Hôm ấy cô nói: "Cái này là trả lại cho cậu".
Trình Tranh vùi đầu vào gối, Tô Vận Cẩm, em lấy cái gì trả lại cho tôi?
Bên phía Tô Vận Cẩm lại là một tình cảnh hoàn toàn khác. Nửa tháng sau khi Trình Tranh nhận được giấy báo, cô cũng từ trường học lãnh về thông báo trúng tuyển của mình. Nói ra thì cũng thật may mắn, với thành tích học tập mức mấp mé trúng tuyển hệ chính quy, lạng quạng thế nào cô lại đỗ vào một trường đại học thuộc nhóm hai ở thành phố phương Nam ngay bên dòng Châu Giang, chuyên ngành Quan hệ Công chúng. Mọi người thấy một người tính tình hướng nội như cô lựa chọn chuyên ngành như thế này đúng là một việc nằm ngoài dự liệu. Thực ra cô tự thách thức với chính mình, coi như khởi sự từ đầu một lần nữa, cô hy vọng có thể sống như một Tô Vận Cẩm hoàn toàn khác.
Quá trình gom góp học phí đại học chẳng hề thuận lợi. Việc đổ bệnh và qua đời của bố cô khiến cho cả nhà có chỗ bạn bè thân thích nào có thể vay tiền thì đều đã mượn đủ một vòng. Tuy rằng khoản tiền quyên góp của nhà trường giúp gia đình cô trang trải được một số trong đó, thế nhưng những người tính toán đôi chút, ai lại bằng lòng đem tiền ra cho một gia đình không hề có trụ cột, không có khả năng hoàn trả này vay nữa. May có trường cấp III cô học đứng ra, thay cô liên hệ với tường mà cô sắp theo học, đề nghị xem xét đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô, đặc cách tạm hoãn nộp học phí, đợi sau khi học bổng phát xuống sẽ tiếp tục đóng bù.
Cả mùa hè Tô Vận Cẩm chỉ ở nhà xâu chuỗi vòng cho một cửa hiệu thời trang trong huyện, không có thời gian mà ưu sầu. Dựa vào chút tiền còm kiếm được trong hai tháng này, thêm vào tiền lộ phí và khoản sinh hoạt phí trong hai tháng mà mẹ cô nghĩ hết cách để gom đủ, cô đã đặt chân vào con đường đại học như thế.
Đêm trước khi lên đường, hai mẹ con ở giữa căn nhà chỉ độc bốn bức tường nhìn nhau mà rớt nước mắt. Người mẹ xót xa đứa con gái chưa bước vào đời mà đã phải mang gánh nặng nợ nần. Tô Vận Cẩm chỉ nói nợ ngân hàng thì trả lãi, dù gì vẫn còn tốt hơn nợ tình người chẳng thể trả hết. Điều đáng buồn duy nhất là, sang tỉnh khác theo học rồi, cô sẽ phải bỏ lại mẹ một thân một mình thui thủi ở nhà. Tuy thế có một câu Tô Vận Cẩm không nói ra, ấy là bố không còn nữa, nhưng mẹ vẫn trẻ trung, nửa quãng đời sau lẽ nào lại một mình đi tiếp? Việc đi học xa của cô cũng là một cách tác thành cho mẹ.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Tô Vận Cẩm trong lòng cũng nghĩ tới Trình Tranh, một người con trai tự tôn và cao ngạo như thế, trong cõi đất trời riêng của cậu ta, vuột mất một người con gái mà cậu ta có đôi chút tình cảm, có lẽ đã là nỗi dằn vặt lớn nhất từ thuở cha sinh mẹ đẻ.
Loại hạ trừng chẳng thể bàn chuyện băng lạnh, cậu ta vĩnh viễn không có cách nào thấu hiểu cái thế giới mà cô trú thân.
