Ngày ấy, mỗi lúc bên nhau, anh và cô đã nói rất nhiều về tương lai, về cuộc sống gia đình, và về cả những đứa trẻ. Đến tên của những đứa bé cũng đã được chuẩn bị sẵn. Hai người đã nghĩ về chuyện tương lai ngọt ngào bao nhiêu thì giờ nhớ lại Hoàng Anh càng thấy cay đắng bấy nhiêu. Tính trước bước không qua, mãi bây giờ Hoàng Anh mới tin vào câu nói cửa miệng đó của Linh Trang.
Người bán than vẫn nhọc nhằn đẩy xe than trong cơn mưa đêm lạnh tê tái. Chiếc xe cũ kỹ tới mức Hoàng Anh không dám suy đoán về số tuổi đời của nó, ngay cả ở quê anh - một vùng thuần nông, cũng không thể tìm thấy một chiếc xe tồi tàn tới mức ấy từ cách đây năm năm rồi. Hoàng Anh cũng rất thắc mắc, không biết một ngày người đàn ông này bán được bao nhiêu than, và với số tiền (anh đoán là không nhiều) đó, làm sao ông ta có thể tồn tại ở cái thành phố đắt đỏ, chỉ bước chân ra khỏi nhà là đã mất tiền này? Tự đặt câu hỏi như thế, nhưng ngay sau đó anh lại cười mình dở hơi, tự nhiên lại đi quan tâm những chuyện này. Nếu không có những người bán than này, thì dân ở cái thành phố này lấy đâu ra than mà dùng? Thế mới nói, cuộc sống luôn luôn cân bằng, niềm vui của người này sẽ là nỗi buồn của người khác, hạnh phúc của người này được xây dựng trên đau khổ của người kia, như một cán cân chưa bao giờ lệch, như trái đất, nửa này sáng thì nửa còn lại sẽ chìm trong bóng tối.
Hoàng Anh vẫn khâm phục nhất là Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, bởi dường như những gì nhà tự nhiên học danh tiếng này đề cập đến không chỉ là khoa học hữu hình mà còn đúng với mọi quy luật vô hình khác của cuộc sống. Tự nhiên luôn cân bằng, một khi sự cân bằng ấy mất đi, hoặc sinh vật sẽ tự tiến hóa, thay đổi để phù hợp với môi trường, hoặc chết đi nếu không chịu thay đổi. Cuộc sống cũng thế, hạnh phúc và bất hạnh cũng luôn cân bằng nhau, nếu những người quá hạnh phúc hoặc quá bất hạnh không biết tự điều chỉnh cuộc sống của mình, thì họ sẽ sớm bị xã hội bỏ lại sau lưng, sớm bị đào thải khỏi cuộc đời.
Đi được thêm một quãng, người đàn ông bán than dừng lại ở trước một hàng ngô nướng. Chị hàng ngô đã ngồi bán loại quà vặt này ở đây mấy năm rồi, từ bao giờ Hoàng Anh cũng không biết, chỉ nhớ từ khi anh bắt đầu biết ngồi lê la hàng quán vỉa hè với Linh Trang thì chị này đã ngồi bán ở đây, thế nên chị có cả đống khách quen, trong đó một thời cũng có anh và Trang. Hàng ngô của chị cũng đơn giản lắm, một cái ô cao che sương và mưa, một cái chậu kim loại trong chứa đầy tro và than củi cháy hồng, bên trên đặt một cái vỉ bày đầy ngô và khoai nướng thơm lừng. Mấy cái ghế nhựa con con đặt quây quanh bếp than là dành cho khách muốn ngồi ăn ngay tại đây và sưởi ấm. Trời mưa này nên ai cũng ngại ngồi lại, chỉ dừng mua dăm ba cái bắp hoặc mấy củ khoai mật là lại đi ngay. Trước đây, thỉnh thoảng Hoàng Anh cũng dừng lại mua cho Linh Trang ngô hoặc khoai để mang về ăn đêm hoặc sáng hôm sau cô có thể dùng lò vi sóng nướng lại rồi mang đi làm. Nhưng từ sau khi chia tay, Hoàng Anh chưa một lần dừng lại chỗ này nữa, kể cả có đi bộ ngang qua anh cũng muốn sải bước thật nhanh. Món quà vặt này chỉ có con gái thành thị như Linh Trang thèm ăn, chứ tuổi thơ của anh đã quá thân thuộc những thứ này rồi. Ngày trước nhà anh cũng nghèo, cũng làm nông, đi bẻ ngô, dỡ khoai là chuyện bình thường. Người thành phố coi nó là quà vặt, chứ người ở quê thì chỉ nhớ chúng đã gắn liền với những ngày đói khổ. Nhà anh cũng đã trải qua những bữa cơm độn ngô, độn khoai, ăn nhiều và ngán tới có lúc anh đã nghĩ, sau này nếu bước ra được khỏi lũy tre làng, anh thề sẽ không bao giờ ăn lại những món này nữa. Ấy rồi không ngờ sau đó anh lại yêu đúng một cô nàng mê mẩn lang thang hàng quán, có thể ăn ngô, khoai, sắn thay cơm mà không biết chán. Nhưng cũng chính vì những nét chân quê đó của Linh Trang mà anh mới yêu cô nhiều như thế, mới đau vì cô nhiều như thế.
- Cô bọc mấy cái bắp ngô này vào tờ báo giúp tôi nhé, bọc mấy lớp ấy cho nó nóng. Nhà tôi ở xa, sợ về đến nhà nó nguội mất. - Người đàn ông đưa tay vuốt nước mưa trên mặt làm một vệt than đen theo nước mưa dính lại trên gò má rám nắng. Ông cười một cách nhọc nhằn làm cho những nếp nhăn hai bên khóe mắt cũng hằn lên một cách rõ nét.
Khóe miệng Hoàng Anh giật giật, không hiểu sao lúc này anh lại nghĩ tới bố mình. Ngày trước, khi nhà anh còn khó khăn, bố cũng thường xuyên phải đội nắng đội mưa, đội cả bão bùng đi chở lúa, chở đất thuê cho người ta để nuôi ba chị em anh ăn học. Bây giờ cuộc sống khấm khá hơn, nhất là khi Hoàng Anh có thể đỡ đần được bố mẹ, tự lo cho mình, thậm chí tự bỏ tiền ra lo cho em gái học đại học, những tưởng bố mẹ sẽ được thảnh thơi thì bố anh lại phải đối mặt với tuổi già, với căn bệnh tim quái ác. Đã có lúc gia đình động viên ông đi phẫu thuật, nhưng ông sợ, ông không dám liều với mạng sống của mình ở cái tuổi này, ông càng không cam tâm khi chưa thấy tất cả con cái yên bề gia thất. Có lúc mẹ gọi điện cho anh và khóc, nói rằng nhà chỉ có một mụn con trai, anh nên lập gia đình để lỡ như bố có mệnh hệ nào thì ông cũng an lòng ra đi. Mỗi lần như thế, Hoàng Anh càng cảm thấy giận Trang. Nếu cô không làm anh yêu cô nhiều như thế, lại không làm anh đau nhiều như thế, có lẽ anh đã có thể quên cô từ lâu, hoặc giả không thể quên nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để tìm một người con dâu khác cho bố mẹ. Anh có thể không yêu vợ mình bằng trái tim, nhưng anh vẫn còn lý trí, đằng này, Linh Trang không chỉ chiếm cứ trái tim anh mà còn ở lì trong mọi ngóc ngách tâm trí anh. Anh ăn, anh ngủ, anh làm việc, cô chiếm cứ hoàn toàn mọi thời gian trong ngày của anh.