"Nhất định phải như vậy sao?"
"Cũng không nhất định." Thịnh Phương Đình nói, "Hay là cô thương lượng với Nhiếp Vũ Thịnh vậy, mọi người cùng giải quyết vấn đề trong hòa bình."
"Tôi không thể gặp anh ta thương lượng được." Đàm Tĩnh lí nhí, "Tôi không muốn nhìn thấy anh ta nữa."
"Thật ra cô chỉ cần làm bộ cứng rắn hơn một chút, có lẽ người nhà họ Nhiếp sẽ biết khó mà rút lui." Thịnh Phương Đình nói, "Nhiếp Đông Viễn sẽ không để bản thân chịu thiệt đâu, nếu thấy ảnh hưởng đến lợi ích căn bản, có lẽ ông ta sẽ từ bỏ." Anh ngừng một chút rồi nói, "Có cần luật sư hay không phải xem ý cô thế nào. Nếu cô đồng ý, tôi sẽ gọi cho luật sư tôi quen."
"Giám đốcThịnh, tại sao anh lại giúp tôi?"
Thịnh Phương Đình nghĩ ngợi một chút rồi đáp: "Nói thật, tôi chướng mắt Nhiếp Đông Viễn lâu rồi. Chắc cô cũng biết, ông ta khởi nghiệp từ ngành hàng tiêu dùng nhanh nhưng danh tiếng của ông ta trong ngành cũng chẳng ra gì. Nếu có thể khiến ông ta mất đi thứ gì đó, tôi thấy rất vui."
Đàm Tĩnh thắc mắc nhìn Thịnh Phương Đình, chỉ thấy vẻ mặt anh ung dung, dường như những lời nói vừa rồi chỉ là đùa vậy. Có lẽ vì điều hòa trong phòng để hơi thấp, Đàm Tĩnh chợt lạnh toát sống lưng. Cô đoán: "Anh cũng là con của người trong xưởng Lão Tam sao?"
"Xưởng Lão Tam gì?"
"Không có gì." Đàm Tĩnh cụp mắt, nói, "Tôi hỏi ngớ ngẩn ấy mà."
Thịnh Phương Đình thoáng trầm mặc, lại hỏi tiếp: "Cô có thể cho tôi biết rốt cuộc cô và Nhiếp Vũ Thịnh trước đây là thế nào không?"
Đàm Tĩnh ngước mắt nhìn anh, hỏi: "Anh chỉ đơn thuần là tò mò thôi sao?"
"Không, tôi muốn tìm hiểu kỹ đối thủ, nếu cô cần tôi tiếp tục giúp đỡ, nếu cô thật sự muốn kiện nhà họ Nhiếp thì chúng ta bắt buộc phải hiểu rõ về đối thủ."
Đàm Tĩnh bất giác thở dài, nên kể thế nào đây? Đó là chuyện cô đã chôn sâu tận đáy lòng, không bao giờ muốn nhớ lại nữa.
CHƯƠNG 18:
Trong ấn tượng của Đàm Tĩnh thuở nhỏ, bố chỉ là một khái niệm quá đỗi mơ hồ. Hồi học mẫu giáo, có một hôm không có ai đến đón, cô giáo phải ở lại cùng cô rất lâu mới thấy cô hàng xóm, mẹ của Tôn Đình Đình vội vội vàng vàng đến đón. Đàm Tĩnh thấy mẹ của Đình Đình nói nhỏ gì đó với cô giáo, cô giáo bèn giao cô ẹ Đình Đình. Lúc đó trời đã tối, trong lớp học mở đèn, cô giáo vuốt tóc cô, dịu dàng dỗ: "Con ngoan nhé, về cùng dì Tễ, mẹ con bận không đến đón con được."
Hôm đó mẹ Đình Đình đèo cô trên xe đạp về nhà, Đàm Tĩnh vẫn nhớ gió rất mạnh, mẹ Đình Đình lấy khăn của mình quàng cho cô, vừa gắng sức đạp xe vừa hỏi tối nay ăn trai nấu trứng được không. Đình Đình lớn hơn cô hai tuổi, đã học lên tiểu học, đang nhoài người ra bàn làm bài tập. Mẹ Đình Đình vừa vào nhà, liền đưa cho Đàm Tĩnh một quyển truyện tranh đọc giết thời gian rồi vội vã xuống bếp làm cơm. Đàm Tĩnh thích xem truyện tranh nên ngồi rất ngoan. Lúc ăn cơm, mẹ Đình Đình múc hết trai nấu trứng cho Đàm Tĩnh, không chia cho Đình Đình. Ăn cơm xong mẹ Đình Đình còn tắm cho Đàm Tĩnh, hôm đó cô ở nhà Đình Đình. Sáng hôm sau mẹ mới đến đón cô. Cô thấy hai mắt mẹ sưng đỏ, tóc tai rối bời, không biết đã xảy ra chuyện gì. Rất lâu rất lâu về sau cô mới biết bố mình đã đi rồi, không phải đi, mà là chết rồi.
Từ đó ánh mắt thầy cô nhìn cô đều mang chút thương hại. Tuy bạn học không bắt nạt cô nữa, nhưng cũng không xảy ra những tình tiết cũ rích như trên phim ảnh, cô và các bạn khác cũng chẳng có khác biệt gì nhiều. Thời đó điều kiện gia đình của mọi người tương tự nhau, tuy gia đình cô khó khăn hơn những gia đình có cả hai bố mẹ công chức, nhưng hàng xóm xung quanh đều nhiệt tình giúp đỡ, cuộc sống cũng không đến nỗi chật vật cho lắm.
Mẹ cô là giáo viên âm nhạc, có thể làm thêm bên ngoài. Bà đến dạy nhạc ở nhà Nhiếp Vũ Thịnh, cũng là để kiếm thêm. Ban đầu khi mới gặp Nhiếp Vũ Thịnh, Đàm Tĩnh chưa bao giờ mơ tưởng tới tương lai. Cô luôn nghĩ mình nên giống như các bạn khác trong lớp, học tập chăm chỉ, thi đỗ đại học rồi sống một cuộc sống bình thường. Hồi đó thích và yêu là chuyện rất trong sáng. Mãi đến khi bị mẹ phản đối, cô mới cảm thấy mình đã vấp phải khó khăn đầu tiên trong đời.
Lý do mẹ cô phản đối rất đơn giản: tuổi còn nhỏ. Đàm Tĩnh nghĩ mẹ nói cũng có lý, ban đầu mẹ khuyến khích cô và Nhiếp Vũ Thịnh trao đổi qua thư, vì những gì họ nói đều là chuyện học hành, có lẽ bà cảm thấy Nhiếp Vũ Thịnh chỉ là một người anh trai của cô, một tấm gương đáng để cô học tập. Đến khi cô học năm nhất đại học, lấy hết dũng khí nói với mẹ rằng mình và Nhiếp Vũ Thịnh không phải quan hệ bạn học thông thường, mẹ cô bèn phản đối kịch liệt.