Mười một giờ hơn, Ngọc Hân vẫn không ngủ được. Có lẽ vì giờ giấc và thời tiết thay đổi. Cô lăn qua lăn lại trên giường mãi, cuối cùng ngồi bật dậy, dò dẫm trong bóng tối tìm đường ra ngoài nhà bếp kiếm chút gì để ăn. Cô không muốn bật đèn vì sợ Cao Nguyên sẽ thức giấc. Cả hai mà gặp nhau sẽ như nước với lửa, sẽ thêm phiền phức thôi.
Ngọc Hân từ nhỏ đã cùng ba mẹ sinh sống ở nước ngoài nên tính cách có phần độc lập và phóng khoáng, lại thêm được chiều chuộng nên cô nàng cũng đỏng đảnh không kém. Khi nghe nói cả nhà sẽ về Việt Nam ở, cô đã phản đối kịch liệt, nghĩ rằng đã ăn học ở một đất nước mà ai cũng mơ ước một lần được bước đến, bỗng dưng lại về đây, chuyện ăn học sẽ thêm khó khăn, lại còn phải sống cùng ông anh cùng mẹ khác cha khó tính kia, giờ thêm một người chị dâu trẻ nữa, cô thật sự không can tâm. Chẳng phải vì đã được mẹ hứa hẹn sẽ cho cô vào công ty tập tành chuyện làm ăn, cô đã nhất quyết ở lại Mỹ.
Trong tủ lạnh chẳng có thứ gì có vẻ ăn được, đa số đều là bia và rượu của Cao Nguyên. Ngọc Hân phải lục lọi mãi mới tìm được một bịch sữa tươi duy nhất nằm một xó trong đống bia chất chồng lên, cô còn cẩn thận xem cả hạn sử dụng. Thở dài một cách chán chường, cô cầm lấy bịch sữa quay trở về phòng. Khi đi ngang qua phòng của Cao Nguyên, cô tình cờ nghe được có tiếng thì thầm nói chuyện. Giọng con gái, lại chỉ đối thoại một mình, cô sực hiểu ra là tiếng của Gia Nhi đang nói điện thoại. Cô vội áp sát tai vào cửa, nghe ngóng vài câu.
“Tiền đã có rồi ạ…cuối tháng sẽ về…bệnh tình của Tuấn…”
“Em đang làm gì ở đây vậy?”
Giọng nói của Cao Nguyên thình lình vang lên phía sau khiến Ngọc Hân giật thót, hoảng hốt đánh rơi cả bịnh sữa.
“Anh có biết là anh có thể hù chết em không?” Cô đưa tay vuốt ngực lấy lại bình tĩnh.
“Anh hỏi em đang làm gì ở đây? Giờ này tại sao không đi ngủ?”
“Em ngủ không được, lấy sữa vào phòng uống.”
“Vậy sao không vào phòng mà đứng thập thò trước cửa phòng anh?”
Ngọc Hân chợt nhớ ra, đưa tay suỵt một cái ra hiệu cho Cao Nguyên nhỏ tiếng lại, tai lại áp vào cửa nhưng không còn nghe thấy gì. Có lẽ Gia Nhi biết có người ở ngoài phòng nên đã ngưng cuộc trò chuyện. Ngọc Hân nắm tay Cao Nguyên kéo anh ra ngoài ban công.
“Vợ của anh đang nói chuyện điện thoại với ai trong phòng kìa.”
“Nói chuyện điện thoại thì có vần đề gì à?”
“Nói chuyện điện thoại bình thường thì không có vấn đề. Nhưng em nghe giọng của cô ta có vẻ mờ ám lắm. Tiếc là em chỉ nghe loáng thoáng được vài câu, nào là “đã có tiền rồi, cuối tháng sẽ đi đâu đó”. À, em còn nghe được cô ta nhắc tới bệnh tình gì gì của ai đó nữa.”
