“Rốt cuộc con không hài lòng việc gì hả? Giờ chẳng phải đang sống rất sung sướng hay sao, gia đình hạnh phúc, công việc như ý. Con nghĩ đến em gái mình mà xem, mới có tí tuổi đã phải từ giã cõi đời này rồi… Đúng là con thay thế em con. Lòng con oán hận vì điều đó, hận ba mẹ thiên vị… nhưng sao không nghĩ xem ba mẹ làm vậy là vì cái gì?” Bà Dĩnh run lẩy bẩy người, chỉ vào mũi cô nói tiếp: “Dù mẹ có thiên vị em gái con thế nào thì con cũng là do mẹ rứt ruột đẻ ra. Chẳng lẽ nào hổ dữ lại ăn thịt con, mẹ lại đẩy con vào chỗ chết ư? Từ nhỏ tới lớn con có làm được việc gì cho ra hồn đâu. Học hành không tới nơi tới chốn. Cho đi học đàn thì học dăm ba buổi bỏ giữa chừng. Cho đi học vẽ thì nghịch đến độ cô giáo phải khóc. Năm thi đại học nhất quyết không nghe theo lời khuyên của ba mẹ, cứ đòi thi đại học Thể dục thể thao. Tốt nghiệp rồi thì làm được công trạng gì? Cùng lắm là suốt đời làm cô giáo dạy thể dục. Ba mẹ thu xếp thế này cũng chỉ là mong cuộc sống sau này của con thuận lợi hơn. Vậy mà con cứ oán hận ba mẹ đến tận giờ, như là ba mẹ nợ con gì đó. Có phải con phải hủy hoại hết tất cả thì mới thấy sung sướng hay sao hả?”.
Gia Ưu gắng mím chặt môi, mở to mắt nhưng nước mắt cứ tuôn trào.
Những lời lên án của mẹ đã khiến cho cô suy sụp hoàn toàn. Giờ nói cũng chỉ là thừa, mà nói gì cơ chứ? Lẽ nào nói ra những lý tưởng chôn giấu bấy lâu trong lòng. Nói rằng mình cũng có hoài bão, có mơ ước như bao người khác.
Không… không, với mẹ những điều ấy chẳng là gì cả. Cô khổ sở vật vã để rồi mẹ cho rằng nực cười, không đúng thời và không biết gì.
Mãi sau cô mới lên tiếng, giọng nói còn lạnh hơn cả băng giá: “Mẹ là mẹ con, mẹ cho con sự sống này, mẹ có thể quyết định sự sống chết của con. Mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn việc không có con lúc con vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời bằng cách bóp cổ con. Những việc ấy con còn muốn cảm ơn mẹ hơn là so với hiện nay. Mẹ đừng có nói rằng làm như vậy là nghĩ cho con. Mẹ tự ý thay đổi cuộc đời con với cái cớ mỹ miều là tốt cho con, vì con. Thực ra mẹ quá ích kỷ, mẹ không muốn mất Trì Gia Hảo. Nó sống mẹ thấy tự hào, sung sướng, còn con chẳng mang lại cho mẹ bất cứ điều gì. Mẹ hận thần chết sao lại đưa nó đi chứ không phải là con. Mẹ hận con đã gián tiếp lấy đi cơ hội sống của nó. Nếu năm ấy Thiếu Hàng nhảy xuống sông cứu ngay nó thì có lẽ bây giờ người sống là nó chứ không phải là con”.
Những lời nói này đã đánh đúng vào chỗ đau của bà Dĩnh. Mặt bà tái xám: “Con muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mẹ cũng hết cách rồi. Việc đã ra nông nỗi này con cũng không còn đường lui đâu. Con còn nhớ hồi xưa con nhận lời mẹ làm những gì không?”.
“Con không quên”. Trái tim cô nhức nhối chẳng khác gì bị ai đó đâm kim vào. Nhưng cô lấy lại tinh thần rất nhanh, giọng nói đã bình tĩnh lại: “Con biết mẹ đang lo lắng điều gì. Lấy Thiếu Hàng là tâm nguyện cuối cùng của em gái con. Mẹ muốn con thực hiện giúp nó. Hồi ấy con đã nhận lời mẹ. Chỉ cần Thiếu Hàng không biết mọi chuyện, con sẽ không chủ động rời xa anh ấy. Mẹ yên tâm đi, giờ con… vẫn nói câu ấy thôi”.
Bà Dĩnh chăm chú nhìn, lòng nhẹ hẳn khi thấy con gái nói thật.
Cách một bức tường, người đàn ông nắm chặt lấy chùm chìa khóa định mở cửa cho vào trong túi, hít thở thật sâu và quay đầu đi ra xe.
Đêm nay chắc chắn sẽ rất dài.
Quan Thiếu Hàng ngửa đầu dựa vào ghế, trong ánh đèn tranh tối tranh sáng, khuôn mặt anh trông thật phẳng lặng, duy chỉ có đôi mắt là ánh lên cho thấy lòng anh đang dậy sóng.
Điện thoại chỉnh chế độ rung lúc họp buổi chiều, giờ chưa chỉnh lại giờ lại rung bần bật trong túi áo.
Anh lấy điện thoại ra nhìn rồi ấn nút nghe.
Giọng mẹ anh trong điện thoại nghe sắc lạnh: “Con về nhà chưa? Nó nói thế nào hả?”.
Quan Thiếu Hàng thờ ơ đáp: “Không phải như mẹ nghĩ đâu”.
“Tốt nhất là không phải, không thể để ba mẹ mất mặt vì chuyện ấy được!”. Giọng nói đỡ khó chịu hơn: “Mẹ biết nó từ nhỏ mà. Hồi bé nó đã thích con rồi. Mẹ biết hết nên mẹ không tin là nó sẽ làm việc gì sai trái. Nhưng mà lòng người cũng khó lường! Trước đây nó luôn sống chừng mực, sao giờ lại trở nên hồ đồ thế nhỉ? Suốt ngày chạy rông ngoài đường, toàn quen với những kẻ chẳng đâu vào đâu. Chỉ sợ là gần mực thì đen thôi. Con cũng sai, suốt ngày bận rộn, xao nhãng cả chăm sóc vợ. Chỉ có thế nó mới thích chuyển sang làm phóng viên. Giờ thì tốt rồi, cả hai anh chị đều bận rộn, ai chịu nhường ai đây! Hôn nhân, gia đình cũng cần phải có người chăm sóc, con trai ạ”.
Bà Hợp nói một tràng về những gì mình đang canh cánh trong lòng, nhưng lại không nhận được phản ứng như ý. Anh vẫn thờ ơ đáp: “Con biết rồi mà mẹ. Con sẽ nói chuyện với vợ con. Cứ như vậy mẹ nhé. Con mệt rồi”.
“Con đúng là…” Bà Hợp chẳng biết nói gì hơn: “Được rồi… được rồi anh chị cứ suy nghĩ kỹ đi”.