Rồi một ngày, anh được nghe giọng nói của em sau một năm trời không gặp.
Hàng ngày anh đều gọi điện về nhà. Anh đi trong tình trạng không tốt nên bố mẹ anh rất lo. Hồi đấy, điện thoại di động chưa phổ biến nên anh gọi về nhà bằng điện thoại công cộng theo kiểu người nghe trả tiền để thông báo rằng hôm nay anh vẫn ổn.
Hôm đó, mẹ anh nghe điện thoại và nói với anh.
Em để lại lời nhắn.
Em nhắn có chuyện cần nói nên muốn anh gọi cho em. Theo kiểu người nghe cần trả tiền (thật đúng tính cách của em). Em sẽ đợi đến khi nào anh gọi. Đây là câu em muốn nhắn với anh.
Không được để con gái đợi. Đây không phải là lời nhắn của em, đây là lời của mẹ anh.
Anh đã hiểu.
Không biết em có chuyện gì?
Bao nhiêu ý nghĩ ập đến với anh.
Anh tưởng tượng ra toàn chuyện không hay xảy đến với em. Anh vốn mắc bệnh lo lắng thái quá nên anh chẳng nghĩ ra được chuyện gì tốt đẹp. Anh toàn tưởng tượng ra chuyện xấu, nào là em bị ốm, bị thằng nào đó lừa gạt, giày em đi bị gãy gót.
Nếu em đi tìm sự an ủi ở người yêu đã chia tay một năm trước trong hoàn cảnh như vậy, anh sẵn sàng chìa vai ra cho em. Anh muốn an ủi em. Việc em chỉ có thể dựa vào bờ vai xác xơ này đã nói lên tình trạng khẩn cấp của em, ruột gan anh như có lửa đốt. Anh dốc cạn số tiền xu trong túi, đặt lên bàn điện thoại.
Anh thận trọng bấm từng số điện thoại nhà em. Anh không dùng dịch vụ người nghe trả. Dù sao anh vẫn có lòng tự trọng.
Sau một tiếng chuông, em nghe máy.
Anh hơi bất ngờ vì không nghĩ em lại nghe điện ngay.
"Aio phải không?"
Em hỏi khi thấy đầu dây bên anh im lặng.
"Ừ. Tớ đây."
"A, đúng giọng Aio rồi."
Tim anh ấm lại khi được nghe giọng của em sau một năm trời.
"Cậu đợi điện thoại của tớ à? Thấy cậu nghe máy ngay."
"Ừ. Tớ nghĩ thế nào cậu cũng sẽ gọi."
"Ồ?"
"Ừ."
Tiếng em thì thào.
Anh hỏi.
"Có chuyện gì vậy? Cậu nhắn tớ phải gọi ngay."
"Aio này."
"Ừ?"
"Giờ cậu đang ở đâu?"
"Tớ đang đi du lịch. Chỗ tớ ở cách nhà cậu khoảng ba trăm ki-lô-mét."
"Tớ bảo này."
"Ừ."
"Tớ... đến chỗ cậu nhé?"
Im lặng.
"A lô."
"Ừ."
"Cậu vừa đi đâu à?"
"Tớ vẫn ở đây. Trong buồng điện thoại, tay cầm ống nghe."
"Vậy trả lời tớ đi."
"Ừ. Tớ hơi bất ngờ."
"Bất ngờ, rồi sao nữa?"
"Và vui. Rất vui. Nhưng mà..."
"Không sao đâu."
"Ừ. Không sao đâu."
"Không sao hả?"
"Ừ."
Trước sự tự tin đến khó hiểu của em, chúng mình hẹn gặp nhau hai ngày sau đó tại một thị trấn nọ.
Mãi sau này anh mới biết, hôm đó là ngày nhộn nhịp nhất trong năm của thị trấn nằm ở độ cao bảy trăm mét so với mực nước biển này. Gần năm trăm nghìn người đã kéo đến đây để xem màn pháo hoa được bắn từ giữa hồ. Năm trăm nghìn là con số rất lớn, nhiều hơn cả dân số của Công quốc Manaco hay Công quốc Liechtenstein. Thế có nguy hiểm không cơ chứ.
Em đến gặp anh mà không hề biết điều này. Liệu chúng mình có gặp được nhau không? Anh chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng.
Anh chạy khắp thị trấn tìm mũ bảo hiểm xe máy cho em.
Anh sẽ đưa em đội chiếc mũ màu đỏ có kính chắn gió phía trước anh đang dùng, còn anh sẽ tìm mũ khác.
Vì không đủ tiền mua mũ mới nên anh định sẽ thuê ở cửa hàng xe máy. Mãi anh mới tìm được một cửa hàng thì ở đó chỉ còn mỗi chiếc mũ loại nửa đầu cũ rích.
Loại mũ của mấy bà già hay đội đi chợ ấy. Chiếc mũ tơi tả chưa từng thấy. Thật chẳng ra sao nếu đội mũ này đi gặp em, nhưng anh càng không thể để em đội một chiếc mũ như vậy.
Vì sắp đến giờ hẹn nên anh cứ thế nhảy lên chiếc Scooter, phóng ra chỗ đường vòng trước cửa ga – nơi chúng mình hẹn gặp. Trời vẫn chưa tắt nắng nhưng có rất nhiều vị khách sốt sắng đã đến bằng ô tô. Đường xá đông nghịt.
Khi anh đến được chỗ đường vòng thì tàu đã vào ga được mười phút. Trước cửa ga đã đầy ắp khách đến xem pháo hoa bằng tàu hỏa.
Anh đưa mứt tìm em giữa biển người. Có rất nhiều cô gái trạc tuổi em nhưng anh không thấy em. Anh nhìn đồng hồ, đã quá giờ hẹn mười năm phút.
Hay là em không đến?
Không thể có chuyện đó.
Sau khi trấn tĩnh lại enh ngồi thụp xuống.
Anh đang chờ đợi điều gì đây? Gặp lại em, sau đó sẽ thế nào? Tình hình của anh có khác gì so với một năm trước đâu?
Anh đứng bần thần giữa đám người qua lại với chiếc mũ bảo hiểm bẩn trên đầu. Tiếng cười nói của bọn họ dường như đều có chung một ngụ ý: