Hay chết, đơn giản chỉ là chuyến thiên di về miền những linh hồn hội tụ…
Bản thân cũng đã có lúc đứng giữa lằn ranh của thở và không thở. Lâu lắm rồi, ở cái ngày nỗi đau tình cảm còn có thể điều khiển được lý trí làm những điều ngây dại. Lần đó đau… nhưng đáng, vì sau cái đau đó, chẳng còn cho phép ai quyền làm đau mình nữa.
Nhân nói về cái chết, chợt nhớ đến hai người quen cũ, từ nhiều năm trước. Cả hai đều biết bản thân nhiễm HIV.
Cả hai đều biết rằng số ngày còn sống ở cuộc đời của họ là một con số có thể hình dung ra cụ thể. Nhưng cách đón chờ cái chết của họ lại khác nhau.
Một người sợ hãi đến cuồng loạn, lao vào ăn chơi, hưởng thụ vì biết rằng mình chẳng còn sống được bao nhiêu ngày, nên cứ phải tận hưởng những lạc thú còn sót lại ở cõi đời chóng vánh. Tháng rồi, nhà mới làm giỗ cho anh xong, nhìn lên di ảnh, tưởng chừng như mới hôm qua anh em còn trò chuyện cùng nhau.
Người còn lại chọn cách sống khác, trân quý từng ngày mình còn sống và dùng nó để chuộc lại lỗi lầm của những ngày buông bản thân rơi vào vực thẳm. Anh tham gia hoạt động từ thiện, để tuyên truyền phòng chống HIV ở thanh thiếu niên để đừng ai rơi vào trường hợp của mình, anh sống trách nhiệm, tự bảo vệ bản thân cũng như những người bên cạnh. Café hôm rồi, anh kể sau 6 năm bệnh tật, đến nay anh mới thấy cơ thể mệt mỏi hơn xưa, chắc cũng gần đi rồi. Câu cuối anh nói, mắt cười buồn.
Chúng ta, rõ ràng rằng rồi ai cũng sẽ chết, bằng cách này hay cách khác. Nhưng biết điều đó, không có nghĩa chúng ta không còn thiết sống. Nếu đã biết bản thân chỉ còn sống được một năm, ta nên sống làm sao để một năm sống của mình bằng mười năm sống của người khác. Sống được như vậy, dù có chết đi, ta sẽ luôn sống trong tim mọi người.
Đôi khi suy nghĩ về cái chết… chẳng phải lúc nào cũng là tiêu cực, bi quan. Đó chỉ là sự chuẩn bị cho một sự thật tất yếu, để ta nhận ra rằng, mỗi ngày ta phải sống nhiều hơn và tốt hơn. Câu này nhận ra sau khi nói chuyện cùng bố già hớt tóc dưới nhà. Chuyện của bố, nhiều khi làm người ta phục.
Bố năm nay 74 tuổi, tóc tai bạc trắng, thêm chòm râu dài dài như mấy ông Bụt của chuyện cổ tích, người gầy, không cao. Trước 75, bố đi cách mạng, bị thương ở chân, từ đó đi lại hơi khó khăn, trái gió trở trời là cơn đau hành hạ. Kháng chiến xong thì bố làm nghề hớt tóc, đến nay cũng đã hơn 35 năm, tay múa kéo như người ta múa quạt.
Thấy tuổi bố lớn, có lần hỏi, “Sao bố không ở nhà nghỉ cho khỏe, con cháu nuôi, làm chi cho cực?”
Ổng cười hề hề, nói tỉnh rụi, “Tụi nó có cho làm đâu, mà nằm nhà là tay chân ngứa ngáy, khó chịu, nên quyết tâm đi làm. Làm là để thấy mình còn sống, chớ nằm một chỗ khác nào chết rồi bây.”
“Có bữa thấy bố mất tích đâu cả tháng, làm không có người hớt tóc cho con.”
“Tao đi du lịch, qua Campuchia đánh bài với mấy ông bạn già.”
“Dữ dằn heng!”
“Trước trẻ làm để lo cho nhà, giờ già thì phải tự lo cho bản thân. Ăn chơi một chút cho đời nó sướng chứ mậy!”
“Qua đó bố có đi kiếm em nào để thay đổi hương vị không?”
“Ui mày ơi, tao thì còn sống chứ thằng em tao nó ngủm rồi… ăn uống gì!”
Bố nói xong cười nhe hàm răng sún mấy cái… sợ chết bằng cách sống như bố, đúng thiệt đáng cho đàn con cháu học hỏi.
Mỗi lần đi làm, bước ra khỏi nhà vào sáng sớm, thường hay mỉm cười, nói với ba mẹ, em gái, những người thân rằng mình thương yêu họ rất nhiều. Có người cho rằng việc ấy là thừa thãi, là sến, nhưng bản thân thấy cần thiết. Vì có ai dám chắc rằng ngày hôm nay ta sẽ gặp những ai, trải qua chuyện gì, và có chắc rằng mình sẽ về được đến nhà chiều hôm đó. Nên hãy nhớ lưu trữ những gì ngọt ngào nhất dành cho nhau.
Vì đã biết cuộc đời là cõi tạm, có hạnh ngộ ắt đến lúc phân ly, thế nên ngày nào còn hơi thở, hãy cứ yêu thương, trân trọng những người bên cạnh từng phút giây quá trễ. Để không bao giờ hối tiếc vì sao ta đã chẳng bày tỏ hết khối tình cất trong lòng.
Nỗi sầu nhan sắc!
Ông anh trưởng phòng nhân sự bước ra, cầm xấp hồ sơ tuyển dụng cho vị trí Tư vấn viên quăng cái phẹp xuống bàn, phán câu xanh rờn:
- Ngu thì tao còn cứu được, chứ xấu thì thua!
Thấy ổng nói câu này đau, mà đúng!
Bây giờ cứ xấu thì coi như con người ta mất đi rất nhiều thứ, nhất là cái quyền lợi được ưu tiên trong cuộc sống.
Có lần bị công an thổi vô, đang đứng loay hoay trình bày đủ lý do, giấy tờ đủ loại, có bạn nữ xinh xinh cũng bị ngoắc vô cùng tội, quẹo trái không bật đèn tín hiệu. Thấy bạn nữ đứng õng õng ẹo ẹo, nói gì đó với anh công an, rồi leo lên xe phóng đi tuốt, chắc mừng đến mức quên luôn bật đèn xe mặc dù đã 7 giờ tối. Thấy thằng nhóc bên này đang đứng nhìn mắt chữ A mồm chữ O, anh công an già giải đáp thắc mắc: “Tại người ta đẹp, người ta được ưu tiên.”
Hay có lần lên xe bus đi công chuyện, xe chật ních, hết chỗ ngồi chỉ còn chỗ đứng đu dây như khỉ. Đang đứng lắc lư tận hưởng cảm giác trở về tổ tiên, xe dừng một tốp nữ sinh nhan sắc trên trung bình một chút bước lên, mấy anh đàn ông đang ngồi gấp báo, dừng điện thoại quan sát, rồi lại việc ai nấy làm. Xe dừng lần hai, chỉ có một cô nàng duy nhất bước lên, áo trắng xuyên thấu, váy đen ôm sát, giỏ xách hồng phấn xinh xinh, nước hoa ngọt đủ cho người ta tiểu đường. Lập tức hai ba tiếng gọi í ới, “Em em, ngồi đây nè em…”