người ta sẽ cho rằng chúng bị lỗi ở bộ phận quan trọng và loại bỏ những phương tiện ấy."
"Thế người ta sẽ loại bỏ ô tô ạ?"
"Không hề. Lượng ô tô đang tăng lên."
"Vì sao?"
"Chẳng biết nữa."
"Lạ nhỉ?"
Rất là lạ.
Trên đường về, chúng tôi tạt vào công viên số 17.(không biết có tất cả bao nhiêu công viên ở thị trấn này? Có lần tôi đã nhìn thấy công viên số 21.)
Trong công viên, như thường lệ, đã có mặt thầy Nombre và con chó Pooh.
Tôi không biết tên thật của thầy Nombre. Nghe nói hồi trẻ, lúc còn dạy ở trường tiểu học người ta đã gọi ông như vậy. Lần đầu tiên nghe thấy tên này, tôi đã hỏi ông.
"Nombre có phải cách gọi các số đánh bên dưới mỗi trang tiểu thuyết không ạ?"
"Đúng rồi!" Ông trả lời.
Người ông lúc nào cũng run lẩy bẩy. Cứ như chú chó nhỏ bị ngấm nước mưa. Có lẽ tại ông đã quá già.
"Sao từ đó lại thành biệt danh của thầy?"
Ông khẽ lắc đầu. Hoặc có thể chỉ là ông đang run lẩy bẩy thôi.
"Tại sao nhỉ? Hoặc giả những người xung quanh cho rằng đời tôi hoàn toàn chẳng có gì chăng? Giống như quyển sách giở mãi toàn thấy giấy trắng, trang nào cũng chỉ có mỗi số trang."
"Thật ạ?" Tôi hỏi.
Ông nhìn vào không trung bằng đôi mắt đục ngầu đặc trưng của người già.
"Đời tôi, toàn bộ chỉ dành cho em gái mình."
Con Pooh lông xù, ngồi dưới chân ông há miệng ngáp dài.
(Con chó này có "tên thật" hẳn hoi, nhưng Yuji tự đặt tên cho nó là Pooh.)
Tôi và em gái chênh nhau mười ba tuổi. Giữa tôi và em gái còn một đứa em trai nữa, nhưng sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, thằng em tôi vội vàng bỏ đi sống tự lập. Nhà chỉ còn mỗi tôi và em gái.
Em tôi từ nhỏ đã ốm yếu, bác sĩ hồi ấy hcaarn đoán nó không thể sống được đến năm mười lăm tuổi.
Chẩn đoán là gì ạ? Yuji ngồi nghe bên cạnh hỏi. Không tìm được cách giải thích nào thấu đáo, tôi đành trả lời: "Con nghĩ thế nào thì nó là như thế."
"Biết mà." Yuji cười.
Tôi dám chắc thằng bé đang nghĩ đến một thứ hoàn toàn khác.
Khi em trai tôi bỏ đi, em gái tôi mới mười bốn, còn tôi hai bảy. Tôi xác định sẽ chăm sóc em gái tới tận giây phút cuối cùng nên đã chọn cuộc sống chỉ có hai anh em. Khi ấy tôi cũng đến tuổi lấy vợ, trong lòng cũng đang thương thầm một cô. Nhưng tôi tự nhủ phải lo cho em trước, chuyện mình để sau. Thực tế là việc chữa trị cho em tôi tiêu tốn rất nhiều tiền. Giả sử chuyện của tôi cới cô gái kia có đơm hoa kết quả đi nữa, cũng chưa chắc tiến được tới hôn nhân.
Cứ như vậy năm tháng trôi qua với tốc độ kinh ngạc.
Nhanh quá cậu ạ! Hay chỉ riêng với tôi mới nhanh đặc biệt như vậy. Thậm chí tôi còn người rằng kẻ nào đó cao tay đã đánh cắp mất thời gian của tôi.
Tóm lại, thời gian trôi vèo trong nháy mắt.
Chắc chắn là chẳng có gì đáng để viết vào cuốn sách của đời tôi. Nếu ngay trang đầu tiên kể về cuộc đời của một gã đàn ông nhàm chán, chẳng có gì đáng nói, thì ở các trang sau, chỉ cần viết "giống như trang trước" là đủ.
Cậu có tin nổi không? Tôi đã sống như thế suốt ba mươi năm trời.
Em tôi mất năm bốn mươi bốn tuổi. Còn tôi khi ấy, ba năm nữa là tròn sáu mươi.
Nhưng tôi có thể cam đoan một điều, đó là đời tôi không hề "trống rỗng". Thậm chí cuộc đời của một gã đàn ông nhàm chán, chẳng có gì đáng nói thực ra vẫn chứa đựng một điều gì đó. Không trống rỗng chút nào.