Nỗi đau âm ỉ như than vùi trong bếp, không bao giờ thực sự tắt đi, vì một lẽ nữa là con Rùa luôn được bảo vệ để không biết được thân phận thật sự của mình. Và hiển nhiên hậu quả là nó không bao giờ biết được tại sao tôi - một người nó yêu thương và yêu thương nó đến thế - lại bỏ đi biền biệt khi vừa hứa hẹn sẽ quay về làng trong thời gian sớm nhất.
Cô Út Huệ, thím Lê và thằng Thục chắc là không trách tôi - tôi tin cả ba đều đoán được tại sao tôi không về dự đám giỗ ông tôi, cũng như bặt tăm suốt những năm sau đó.
Chỉ có con Rùa là không biết gì. Một đứa con gái cô độc, ba chết, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, lại bị chứng bệnh hiểm nghèo kéo dài suốt bốn năm (có lẽ do bị sốc trước cảnh gia đình ly tán), trước nay chỉ đánh bạn với thiên nhiên, loài vật, gần đây mới có được một người bạn thực sự hiểu nó và yêu quý nó là tôi, thế mà chỗ dựa tình cảm duy nhất đó cuối cùng cũng phản bội lại nó. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh con Rùa một mình lủi thủi trong rừng, một mình ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc hướng mắt về phương Nam chờ tin tôi, nhớ đến lời thủ thỉ của nó “Anh nhớ về sớm nhé. Không có anh, em chẳng biết chơi với ai”, lòng tôi lại đau như dao cứa.
Bây giờ, đã biết tôi và con Rùa là anh em chú bác, thế nhưng mỗi lần nhớ đến nó lòng tôi không hiểu sao vẫn tràn ngập yêu thương. Đã nhiều lần, nhớ nó cồn cào, nỗi thương cảm dâng ngập mi mắt, tôi muốn quay ngay về làng chạy lên xóm trên gặp nó, ôm nó vào lòng, tắm nước mắt trên mặt nó và nói với nó là tôi nhớ nó nhiều lắm.
Tất nhiên là cuối cùng tôi đã không bị những thôi thúc mộng mị đó cuốn đi. Và sau những lần nhớ thương quay quắt như vậy, tôi càng quyết tâm không về làng. Tôi là đứa con trai đa sầu đa cảm, nếu đứng trước mặt con Rùa ngay lúc này tôi biết tôi không thể kiểm soát được tình cảm của mình.
Thực sự thì tôi chẳng thấy nhú lên trong lòng chút tình cảm anh em nào với con Rùa. Tôi không cảm nhận được sợi dây thiêng liêng vô hình ràng buộc những người cùng máu mủ ruột rà. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới con Rùa trong bóng dáng một đứa em họ. Nghĩ đến nó, lần nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai lời nhắn gửi đầy tin cậy “Bây giờ em còn nhỏ, anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Những lúc đó, lòng tôi lại nghẹn thắt, trái tim tôi lại hóa thành cụm lục bình trôi lênh đênh trong dòng sông cảm xúc đầy ắp nỗi buồn.
32
Có lúc, tôi nhận ra tôi đang giận ông tôi cho dù lúc ông còn sống, tôi là đứa cháu mà ông thương nhất.
Tôi giận thói trăng hoa của ông. Với cốt nhục ông để lại bên nhà thầy Điền, ông đã vô tình làm khổ đứa cháu yêu của ông.
Nhưng tôi chỉ giận ông thoáng qua. Khi bình tĩnh lại tôi buộc phải chấp nhận một sự thật là trong cuộc sống, đôi khi đời sau không thể tránh được việc phải dọn dẹp những ngổn ngang đời trước đã bày ra, phải oằn lưng trả những món nợ đời trước đã trót vay một cách vô tội vạ, và cuộc sống tồn tại bằng cách vượt qua những thách thức đó để tiến về phía trước. Oan trái có vẻ như là trạm dừng mà lịch sử thỉnh thoảng vẫn thích ghé qua trước khi tiếp tục lăn bánh. Điều làm tôi nhói đau là đôi vai gầy guộc tuổi mười bốn của con Rùa còn quá nhỏ để gánh một nỗi trớ trêu như thế.
Mẹ tôi không hiểu được nỗi buồn của tôi trong những ngày này. Lúc mới về nhà, tôi đã định hỏi bà về những chuyện tình cảm của ông tôi, nhưng rốt cuộc tôi đã từ bỏ ý định đó. Tôi đoán những gì cô Út Huệ và thím Lê biết thì chắc bà cũng biết. Lời xác nhận của mẹ tôi trong lúc này sẽ không có giá trị gì nhiều về mặt thông tin, nó chỉ giống một nhát dao khoét sâu thêm vào vết thương trong lòng tôi.
Chính vì tôi không hỏi nên mẹ tôi không chắp nổi được vẻ buồn bã của tôi với cô cháu gái của thầy Điền. Bà hướng suy nghĩ vào Bích Lan, cho rằng tâm trạng thất thường của tôi nảy sinh từ những giận hờn ấm ớ vẫn xảy ra như cơm bữa trong những cuộc tình mới lớn.
Bích Lan dạo này không đòi hôn tôi nữa mặc dù hiện nay mẹ con tôi đang ở tạm nhà nó sau khi rời khỏi chỗ ở cũ.
Mẹ Bích Lan rủ mẹ con tôi về ở chung, vì tình thân giữa bà và mẹ tôi, cả vì bà nhắm tôi cho vai con rể tương lại trong nhà. Tôi là một sinh viên hiền, ngoan, học khá chăm và dù khá chăm không đồng nghĩa với khá giỏi nhưng chỉ vậy cũng đủ để bà có thể an tâm giao con gái bà cho tôi. Hơn nữa, có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất: Bích Lan rất thích tôi và luôn miệng công khai tình cảm đó ở bất cứ đâu và trước bất cứ ai, đến mức tôi có cảm tưởng nó nói về tôi như nói về một món ăn khoái khẩu.
Hôm đầu tiên tôi dọn tới nhà nó, việc đầu tiên nó làm là xộc thẳng vào phòng học của tôi. Như thường lệ, Bích Lan kéo ghế ngồi sát rạt bên tôi và nhoẻn miệng cười, duyên dáng một cách cố ý. Sự điệu đà thái quá của nó khiến tôi có cảm giác no đang khoe một món đồ kẹp tóc chứ không phải đang khoe một nụ cười.