Vẻ mặt Nhiếp Vũ Thịnh vẫn thản nhiên, không hề lộ nụ cười, anh chỉ lịch sự gật đầu. Các cô y tá đã quá quen với thái độ ấy của anh, biết anh thực ra là người ngoài lạnh trong nóng, kiệm lời ít nói, nên cũng chỉ cười cho qua chuyện.
Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì là vì anh lại nhớ đến Đàm Tĩnh.
Có một lần Đàm Tĩnh nói với anh, hồi nhỏ mẹ cô hay đánh đàn piano tại sảnh khách sạn Hoa Kiều, kiếm thêm ít tiền đắp đổi chi tiêu cho gia đình. Còn cô sau khi tan học, thường hay phải ở nhà một mình. Hồi đó cô cũng chỉ 6,7 tuổi, trong nhà lại không có ti vi, nên cứ mỗi khi trời tối là cô vội vàng chui ngay vào chăn, nhưng mãi không ngủ được, đành nằm nghe tiếng tivi đang chiếu hoạt hình từ nhà hàng xóm vọng lại. Vì thế hồi ấy, tâm nguyện lớn nhất của cô là mua được một chiếc tivi.
Lúc ấy, anh nghe kể mà xót xa, bèn hỏi: "Em không sợ ư?"
"Sợ chứ," cô cười mẹ em trước khi đi thường lấy mấy hạt đậu bỏ vào trong đĩa rồi dỗ em rằng, đừng sợ, khi nào hạt đậu mọc mầm thì mẹ sẽ về. Chờ đến khi em ngủ dậy thì trời đã sáng, hạt đậu đúng là đã mọc mầm thật, mẹ cũng về nhà từ lâu, còn chuẩn bị cả bữa sáng cho em nữa."
Lần đó, anh bị sốt, cô lại có việc bắt buộc phải đi. Trước khi đi, đôi bên cứ quyến luyến không rời, có lẽ bản tính trẻ con của anh đã làm cô cảm động, cô bèn tìm mấy hạt đậu tương dùng để xay sữa đậu nành, nhặt ra vài hạt đậu bỏ vào trong đĩa, đổ thêm ít nước, dặn anh: "Chờ hạt đậu mọc mầm thì em sẽ về, đến lúc đó anh cũng khỏi bệnh rồi."
Cô chờ anh ngủ say mới nhẹ nhàng rời khỏi. Anh nửa tỉnh nửa mê, cứ tỉnh dậy lại chăm chú nhìn xem, nhưng đĩa đậu đó chỉ nở to hơn một chút, chứ vẫn chưa mọc mầm. Anh cứ mơ màng ngủ như vậy đến tận sáng hôm sau thì hạ sốt, cả người mệt mỏi như vừa thức trắng đêm, còn mấy hạt đậu trên đĩa, cuối cùng cũng đã nhú ra chiếc mầm vừa mập vừa trắng.
Vô số lần, khi cô đơn một mình, anh thường có thói quen nhặt mấy hạt đậu bỏ vào đĩa, rồi đổ thêm ít nước vào đó, im lặng ngồi chờ nó mọc mầm.
Lần nào hạt đậu cũng ra mầm, nhưng Đàm Tĩnh không bao giờ quay về nữa.
Mổ xong, bước ra khỏi phòng phẫu thuật, anh nghe thấy y tá nói: "Chủ nhiệm Phương có hỏi anh một lần, chắc là tìm anh có việc gì đó, em nói là anh vẫn ở trong phòng mổ."
"Ừ, cảm ơn."
Anh đi đến phòng làm việc của Chủ nhiệm Phương, hai tiến sĩ đang vây lấy ông thảo luận vấn đề gì đó, Chủ nhiệm Phương ngẩng lên nhìn thấy anh, bèn hỏi: "Mổ xong rồi à?"
"Xong rồi ạ."
Chủ nhiệm Phương không hỏi anh kết quả phẫu thuật thế nào, ông luôn tin tưởng vào tay nghề Nhiếp Vũ Thịnh, nên chỉ bảo anh: "Lại đây, xem cái này."
Nhiếp Vũ Thịnh bước qua xem, là một bản kết quả chụp X-quang động mạch vành, Chủ nhiệm Phương hỏi anh: "Thế nào?"
"Tứ chứng Fallot, hẹp động mạch phổi, tình hình nghiêm trọng. Thường thì, những trường hợp thế này phải mổ từ lúc mới sinh, hiếm thấy ai lần lữa đến tận bây giờ."
"Cậu có nắm chắc không?"
Nhiếp Vũ Thịnh hơi bất ngờ, loại phẫu thuật này trong khoa Ngoại Tim mạch của anh không được coi là quá phức tạp, bác sĩ bình thường cũng là
"Bệnh viện đã thông qua chương trình đó rồi, chương trình mà công ty CM hỗ trợ tiền đó."
Thấy Nhiếp Vũ Thịnh ngạc nhiên, Chủ nhiệm Phương cười nói: "Sao cậu lại ngớ ra thế, hồi đầu khi nhắc đến việc áp dụng chương trình này, thái độ của cậu tích cực lắm cơ mà."
"Dạ, chẳng phải nói là còn cần luận chứng..."
"Luận chứng rồi." Chủ nhiệm Phương nói, "Tuần trước bệnh viện chẳng đã họp đấy rồi còn gì? Còn mời cả mấy vị chuyên gia trong ngành nữa. Ồ, cậu không tham gia, hôm đó cậu có hai ca mổ."
Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì, anh biết đây là mẹo của Chủ nhiệm Phương, tách anh ra khỏi hội nghị luận chứng chương trình, như vậy dù sau này có bất kỳ sự cố gì, anh cũng không bị nghi ngờ.
"Chúng tôi chọn bệnh nhân này làm ca đầu tiên," Chủ nhiệm Phương gõ nhẹ lên bệnh án, "Bởi vì đây là Tứ chứng Fallot hay gặp nhất, về mặt này chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm lâm sàng có thể sử dụng, dù sao cũng là chương trình mới, cẩn trọng là số một. Bệnh nhân này do bác sỹ Lý giới thiệu, nghe nói hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chắc sẽ chấp nhận phương án hỗ trợ kinh phí. Từ bây giờ trở đi, bệnh nhân này giao cho cậu phụ trách, cậu đi liên lạc với người nhà bệnh nhân nhé." Mắt Chủ nhiệm Phương đã hơi kém, lúc không làm phẫu thuật lại không đeo kính, nên khi cầm bệnh án, phải cố gắng lắm mới đọc được các chữ viết ở trên: "Tôn... Bình... ừm, cậu bé này là bệnh nhân đầu tiên của dự án chúng ta."