Cao Nguyên nghe Ngọc Hân nói phút chốc cũng có phần tò mò. Từ ngày về đây, anh chưa từng nghe Gia Nhi nhắc đến người nhà, anh hỏi cũng lảnh tránh sang việc khác. Anh nhíu mày suy nghĩ.
“Anh cũng thắc mắc như em phải không? Tốt nhất là anh không nên tin tưởng quá nhiều vào cô ta.” Ngọc Hân tỏ vẻ hiểu rõ sự đời.
“Thế thì anh phải tin tưởng em à? Em có biết những người quá tò mò rất dễ gặp tai họa không? Chuyện của Gia Nhi em không có quyền xen vào, về phòng ngủ đi.” Anh hậm hực nhắc nhở.
“Hứ! Em chỉ muốn tốt cho anh thôi!” Ngọc Hân cáu gắt nhìn anh rồi quay lưng bỏ đi, chợt nghĩ ra thêm chuyện gì, quay lại tra hỏi Cao Nguyên. “Mà tại sao anh không ở trong phòng với cô ta mà lại đứng sau lưng canh chừng em vậy? Hay là hai người cãi nhau đến mức anh phải dọn ra phòng khác ngủ?”
Cao Nguyên đã sắp không kiềm chế được nữa. “Phan Ngọc Hân! Em không những tò mò mà còn lắm chuyện, lại suy nghĩ lung tung. Anh không nói nữa, đi ngủ đây! Em thích thì cứ đứng đây mà tưởng tượng!”
CHƯƠNG 8: NHẬT KÍ
Huy sốt ruột nhìn ra ô cửa kính chiếc xe buýt đang chạy bon bon trên đường. Hai tay anh đan chặt vào nhau. Dạo gần đây vì chuyện của Gia Nhi nên tâm trạng Huy không được tốt, thế là ba người bạn thân cùng phòng ra sức lôi kéo Huy tham gia vào câu lạc bộ thể thao của trường, chủ nhật mỗi tuần sẽ tập trung ở sân trường luyện tập.
Sáng nay, vẫn như thường lệ, cả bốn người lại cùng vào trường. Khi huấn luận viên vừa có mặt ở sân thì Huy nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp của bệnh viện tỉnh. Bác sĩ báo tin ba Huy đang trong tình trạng nguy kịch, cậu phải nhanh chóng về quê ngay.
Hành lang của bệnh viện tỉnh đã chật hẹp, nay lại thêm người nhà bệnh nhân ngồi trải dài dọc theo các phòng khiến nơi đây trở nên thật ngột ngạt. Người thì ngồi đờ đẫn chờ người thân trước phòng cấp cứu, nước mắt lưng tròng, chốc chốc trông thấy có bác sĩ nào đó đi ra liền chạy đến hỏi han tình hình; người thì sắc mặt tái xanh cầm hồ sơ bệnh án trên tay; có người thì ánh mắt lộ rõ vẻ lo sợ nhìn vào phòng khi y tá tiêm từng mũi thuốc vào cơ thể người bệnh. Có lẽ đã đi đi lại lại nơi đây nhiều năm, Huy đã quen dần với những hình ảnh này. Nơi đây như một thế giới hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, đa phần mỗi người vào đây đều gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu bất hạnh nên không gian đầy vẻ ảm đạm. Huy nhớ đến lời nói của một bác sĩ thực tập mà cậu đã gặp hai năm trước đây: “Làm nghề như chúng tôi cũng khổ sở lắm, nếu như mọi người đều bình an thì có nghĩa là chúng tôi không có việc để làm, nhưng nếu có quá nhiều việc phải làm suốt ngày thì lại đồng nghĩa với việc có nhiều người xảy ra tai nạn hay bệnh tật. Ngày ngày đối diện với những người khác nhau, những căn bệnh khác nhau, lại phải là người đầu tiên đối diện với người thân của họ tuyên bố rằng họ sẽ sống hay chết, không thể dùng lời nào để diễn tả được cảm xúc.”