"Con còn quá nhỏ, chưa hiểu yêu đương là gì đâu. Hơn nữa nhà họ Nhiếp khác với chúng ta, người có tiền như họ quá phức tạp."
Đàm Tĩnh không buồn vì chuyện này quá lâu, mẹ không cho qua lại với Nhiếp Vũ Thịnh thì cô lén viết thư, gọi điện là được. Trong suy nghĩ đơn giản của cô, mẹ chỉ hơi lo lắng thái quá mà thôi. Có điều quả thực cô và Nhiếp Vũ Thịnh còn quá trẻ, vậy thì đợi, đợi đến khi tốt nghiệp chắc cũng đủ tuổi để người lớn công nhận tình yêu của họ.
Ông Nhiếp Đông Viễn quá bận rộn, căn bản không biết con trai đang yêu. Một lần ông ra nước ngoài, Nhiếp Vũ Thịnh nhân cơ hội đó liền bảo Đàm Tĩnh đến nhà chơi nhưng cô không chịu.
"Tại sao lại không đến?" Trong điện thoại Nhiếp Vũ Thịnh rất không hài lòng, khi yêu người ta chỉ mong lúc nào cũng được nhìn thấy người mình yêu.
"Mẹ em sẽ không vui."
"Không phải mẹ em rất thích anh sao?"
"Mẹ thích dạy đàn cho anh vì mẹ thấy anh học giỏi... Chứ mẹ không thích chúng ta yêu nhau." Đàm Tĩnh nói nhỏ, "Nói gì thì nói, em đến nhà anh cũng không hay cho lắm."
Nhiếp Vũ Thịnh không giận, dù sao thì cũng có nhiều nơi hai người có thể đến. Đi dạo bên bờ sông, thả diều, nhìn người ta chèo thuyền ra giữa sông dùng lưới điện đánh trộm cá. Gặp gánh hàng rong bán gương sen, Nhiếp Vũ Thịnh liền mua cho Đàm Tĩnh ăn. Thường thường, người ta sẽ tặng thêm một chiếc lá sen, họ ngồi dưới bóng cây đa, nhìn đàn cò trắng lò dò dưới sông bắt cá, vừa bóc hạt sen ăn vừa trò chuyện. Đàm Tĩnh sẽ bóc vỏ sen để vào cái lá, Nhiếp Vũ Thịnh thỉnh thoảng lại đút ngón tay vào vỏ sen rồi lấy bút vẽ một cặp mắt cong cong cùng cái miệng cười cười lên đó, làm thành con rối, chỉ có mấy ngón tay mà diễn rất nhiều vai, chọc cho cô vui. Ráng chiều xuyên qua tàng cây, những cánh chuồn chuồn bay lượn trong làn gió muộn, thời gian trôi qua thật yên bình.
Sau đó thì sao? Sau đó?
Đàm Tĩnh mơ hồ nghĩ, sau đó có lẽ là không lâu sau, lúc ấy hai người đều không ngờ bóng đen số phận đã lặng lẽ đến gần từ lâu.
Mãi đến khi mẹ qua đời, Đàm Tĩnh cũng không nghĩ sự việc sẽ có gì thay đổi. Đối với chứng suy tim của bà Tạ Tri Vân, mọi phương pháp trị liệu có thể trì hoãn, kéo dài thời gian chứ chẳng thể chữa khỏi, ra ra vào vào bệnh viện mấy lần, lần cuối cùng bà phát bệnh là trên lớp học. Đang đứng lớp, bà bỗng nhiên ngất xỉu, đám học sinh hốt hoảng tìm chủ nhiệm đưa bà vào bệnh viện, nhưng bà không bao giờ tỉnh lại nữa.
Khi ấy Đàm Tĩnh đang học đại học ở nơi khác. Nhận được điện thoại, cô đi suốt đêm về, quên cả khóc, chỉ cuống cuồng chạy vạy lo viện phí. Hồi đó trường học chưa thay đổi chế độ, thời điểm mà kinh phí giáo dục khó khăn nhất, thầy cô giáo còn không được nhận lương đúng hạn, huống hồ mẹ cô không phải giáo viên dạy chính thì càng không được coi trọng. Đàm Tĩnh vay hết tất cả mọi người mới nộp được khoản đặt cọc đầu tiên. Sau đó Nhiếp Vũ Thịnh biết tin, lập tức chuyển cho cô hai vạn tệ, nhưng vẫn không thể cứu được mẹ cô. Cầm cự hơn mười ngày ở bệnh viện, cuối cùng bà vẫn ra đi. Nhà trường cử hai giáo viên đến giúp Đàm Tĩnh lo hậu sự, vì bà Tạ Tri Vân phát bệnh khi đang lên lớp nên được coi là chết trong khi làm việc, sở Giáo dục lại bày ra vô số thủ tục phức tạp, khó khăn lắm mới bồi thường được một món tiền đủ để Đàm Tĩnh trả nợ. Mất đi người thân duy nhất là một đòn quá lớn đối với Đàm Tĩnh, khiến khả năng miễn dịch của cô suy giảm, bị giời leo kèm sốt cao không dứt, đau không chịu nổi, Nhiếp Vũ Thịnh phải trốn học về đưa cô vào viện. Sau khi xuất viện nửa tháng, Đàm Tĩnh mới lấy hết dũng khí về nhà thu dọn di vật của mẹ.
Tài sản mẹ để lại không nhiều, bao năm nay hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, Đàm Tĩnh cũng biết một mình mẹ lo cho cô ăn học không dễ dàng gì, chẳng tiết kiệm được nhiều. Cô cầm vài quyển sổ tiết kiệm và giấy chứng tử đi khắp các ngân hàng rút tiền ra. Mỗi lần rút một khoản là mỗi lần nước mắt rơi. Số tiền còn lại không đủ cho cô tiếp tục học đại học. Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Sau này anh nuôi em."
Nghe anh khẳng định đầy tự tin như thế, cô chợt thấy ngọt ngào trong dạ, liền hỏi: "Anh vẫn là sinh viên, lấy gì nuôi em?"
"Em coi thường anh quá đấy!"
Bị cô nói vậy, nghỉ hè anh liền đi quảng cáo nước uống. Hồi đó cạnh tranh trên thị trường nước giải khát chưa thật ác liệt, phương thức quảng cáo sản phẩm phố trên chưa phổ biến, anh dựng một điểm trưng bày hàng, thuê vài bạn học, bận rộn cả mùa hè, trừ tiền nguyên liệu, lương nhân viên, tiền vốn và nhiều khoản khác, cũng kiếm được gần một vạn tệ. Anh mua cho cô một chiếc ghim cài áo, còn lại đều gửi hết vào tài khoản cho cô làm sinh hoạt phí học kỳ sau.
"Tại sao anh lại tặng em ghim cài áo?"