Tôi bỏ tay anh ta, anh lụng bụng điều gì đó, mắt vẫn nhắm nghiền, còn tôi rất lâu sau đó không thể nào chợp mắt.
Tôi muốn biết câu cuối cùng của Tôn Gia Ngộ là anh buột miệng nói ra hay anh thật sự nghĩ như vậy?
—————————
Có lẽ trong lòng mỗi người phụ nữ đều có mộng tưởng về hôn nhân. Tôi có dịp thử trước thì thấy nó không hề lãng mạn một chút nào. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nhiều người lại quyết định thử sống thử trước khi kết hôn.
Hóa ra đằng sau mỗi người đàn ông rạng ngời là một người phụ nữ mệt nhọc, lúc chưa kết hôn là người mẹ còn sau đó là vợ của anh ta.
Hầu hạ Tôn Gia Ngộ là công việc vô cùng gian nan. Nuôi anh ba mươi năm đúng là làm khó cho mẹ anh.
Tôn Gia Ngộ kén ăn vô cùng, mỗi bữa cơm phải đổi món khác nhau, chỉ hơi lặp lại mấy lần là anh than phiền tôi ngược đãi anh, anh còn lôi cả câu "Ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường". ("Ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường" là câu nằm trong bài "Hiểu đời" của cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ)
Ngày nào anh cũng thay áo sơ mi, toàn loại vải mềm, mỗi việc là áo cũng là cả một công trình lớn.
Anh thích bày đồ đầy bàn nhưng lại không muốn người khác động vào. Câu nói đầu môi của anh là: "Em mà động vào là anh không tìm thấy". Thỉnh thoảng anh còn phàn nàn: "Sao nhà cửa bừa bộn thế này? Em ở nhà làm gì hả?"
Tôi tức đến mức mấy lần định bóp chết anh.
Hai tuần lễ tiếp theo đó tôi gần như suy sụp. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy lúc sáu giờ ba mươi phút, sau khi chạy bộ về tôi lao vào bếp nấu bữa sáng, hầu hạ Tôn đại gia ăn xong tôi bắt tay chuẩn bị bữa trưa rồi mới đi học. Buổi chiều về nhà tôi tranh thủ làm bài tập, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. Sau khi ăn xong tôi lại rửa bát, dọn dẹp nhà bếp. Ngày nào tôi cũng phải sau chín giờ tối mới được ngồi xuống nghỉ ngơi. Vậy mà Tôn Gia Ngộ còn thêm một bữa ăn đêm vào lúc mười một giờ tối.
Người vợ đảm đang không phải ai ai cũng có thể làm. Tôi nghĩ không thông, cùng là việc nhà, tại sao thêm một người lượng công việc lại nhiều như vậy, không biết trước đây anh sống kiểu gì? Nếu đây là cuộc sống chân thực sau khi kết hôn, tôi thà cả đời ở giá cho xong.
"Triệu Mai!" Giọng Tôn Gia Ngộ từ phòng bên cạnh vọng sang: "Pha cho anh ly cà phê, đặc một chút, nửa ly cà phê pha nửa ly sữa, nhớ đừng bỏ đường".
Tôi đóng chặt cửa giả vờ không nghe thấy.
"Triệu Mai...Triệu Mai..." Anh gọi như gọi hồn.
Tôi đặt mạnh ly cà phê xuống bàn rồi cất giọng bực dọc: "Anh Tôn, trước đây anh sống thế nào hả?"
"Có phải em chưa chứng kiến đâu? Nếu không được hưởng thụ thì lấy vợ về làm gì?" Tôn Gia Ngộ duỗi thẳng hai chân, miệng nở nụ cười đáng ghét.
Tôi nghi ngờ anh cố ý hành hạ tôi. Mấy lần tôi nổi nóng nói thôi không làm nữa, nhưng nhìn anh đi cà nhắc một cách khó nhọc, tôi lại mềm lòng.
Đừng nghĩ đến nữa, tôi tự nhủ thầm, tôi có yêu anh không? Yêu anh thì hãy nhẫn nại, hơn nữa bây giờ là thời kỳ đặc biệt, chân anh vẫn chưa khỏi hẳn.
Đến Lão Tiền cũng ngày ngày về nhà ăn cơm, Tôn Gia Ngộ không lên tiếng, tôi cũng không tiện than phiền. Nhưng cứ dăm ba bữa lại đi mua thức ăn cho ba người, tiêu tốn một khoản không nhỏ. Tiền trong tài khoản của tôi nhoắng một cái đã xuống tận đáy.
Tôi bắt đầu khổ não, không biết làm thế nào đề cập với Tôn Gia Ngộ chuyện tiền bạc.
Tiền của anh không có sức hút lớn đối với tôi. Nhưng nói một câu thật lòng, có tiền sướng thật. Nhà tôi không phải gia đình giàu có, mẹ tôi là người tương đối tiết kiệm. Từ nhỏ nhìn những đứa trẻ nhà khác có tiền tiêu thoải mái, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ.
Nhưng tôi không có dũng khí đặt thẳng vấn đề với anh. Tôi cảm thấy tình cảm nam nữ một khi dính đến đồng tiền sẽ biến vị. Tôi càng không muốn anh hiểu nhầm, tôi là người phụ nữ ham tiền.
Sau khi ngẫm nghĩ một hồi, tôi đột nhiên phát hiện bản thân chẳng ra làm sao, sợ trước sợ sau, kết quả hai đầu không thấy đâu là bờ.
Ngày hôm sau khi đi học, tôi phát hiện trong ba lô có một phong bì, bên trong toàn tờ một trăm đô la Mỹ. Tôi bỏ ra đếm, tất cả có hai mươi tờ, bằng sinh hoạt phí của tôi trong tám tháng.
Thầy giáo ở trên bục ra rả giảng bài nhưng tôi không lọt tai một chữ. Thỉnh thoảng tôi thò tay vào ba lô vuốt cái phong bì, trong lòng cảm thấy ấm áp.
Hóa ra anh không phải ngốc nghếch, anh để mắt tới tất cả mọi việc xảy ra, anh biết tôi không có kinh nghiệm ứng phó với những tình huống khó xử nên anh dùng cách này giúp tôi giải quyết vấn đề nan giải, khiến hai chúng tôi khỏi rơi vào cảnh lúng túng.
Nhưng hình như có điểm gì đó không ổn thỏa. Lúc về nhà gặp anh tôi nên nói gì? Nói cám ơn anh hay giả bộ như không có chuyện gì xảy ra?