“Con đi hôm mùng một, đi gấp quá, nhưng con nói với chồng con rồi mà...”.
“Đừng có đem chồng ra làm bia đỡ đạn. Giờ có thấy bóng dáng, tăm hơi nó đâu hả?” Mẹ cô bực bội nói.
Cô sững người trong giây lát rồi vội nói: “Mấy hôm nay anh ấy cũng đi công tác ở bên ngoài, nhưng chồng con nói rồi anh ấy sẽ tranh thủ về qua nhà mà”.
Bà Hoàng Tu Dĩnh, mẹ cô, im lặng và rồi thở dài rồi buồn bã nói: “Mẹ biết ngay mà, các con có ai để tâm đến việc tảo mộ đâu!”.
“Mẹ, con...”.
“Thôi khỏi phải khéo chống nữa. Con nghĩ gì ba mẹ đều biết hết”. Bà Dĩnh nói khẽ rất nhạt nhẽo. Bà còn nói: “Con không muốn đi sao không nói thẳng cho ba mẹ biết? Việc gì phải lấy cớ bận công việc này nọ”.
Máu nóng bốc hết lên đầu, cô nói: “Ba mẹ nói đúng đấy, đúng là con không muốn đi, nhưng chồng con đi là được rồi còn gì nữa!”.
“Được... được chứ sao không được. Có giỏi sau này cô đừng về đây nữa!”.
Cộp một cái, mẹ cô gác luôn điện thoại.
Cô bực quá bấm điện thoại luôn cho Thiếu Hàng, ai ngờ anh lại tắt máy, có lẽ là đang ở trên máy bay. Cô không biết phải làm sao, chỉ cầu khấn sao cho chồng mình sớm về, giúp mình mau chóng dập tắt cơn giận của mẹ.
Mỗi lúc thế này, cô cảm thấy trong lòng thật khó chịu mà không nói ra lời. Giống như là một nơi xa xôi đang dụ dỗ cô, chỉ cần tiến thêm chút thôi là quả pháo xịt là cô cũng sẽ nổ tan tành.
Không phải là những lúc ương bướng thì tình cảm và lý trí luôn ở thế đối lập nhau, mà hai thứ này luôn va chạm, kêu gào trong đầu óc cô. Lý trí chiến thắng tình cảm, cô sẽ lùi bước; còn tình cảm chiến thắng lý trí, cô sẽ nhấc chân lên sải bước về phía trước, và trong đầu luôn ẩn hiện một hình bóng thật cao thật dài và một khuôn mặt dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt trên khuôn mặt ấy sáng long lanh và sâu thăm thẳm. Ánh mắt ấy đủ để đầu óc nóng nẩy của cô quay về con số không tròn trĩnh.
Phật giáo có nói đến luật nhân quả, có nhân ắt có quả. Thế sao họ gây ra nhân gì thì tại sao lại phải kéo cô một người ngoài cuộc để gánh cái quả ấy.
Đến giờ cô vẫn chưa thể nào hiểu nổi.
Hôm sau, cô ôm lấy cuốn sách rồi ngồi suốt cả ngày trong phòng hội nghị của Đài truyền hình, ngay cả bữa trưa cũng chẳng buồn nhấc mình ra khỏi ghế xuống dưới tầng ăn trưa. Khoảng thời gian này anh gọi điện thông báo đã về đến nhà, cô còn nghe rõ mẹ mình đang tiếng bấc tiếng chì ở bên cạnh nên chẳng buồn nhiều lời.
Chạng vạng tối, trên đường về khách sạn cô bỗng thấy đầu nặng như chì, chân nhẹ bỗng. Cô đoán chắc là do không khí trong phòng họp không thông thoáng nên não bị thiếu oxy. Cô vội vẫy một chiếc xe bus nhỏ, cũ rích lên ngồi ở gần cửa sổ. Lái xe hỏi đi đâu cô đáp luôn: “Đến bến cuối!”
Chẳng ngờ chiếc xe bus này lại đi đến thị trấn bên cạnh, vừa đi vừa bắt khách ven đường, mãi 8 giờ tối mới đến trạm xe bus ở thị trấn bên cạnh. Gia Hảo xuống xe, cô bị vài người đi đường vội vã va vào mấy lần, khó khăn lắm mới tìm được một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ. Cô v ộ i cầm chai nước suối hỏi tiền để trả, tay thò vào trong túi khoắng một hồi giật mình nhận ra ví và điện thoại đều không cánh mà bay.
Trời ơi, cô đã bị móc túi ở một nơi xa xôi hẻo lánh thế này.
Thiếu Hàng lòng nóng như lửa đốt bước từ trên xe xuống, nhìn thấy ngay cô ngồi ở trong quán ăn nhỏ bé. Người đang ở trên mây giờ đã chạm được đất, anh đi nhanh đến chỗ cô. Thấy trước mắt cô là một bát súp còn nóng hôi hổi. Vì nóng quá nên cô cứ lắc lắc, vừa thổi vừa húp, toát hết cả mồ hôi. Mái tóc dài đen óng ả lúc này càng đen, làm nổi bật làn da trắng bóc hồng hào, mềm mại của cô.
Thiếu Hàng ngẩn ngơ, như trở về mấy năm trước đây. Trên phố C toàn hàng ăn, cô đang ngồi ăn chè xanh ở một cái quán ven đường. Anh thấy trái tim mình run rẩy trước sự vui vẻ, thoả mãn của cô. Năm ấy cô mới mười sáu tuổi.
Năm ấy Thiếu Hàng cũng như bây giờ, đứng xa ngắm cô và rốt cuộc vẫn không dám đến gần.
Cô nhìn quanh quẩn xem chai giấm ở đâu thì chạm phải ánh mắt của Thiếu Hàng. Cô sững người lại, rồi kinh ngạc thốt lên: “Sao anh đến được đây?”.
Quan Thiếu Hàng lấy lại được tâm trạng, đi đến trước mặt cô: “Hai tiếng trước anh đến khách sạn em ở. Đồng nghiệp của em cho anh biết em đang ở đây đấy”.
Gia Hảo hớn hở nhưng vẫn bán tín bán nghi: “May quá anh đến rồi. Em ngại làm phiền đồng nghiệp chạy một chuyến đến đây lắm, nhưng mà sao anh lại đến khách sạn em ở nhỉ?”.
“Hôm nay rảnh nên anh đến thăm em thôi”. Thiếu Hàng cầm chiếc ghế ở bàn bên đặt xuống ngồi, hình như chàng chẳng muốn giải thích thêm về việc này. Anh nhìn chăm chú vào bát của cô: “Vằn thắn à?”.