Nhắc đến Long, cậu ta cũng là một độc giả của cuốn sách này, hơn thế nữa, cậu ta còn giúp tôi quảng bá cuốn sách này để nó bước lên một tầm cao mới, và được nhiều bạn đọc biết đến hơn. Chưa ngừng ở đó, Long còn giúp tôi kiểm tra, và biên soạn lại nội dung của cuốn sách, vì vậy, xin một lần nữa chân thành cám ơn bạn Long. Hè này tôi mới về gặp gỡ được Long, vì cậu ta cũng là người Hà Nội như tôi. Có một lần chat trên Yahoo, Long đã vô tình kể cho tôi nghe một câu chuyện về nhà cậu, mà tôi nghĩ câu chuyện này là có thật, thế nên tôi đã hỏi ý kiến Long và viết lại câu chuyện đó để cho vào trong cuốn sách này. Mong rằng bạn đọc sẽ cảm thấy cái cảm giác rùng rợn, mà cũng không kém phần cảm động như tôi khi lần đầu nghe kể câu chuyện này.
Đoạn 1: Bỏ Bùa
Long kể là, hồi trước khi lên Hà Nội, nhà cậu ở một ngôi làng thuộc Bắc Giang. Hồi đó mảnh đất nhà Long rộng lắm, nhà Long lại có truyền thống làm tương để đem bán. Tương nhà Long làm rất thơm ngon, do ông nội và bà nội Long làm. Phải nói là gia đình thuộc vào loại khá giả vì tương bán rất được, cộng thêm cái ao cá và mấy thửa ruộng mà gia đình Long cũng có của ăn của để. Thế nhưng mà, lòng người hiểm ác, ở đời con người ta có một cái tính, đó là ghen ăn tức ở. Khi thấy một ai đó làm được cái gì hơn mình, là có một số người tìm mọi cách phá hoại, hoặc phải làm hơn người đó mới được. Chính vì cái lí do đó, mà có nhiều hộ làm tương khác thường ganh ghét ông bà nội cậu, cũng chỉ vì tương họ làm bán ra không đắt hàng như tương nhà cậu.
Hồi đó Long đang học cấp một, cậu là một cậu bé nghịch ngợm nhưng học được. Cái đợt bà nội Long ốm, cậu thương bà lắm. Mỗi lần đi học về, Long thường đến bên bà và kể cho bà nghe hôm nay đã làm những gì ở trường. Long không biết rằng bà mình có nghe thấy gì không, nhưng cậu ta vẫn kể, vẫn tâm sự cho bà mình nghe như lúc bà cậu ta còn khỏe. Cái sáng hôm đó, trước khi đi học, Long đứng bên giường bà và chào bà để đi học.
Câu chợt nghe bà mình nói nhỏ một vài điều:
– Sao bố mẹ chưa đưa con đi học? Muộn giờ đi học của con rồi.
Lúc đầu Long cứ nghĩ là bà hỏi mình, rồi cậu đáp vội lại:
– Bà ơi, con chưa muộn học đâu, vẫn còn sớm mà.
Thế rồi bà của Long cứ nói như vậy hoài. Rồi mẹ Long tiến lại đặt tay lên vai Long và nói:
– Chắc bà nội đang mê man nên nói linh tinh đó con ạ. Thôi con ra bố đưa đi học đi không có muộn học.
Long mặt buồn thiu, vì cậu cứ tưởng bà nội đã khỏe và nói chuyện lại với mình. Thế rồi mẹ Long dắt cậu ta ra để bố cậu đèo đi học. Vừa quay mặt đi,Long còn nghe bà nội câu ta nói nhỏ:
– Mẹ mua cho con cái này đi, con hứa sẽ học chăm mà.
Nhưng Long cứ nghĩ là bà đang mê man, nên cậu không nói gì. Chỉ vội ra xe để bố đèo đi học. Chiều hôm đó, Long thấy vô cùng ngạc nhiên khi người đi đón mình không phải là bố mình, mà là bác hàng xóm, tên là Vương. Leo lên xe máy, Long hỏi:
– Bác Vương ơi, bố cháu đâu sau không đến đón cháu ạ?
Bác VươNg nói tránh đi:
– Bố mẹ cháu đang ở nhà lo cho bà nội cháu.
Long lại hỏi:
– Thế bà cháu đã khỏe lại rồi ạ?
Thấy như không thể nào giấu Long sự việc được nữa. Bác Vương hạ giọng và nói:
– Long à… bà cháu… mất rồi.
Long ngồi đằng sau nghe xong câu nói đó, như không tin vào tai mình, cậu ta nước mắt lưng tròng:
– Bác nói sao… bà cháu…
Bác Vương thở dài, bèn nói nhỏ hơn:
– Bà cháu… mất rồi…
Nghe xong câu đó, mà Long trên đường về òa khóc, khiến cho bác Vương dỗ dành thế nào cũng không được. Về đến nhà, Long chạy ù ngay vào trong phòng, nơi bà nội đang nằm. Cậu vẫn đeo cặp, ngồi xuống lay người bà nội mà nói:
– Bà ơi… bà đừng bỏ cháu mà đi, bà ơi…
Thấy cảnh đó, không ai cầm được nước mắt. Mẹ Long cũng không cầm được nước mắt, chỉ chạy lại an ủi Long:
– Thôi con à, bà mất rồi… con đừng quá buồn… bà bây giờ đang ở trên trời đó, con cứ ngoan đi… Rồi bà sẽ phù hộ cho con…
Tuy có nói vậy, nhưng Long vẫn khóc lóc thảm thiết. Lúc đầu, làm cách nào cậu cũng không chịu rời xa bà nội. Mãi đến khi cả bố cậu và ông nội cậu vào dỗ dành mãi, cậu mới chịu buông ra. Đợi khi họ hàng tới đông đủ, bố cậu mới gọi xe đưa bà nội cậu vào nhà xác, để lo liệu cho việc tang lễ. Thật đáng buồn thay cho bà nội của Long, những lời nói của bà Long mà cậu nghe được trước khi đi học, chính là những lời nói từ quá khứ. Người xưa có một quan niệm rằng, trước lúc một ai đó ra đi, con người ta một là nhìn thấy cả cuộc đời mình hiện ra trong chớp mắt. Hai là người đó sẽ được sống lại những giây phút hạnh phúc nhất đời mình, và có lẽ đối với bà nội của Long, một trong những quảng thời gian hạnh phúc nhất là khi bà còn là một đứa trẻ, còn được đi học, được vòi vĩnh mua quà. Không lâu sau, Long có một đêm nằm mơ thấy bà nội hiện về, khắp mình tỏa ánh hào quang, bà ngồi bên Long, xoa đầu và nói rằng sẽ phù hộ độ trì cho đứa cháu yêu quý của mình.