Ai khi mới đặt chân đến một thành phố hoàn toàn mới mẻ cũng sẽ ít nhiều cảm thấy không thích ứng, Tô Vận Cẩm cũng không phải là ngoại lệ. Đô thị sầm uất ở phương Nam Trung Quốc này có cảnh sắc mang phong cách Lĩnh Nam đậm đà mà cô hoàn toàn chưa từng quen thuộc. Nhưng cô rất nhanh chóng hòa nhập vào thành phố này, hay nói cách khác, chính thành phố này đã đem lại sự bao dung riêng có của mình ra để đón nhận cô một cách nhanh chóng. Cô dần dần quen thuộc với thứ khí hậu á nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều ở đây, quen thuộc với những khu lầu nửa cũ nửa mới xây san sát lấp ló ẩn hiện ở một góc thành phố, đương nhiên là cả khu thương nghiệp sầm uất đặc trưng nhất ở nơi này... Trên gương mặt những con người bản địa đen nhẻm nhỏ thó có nét tinh nhanh bộc trực, những người quán xuyến nội trợ gia đình ở đây thì cơ hồ đều là những chuyên gia về thuốc thang tẩm bổ, những con người xuất thân năm hồ bốn biển nói thứ tiếng phổ thông đủ kiểu giọng Bắc Nam mà trao đổi với nhau không hề vấp váp, chẳng có ai để ý xem anh đến từ nơi nào.
Trường của cô là một đại học tổng hợp do mấy trường vừa hợp lại với nhau, tuy không được coi là trọng điểm, nhưng chí ít ở thành phố này cũng có tiếng tăm nhất định. Do sắp xấp chuyên khoa trong trường về tổng thể thiên về các ngành Nhân Văn, nên tỉ lệ nữ sinh trong trường hơi nhỉnh hơn nam sinh, thêm nữa trước nay còn có truyền thống tốt đẹp là sản sinh ra bạt ngàn mỹ nữ, khiến trường trở thành một điểm thu hút rất nhiều nam sinh từ các trường đại học lân cận. Tô Vận Cẩm là một trong số ít các cô gái xuất thân từ ban Tự nhiên ở chuyên ngành của cô. Từ khi bắt đầu là sinh viên năm nhất bước vào trường, cô đã có nhận thức khá tỉnh táo rằng, người khác có thể tha hồ thoải mái tận hưởng quãng đời sinh viên nhàn rỗi đột ngột này, nhưng cô thì bắt buộc phải nỗ lực vì cuộc sống.
Cũng may là mấy tháng sau khi khai giảng, tiền học bổng đã phát xuống rất suôn sẻ. Cô cũng qua giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm mà kiếm được việc làm tạp vụ ngoài giờ học ở văn phòng khoa. Thù lao hàng tháng thực ra rất ít, còn chẳng so được với khoản tiền mà những bạn gia đình khá giả bỏ ra mua một món quần áo, nhưng Tô Vận Cẩm cảm thấy rất hài lòng. Giờ học năm thứ nhất không nhiều, so với hồi năm thứ ba trung học một tuần chỉ nghỉ nửa ngày, thời gian rảnh rỗi bây giờ đây nhiều đến mức xa xỉ. Sau khi cảm thấy đã có thể ứng phó với học hành bài vở và công việc ở văn phòng khoa, đến tháng thứ tư sai khi bắt đầu vào đại học, Tô Vận Cẩm đã tìm cho mình công việc gia sư. Phần việc gia sư này vốn do một nữ sinh khoa Ngoại ngữ ở trong trường "bày hàng" ở bên ngoài mà kiếm được. Đối tượng là một em học sinh nữ lớp ba, nhà ở một khu nhỏ cách trường không xa, phu huynh yêu cầu gia sư mỗi tuần hai tối đến nhà hướng dẫn bài vở cho cô con gái nhỏ, tiền lương mỗi giờ mười lăm đồng. Cô bạn ở khoa Ngoại ngữ đó cảm thấy thù lao hơi thấp, bèn chuyển nhượng phần việc này trên bảng thông báo của trường, thế là Tô Vận Cẩm bỏ ra chi phí môi giới ba mươi lăm đồng đổi lấy phần việc làm thêm mới này.