Đến tối, cô mua hoa quả và lăng hoa đến bệnh viện thăm ông Nhiếp Đông Viễn. Bố của bạn bị ốm, cũng nên đi thăm. Ông Nhiếp Đông Viễn nằm phòng VIP, điều kiện rất tốt. Nhiếp Vũ Thịnh cũng có mặt, thấy cô đến, anh không quá bất ngờ, chỉ nhận lấy đồ từ tay cô, nói lời cảm tạ.
Khí sắc ông Nhiếp Đông Viễn khá tốt, ông cũng biết con trai mình có cô bạn này, quen hồi còn ở Mỹ. Ban đầu ông còn tưởng họ có quan hệ gì đó, nhưng sai người đi điều tra mới biết, tuy con trai có qua lại với cô gái này, thậm chí từng qua đêm ở nhà người ta, nhưng hoàn toàn chỉ là bạn bè thông thường.
"Tiểu Thư, cháu ngồi đi. Tiểu Nhiếp, con đi pha một chén Long Tĩnh cho bạn nếm thử. Bác sĩ không cho uống trà, bố mang đến bệnh viện để tiếp khách vậy."
Thư Cầm nói: "Bao giờ bác khỏe, cháu xin biếu bác mấy gói Bích La Xuân, bọn cháu có đồng nghiệp là người Động Đình, Đông Sơn, Bích La Xuân nhà anh ấy tự làm thơm lắm."
"Ôi chao, nghe đã thấy thèm rồi." Ông Nhiếp Đông Viễn nói, "Buổi tối ăn cơm chay, đã không thấy no, đang nhạt miệng thì cháu nhắc đến trà lại càng thèm hơn. Hôm nay cuối cùng bác cũng biết được, hóa ra trà cũng khiến người ta thèm."
Trong khi hai người nói chuyện, Nhiếp Vũ Thịnh pha một cốc Long Tĩnh đặt trên bàn. Thư Cầm bưng cốc trà lên, thấy nước trà trong vắt, những búp lá trà non dựng thẳng trong cốc, đúng là Long Tĩnh hảo hạng. Ông Nhiếp Đông Viễn vẫn hào hứng thao thao: "Thật ra Long Tĩnh mà dùng cốc thủy tinh thế này là kém ngon nhất, nhưng ở bệnh viện không có đồ pha trà, đành dùng tạm vậy. Bao giờ bác ra viện, mời cháu đến nhà uống trà, bác sẽ dùng bát sứ thô pha Bích La Xuân cho cháu, đó mới là cách uống trà chính thống."
"Bác uyên bác quá, biết cả điển cố uống Bích La Xuân băng bát sứ thô nữa ạ?"
"Đương nhiên rồi, Bích La Xuân là phải dùng hai bát sứ thô. Lá trà cực mảnh, bát sứ cực thô." Ông Nhiếp Đông Viễn nói, "Vũ Thịnh còn không biết, không ngờ cháu lại biết."
"Vũ Thịnh là con mọt sách, hồi ở Mỹ, anh ấy không ở phòng thí nghiệm thì ở thư viện, nghiên cứu nào là tim, nào là mạch máu, làm gì có thời gian để ý những điều này. Nhưng cháu chỉ cần gọi điện thông báo vừa làm khoai hầm thịt bò, đảm bảo anh ấy sẽ chạy tới còn nhanh hơn thỏ."
Ông Nhiếp Đông Viễn bật cười ha hả, có vẻ rất vui: "Thằng bé này giống bác, hồi nhỏ bác cũng nghiện thịt bò, nhưng hồi đó trâu bò là lực lượng sản xuất chính, đến ngày lễ tết cũng chẳng có thịt bò mà ăn. Nhưng có một năm, mùa hè trời rất nóng, người ta dắt đàn bò xuống tắm sông."
"Lúc đó đội sản xuất rất bận, người ta dắt bò xuống nước, buộc một đầu dây thừng vào gốc cây ở trên bờ rồi ra ruộng kiếm công điểm. Các con không hiểu kiếm công điểm là gì đâu. Đội sản xuất chia lương thực, chia tiền đều chiếu theo công điểm cả đó, bèn buộc bò vào cây rồi xuống ruộng làm. Không ngờ một con bò đang tắm dưới sông yên lành bỗng nhiên bị quấn vào dây, giãy giụa cả nửa ngày, càng giãy càng bị quấn chặt, cuối cùng chết đuối dưới nước. Đến khi tay chăn bò quay lại thì bò đã chết rồi, ui dà, không thể lãng phí được, trời nóng thế này, toàn đội liền xúm lại lôi con bò lên giết thịt, lột da, mỗi nhà được chia một miếng."
Ông Nhiếp Đông Viễn kể một cách thích thú: "Nhà bác cũng được một miếng, vì thịt đã ngâm dưới nước, sợ hỏng, nên tối hôm đó phải nướng ăn luôn. Miếng thịt đó thơm lắm, đó là lần đầu tiên trong đời bác được ăn thịt bò, từ đó cảm thấy thịt bò là thứ ngon nhất thế gian."
Nhiếp Vũ Thịnh ngạc nhiên, anh chỉ biết bố xuất thân từ nông thôn, hồi nhỏ từng chịu không ít khổ cực, nhưng ch bao giờ nghe ông kể. Ông chỉ hay kể chuyện mình lập nghiệp từ bán nước khoáng, rồi đầu tư, kinh doanh bất động sản, tiến quân vào Hồng Kông, gây dựng nên sự nghiệp hiện nay.
Bác sĩ trực ca đêm đến đổi ca, còn đặc biệt tới phòng bệnh chào hỏi, Nhiếp Vũ Thịnh ra ngoài nói chuyện với anh ta, trong phòng ông Nhiếp Đông Viễn đột nhiên hỏi Thư Cầm: "Thằng nhóc đó cầu hôn cháu à?"
Thư Cầm giật mình, vội vàng đáp: "Đâu có ạ."
"Không có thì tốt, bác chỉ sợ nó vì bệnh của bác mà tìm bừa một người để kết hôn." Ông Nhiếp Đông Viễn nói, "Dù nó có cầu hôn cháu cũng đừng đồng ý. Nó vẫn chưa thoát khỏi vướng mắc, người nên quên vẫn chưa quên, dù qua lại với thần tiên cũng vô ích thôi."
Thấy Thư Cầm cười bối rối, ông Nhiếp Đông Viễn lại nói: "Cho nó một cơ hội đi. Khó khăn lắm, bảy năm nay, đây mới là lần đầu tiên nó đưa một cô gái về gặp bác đấy. Thực ra con người nó rất thành thật, cháu cũng đừng yêu cầu nó phải quên hết mọi thứ ngay lập tức."
"Anh ấy không bảo cháu đến thăm bác, là cháu tự đến thôi ạ."
"Cũng như nhau cả mà, nếu nó không nói bác ốm thì sao cháu biết được?" Ông Nhiếp Đông Viễn nói, "Nó nói với cháu trước tiên, ít nhất đã coi cháu như người thân, là người bạn tốt nhất." Ông thở dài, "Con trai bác ấy mà, bạn bè cũng rất ít, trong một thời gian dài bác còn sợ nó bị trầm cảm. Khi nó khó khăn nhất cháu đã ở bên nó, bác rất cám ơn, nếu cháu bằng lòng thì hãy cho nó một cơ hội đi. Nó đã trói buộc mình quá lâu, quá khổ sở rồi, nó rất cần một sự khởi đầu mới."