Cuối cùng thì đêm hôm đó tôi cũng chợp mắt được một chút, lúc gió bắt đầu kêu u u trên mái lá như giục mùa chong chóng sớm về mặc dù bọn trẻ làng tôi thường chơi trò này vào độ cuối năm. Trước khi chìm vào giấc ngủ tôi còn bắt gặp tôi lẩm bẩm với chính mính: “Ba tháng nữa. Ba tháng nữa thôi”.
Tất nhiên tôi đã không nói với con Rùa bao giờ tôi sẽ về, vì lúc ngồi với nó dưới bóng cây bướm bạc, tôi chưa trò chuyện với thím Lê về những ngày giỗ kỵ. Tôi nghĩ không cho nó biết trước có khi lại hay. Hẳn nó sẽ rất đỗi vui mừng khi thấy tôi bất ngờ xuất hiện vào lúc bọn trẻ làng đang say mê với trò dùng cọng dừa tết thành hình cào cào, châu chấu…
Khuya hôm đó, khi thiếp đi với những từ “ba tháng” lăn tăn trong đầu, cả khi thức dậy lúc trời còn mù sương vào sáng hôm sau để chở thằng Thục xuống đường quốc lộ đón chuyến xe sớm từ Đà Nẵng vào, tôi không thể nào tưởng tượng được là phải đến ba năm sau tôi mới có dịp trở lại làng Đo Đo.
30
Ba tháng so với ba năm giống như thằn lằn so với khủng long - một khác biệt rất lớn. Với những gì đã xảy ra giữa tôi và con Rùa, thật không có gì khủng khiếp hơn một ngàn ngày bặt tin nhau. Thế mà kể từ lần đó, tôi đã đi khỏi làng một mạch suốt ba năm trời.
Thực ra chẳng ai cản trở tôi về làng. Tôi cũng không bận bịu đến mức không thể thực hiện được lời hứa với con Rùa, với thím Lê và thằng Thục.
Chỉ là do tôi quyết định không về.
Quyết định đau đớn đó bắt đầu vào buổi sáng tôi và thằng Thục đứng ven đường quốc lộ chờ chuyến xe sớm. Hôm trước, tôi trằn trọc gần như suốt đêm nên sáng hôm sau chuông đồng hồ reo inh ỏi tôi vẫn chẳng nghe thấy. Thục phải lay tôi dậy, hai anh em ăn vội chén cơm chiên thím Lê để sẵn dưới lồng bàn rồi chạy xe ra khỏi nhà.
Lúc đi tới đoạn đường sắt cắt ngang con đường đất đầy ổ gà, thằng Thục cào tay lên lưng tôi “Ngừng lại chờ tàu không anh?”, tôi lắc đầu “Ở đây chờ coi tàu, lỡ xe đò đó mày”.
Hôm đó tôi và thằng Thục đứng bên vệ đường đến ba mươi phút mới đón được xe. Tôi không ngờ nửa tiếng đồng hồ đó đã làm thay đổi cả con người tôi.
Trong câu chuyện giữa hai anh em lúc chờ xe, có một câu nói khiến tôi như bị ai đánh mạnh vào đầu:
- Anh biết không, tối hôm qua lúc anh ở chơi bên nhà con Rùa, cô Út Huệ nói với em một bí mật động trời. Ba con Rùa là con ông nội mình.
- Là sao? - Tôi ngơ ngác hỏi lại, nửa hiểu nửa không, mặc dù tôi nghĩ là tôi nghe rất rõ câu nói của Thục.
- Ông Hương là chú mình. Anh, em và con Rùa là anh em chú bác.
Thằng Thục vừa nói vừa nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, thậm chí nó khẽ chạm tay vào lưng tôi như sẵn sàng đỡ lấy nếu tôi bất thần ngã lăn ra.
- Tầm bậy! - Tôi hất tay thằng Thục ra, gần như quát lên - Ông Hương sao là chú của tao và mày được! Ông Hương là con thầy Điền kia mà!
Vẻ mặt của tôi lúc đó chắc rất giống vẻ mặt của kẻ sắp sửa giết người. Tôi thấy Thục thụt lui một bước, nó nuốt nước bọt và cố giải thích bằng giọng nơm nớp:
- Cô Út Huệ bảo có một năm thầy Điền vô Sài Gòn chữa bệnh, ở nhà vợ thầy Điền và ông nội mình có quan hệ tình cảm với nhau và đẻ ra ông Hương.
Tôi lại định hét lên “Nói láo!” nhưng cuối cùng tôi kềm lại khi sực nhớ người tiết lộ điều đó là cô Út Huệ chứ không phải thằng Thục đang đứng trước mặt tôi.
Đang bán tín bán nghi, tôi bỗng nghe một luồng điện chạy dọc sống lưng khi sực nhớ tới thái độ của thầy Điền lúc tôi xưng là cháu ông Chín Ngạc.
Năm tám tuổi, tôi từng học thầy Điền khi vô lớp ba. Đó cũng là năm cuối cùng tôi ở làng. Nhưng hồi đó, tôi chẳng nhận thấy điều gì khác lạ trong cách thầy đối xử với tôi. Có thể lúc đó thầy Điền chưa biết tôi là cháu ông Chín Ngạc, cũng có thể tôi còn quá bé để cảm nhận được những biểu hiện phức tạp của thế giới người lớn.
Nhưng cách đây mấy ngày, lúc con Rùa dẫn tôi vô nhà chào thấy, vừa nghe tới tên ông nội tôi rõ ràng đáy mắt thầy lóe lên một thứ ánh sáng rất kỳ lạ. Đó không phải là sự mừng rỡ của người thầy giáo già khi gặp lại đứa học trò cũ, vì hôm đó thầy chẳng buồn hỏi han tôi lấy một câu, cũng chẳng tỏ ra cho tôi biết là thầy đã nhận ra tôi. Tia chớp bắn ra từ mắt thầy dù chỉ lóe lên trong tích tắc đủ khiến tôi nghĩ ngợi vẩn vơ một lúc lâu, và nếu tôi không nghĩ về điều này lâu hơn chỉ vì những ngày sau đó do mải chơi với con Rùa tôi quên bẵng đi mất.
Bây giờ, câu chuyện của cô Út Huệ gợi lại trong tâm trí tôi thái độ khó hiểu của thầy Điền và tôi ngờ rằng hôm đó thầy chẳng nhớ ra tôi là ai dù tôi có xưng tên. Cái ánh chớp mà tôi nhìn thấy trong mắt thầy có lẽ là phản ứng của thầy đối với tên của ông nội tôi.
Như để củng cố thêm phỏng đoán trong đầu tôi, thằng Thục rụt rè nói thêm:
- Mẹ em cũng biết chuyện này. Tối hôm qua, trước khi đi ngủ em hỏi mẹ, mẹ dặn em đừng bép xép với ai.