- Cậu nhìn xem, ngoài giá vẽ và hai bàn tay ra thì tớ có gì để Uyên tin tưởng rằng tớ có thể đem lại cho cậu ấy một tương lai tốt đẹp hơn anh chàng kia, một người chỉn chu từ bề ngoài tới phong thái? – Anh chàng tỏ ra đắn đo.
- Cái mã ngoài thì quyết định được gì? – Phụng Anh bĩu môi.
- Được rất nhiều. Nếu đặt tớ, một thằng nhà quê hai bàn tay trắng, chưa có nổi tấm bằng đại học, ngày ngày lê la vẽ thuê kiếm từng đồng tiền lẻ, so với một gã công chức văn phòng ngồi máy lạnh, mặc vest, đi giày da, ít nhất cũng không đi xe đạp như tớ, thì các cô gái sẽ đi tới cái đích nào? Hay cậu thử đặt mình vào vị trí ấy đi, đi chơi với một người phải vét từng đồng tiền lẻ nhàu nhĩ trong túi hay đi với một người ít ra là không cần phải đắn đo gì nếu chỉ đưa cậu tới ăn ở cái quán ăn vặt Slow Life mà cậu hay tới ấy?
Phụng Anh im lặng, khi cô còn chưa trả lời thì Mạnh đã lại tiếp, dường như anh cũng chẳng mong đợi một câu trả lời thật lòng từ cô bạn mình.
- Uyên là cô gái có cuộc sống đủ đầy hơn chúng ta rất nhiều. Ít ra, cậu ấy không giống tớ hay cậu, phải chắt chiu và tiết kiệm từng đồng một.
- Cậu nói rất có lý. Chỉ là tớ còn nghe được một câu thế này: “nếu có cái gì đó vượt qua ngoài cái chết, thì đó chính là tình yêu”. Đại ý là tình yêu có thể biến mọi điều vô lý nhất thành có lý cả. Nếu cậu đủ chân thành, làm sao cậu dám khẳng định Uyên sẽ không cảm động vì tình cảm của cậu? – Phụng Anh thở dài.
- Tớ…
- Được rồi. Tớ sẽ giúp cậu một lần. Nếu không thành thì cũng như thôi đi, cậu cũng chẳng cần phải ôm cái mối tình đơn phương đầy u ám và không hy vọng này thêm làm gì.
- Cậu giúp tớ làm gì? – Mạnh ngây ngô hỏi.
- Giúp cậu có cơ hội tỏ tình với cậu ấy chứ sao?
- Thôi, cậu đừng hại tớ. – Anh chàng lập tức rên lên.
- Đồ nhát chết. Cứ để tớ lo. Yên tâm đi. Cũng không phải ngay bây giờ đâu. – Phụng Anh cười an ủi cậu bạn.
Cứ thế nói qua nói lại, mỗi người một câu, chẳng mấy chốc Huân đã chở cô về tới đầu ngõ. Ngõ nhỏ nên Phụng Anh bảo Mạnh cho mình xuống, cô sẽ tự cầm ô đi bộ vào trong. Mạnh cũng đã quen với việc thả cô bạn mình ở đầu ngõ rồi nên cũng không lăn tăn gì nhiều, anh lập tức lên xe và gò lưng đạp xe, đi về nhà trọ của mình.
Chương 11: Người tình cũ
Ngõ nhỏ hun hút tối, chỉ có vài ánh đèn leo lét hắt ra từ những căn nhà đã đóng cửa hai bên đường. Các cửa hàng cũng đã đóng cửa vì trời cũng đã khuya, cùng với cơn mưa bất chợt khiến trời càng trở nên lạnh lẽo hơn, nhà nào cũng chỉ muốn khép cửa lại, chuẩn bị tìm tới chiếc giường ấm áp và êm ái của mình.
Nhà trọ của Phụng Anh nằm trong ngách đầu tiên của ngõ, một căn phòng nhỏ và cũ kỹ nằm trong dãy nhà cấp bốn chỉ có bốn phòng, một cái sân hẹp, một bể nước, một nhà vệ sinh kiêm nhà tắm chung nằm ở cuối sân. Phòng rộng không đầy mười sáu mét vuông, chỉ đủ để kê một chiếc giường, một cái tủ quần áo và một bàn học. Phụng Anh không nấu ăn nên cô không mất thêm không gian cho bếp và chạn bát như những nhà khác. Khu trọ có bốn phòng, phòng của cô nằm ở cuối cùng, hai trong ba phòng trọ còn lại cũng đều là sinh viên, có điều họ không ở một mình như cô, hình như đều là sinh viên của một trường kinh tế nào đó. Vì không gặp gỡ nói chuyện nhiều nên Phụng Anh cũng không biết rõ thông tin lắm. Mỗi phòng đều có hai người ở, toàn là nữ, kém tuổi cô, cũng thường xuyên đi học vào ban ngày và tối tối đều để đèn học rất khuya. Phòng kế ngay bên phòng cô là của một đôi sống thử, cô biết họ không phải là vợ chồng vì thỉnh thoảng khi bố mẹ cô gái kia lên thăm, anh chàng kia lại ôm hết quần áo của mình chạy sang nhà bạn bè ở tạm. Có hôm, anh chàng kia vẫn còn mặc quần đùi áo ba lỗ tất tả ôm theo một đống đồ đạc sang ngồi nhờ ở phòng Phụng Anh vì bố mẹ người yêu lên bất thình lình không báo trước làm hai người trở tay không kịp. Cô gái nghe nói đã tốt nghiệp cao đẳng và đi làm, cung phụng cho anh người yêu đang học tới năm thứ sáu, lay lắt mãi chưa ra trường nổi. Phụng Anh cũng sẽ chẳng để ý đến họ nếu không có mấy tình huống dở khóc dở cười như trên, và thêm việc những tiếng động họ gây ra mỗi đêm cũng khiến cô liên tục phải nghe nhạc khi đi ngủ để át đi những tiếng rên rỉ tiêu hồn của đôi tình nhân thiếu tế nhị đó. Tệ nhất là việc sáng ra, vừa bước chân ra khỏi cửa, mắt mũi không để ý là có thể dẫm ngay vào một cái vỏ bao cao su còn nguyên một đống thổ tả ở bên trong, nằm chình ình ở ngoài sân, chắc mới được vứt ra sau khi xong chuyện. Những lúc như thế, Phụng Anh thầm nghĩ, may mà mình không có thùng rác để ở ngoài, chứ nếu không người ta vất vào thùng rác nhà mình, nếu để bạn bè hay người quen tới chơi trông thấy thì thật nhảy xuống sông Tô Lịch cũng không hết oan uổng được.