Chị.
Nhiều lúc muốn gọi chị là Thầy, nhưng chị không nhận, theo lời chị là “Tao có dạy mày cái gì đâu, chỉ là tao truyền lửa cho mày làm những việc nên làm.”
Cách khoảng hai năm trước, chị em biết nhau do cùng tranh luận sôi nổi về một truyện ngắn trong diễn đàn. Ai cũng máu lửa, cũng muốn giữ cái lý lẽ cho riêng mình. Không đánh không quen biết, để rồi phải lôi nhau ra ngoài để nói chuyện phải quấy. Nói rồi mới thấy hai người chẳng qua là cùng tâm huyết, cùng yêu thương nên phải khắt khe với văn chương, vậy mà thân.
Mấy buổi café, chị em phì phèo thuốc lá, nổi da gà vì bàn được cái ý tưởng tuyệt vời cho một câu chuyện nào đó. Khi đó có nói, “Chẳng biết khi nào em mới được ra sách”, chị bảo, “Sớm thôi, cứ nhìn chị, lăn lộn với đam mê thì sẽ có ngày đc đền đáp…”
Nhớ hoài câu ấy, lấy chị làm hình ảnh để noi theo, để thắp lửa đam mê trong lòng.
Giờ cả hai bận rộn với quá nhiều dự án cá nhân, hiếm hoi lắm mới có được một lần nói chuyện. Có khi chị giận… nhưng thực tâm, vẫn luôn coi chị là người thầy đã truyền cho sức mạnh vô biên của sự đam mê.
Cô.
Cô hơn mẹ một tuổi, ở cái tuổi này đáng lý đã phải có gia đình riêng cho mình… nhưng số cô lận đận, tới giờ vẫn chỉ có được gia đình chung và mấy đứa cháu.
Từ nhỏ cha mẹ bận làm, nên chăm sóc chính vẫn chỉ có cô và bà nội. Giờ nhà vắng vẻ hơn trước, nhưng cô vẫn ngày ngày lui cui lau dọn. Đợt nội bệnh, hai ba giờ sáng, cô cũng là người duy nhất thức dậy chăm lo, sáng đến nơi nhìn cô mệt mỏi xách giỏ đi chợ sớm, lòng đau.
Con chú sinh ra hơi khó nuôi, cô nhận về dưỡng dục, đó giờ nó cũng kêu cô là mẹ. Nhớ năm nào con bé bệnh nặng, cô ôm nó trong tay nước mắt chảy ướt áo, chỉ xin Trời Phật cho tai qua nạn khỏi. Giờ con bé đã gần 15, có tháng chú thím kẹt tiền, cô lấy tiền túi ra đóng cho nó.
Đôi khi đi chơi, đến tầm 1, 2 giờ sáng, nghe tin nhắn báo, không cần mở lên cũng biết là cô, đơn giản ba chữ “Có về không” nhưng đựng đầy cả đêm dài chờ đợi, quan tâm.
Cha nói, “Cô không con cái, sau này bây phải lo cho cô…” Cười với cha, “Đâu cần cha dặn, chuyện này con biết là nghĩa vụ rồi…”
Nói nghĩa vụ nghe sao nặng, nhưng thực lòng biết, đã từ lâu coi cô là Mẹ thứ hai, Mẹ mà cả một căn nhà không thể nào thiếu. Từ cô, học được bài học về tình thường bao la.
Bà.
Là một người đàn bà xa lạ, tầm ngoài 50, bán vé số ở một ngã tư trên đường đi làm ban sáng, hầu như ngày nào cũng có lần gặp qua.
Đôi chân teo cơ cong quắp, cánh tay ngoặt ngoẹo cố gắng xếp từng tờ vé số, đôi khi là cố lùa muỗng cơm vào miệng. Đầu bà quẹo sang một bên, hơi cúi xuống, do vậy mà mắt muốn nhìn ai cũng xếch ngược dữ tợn.
Mỗi lần đèn đỏ, xe dừng kế chỗ bà, bà lại cất giọng rao, “Vé số chiều xổ” bằng cái giọng cao vút, chói tau, khó khăn lắm mới nghe ra được. Ngày nắng thì có thêm cái nón lá rộng vành rách vài chỗ, mưa thì gặp cảnh bà chống tay, nặng nhọc lê thân mình vào núp mưa trong cây xăng gần bên.
Tội, thương, có lần dừng xe để vào chiếc nón của bà 10 ngàn đồng rồi tính chạy xe tiếp. Chưa gì thấy tay bị níu, bà cầm tờ vé số, ấn vào tay, cũng bằng cái giọng cao vút, khó nghe, cố nói rõ ràng từng chữ, “Cầm, tui không ăn xin.” Dừng xe, cúi đầu xin lỗi rồi nhận tờ vé số, lòng hổ thẹn vô cùng. Từ đó hiểu ra, cho tiền một người có khi lại là cách làm tổn thương người ta vô cùng tận.
Họ xuất hiện từ bốn mốc cuộc đời, và dạy về bốn bài học khác nhau, chỉ là có chung một chất đàn bà trong cơ thể. Có mấy người cứ coi khinh đàn bà, nhưng xin lỗi, chuyện đàn bà đôi khi mất cả đời vẫn không sao hiểu cho hết.
An toàn
Hai lăm, chợt nhận ra bản thân thấy sợ mỗi khi bước vào thang máy, dù đông nghịt hay chỉ một mình. Hiểu đó là cảm giác vùng an toàn cá nhân bị phá vỡ, hoặc cảm giác cô đơn giữa khoảng không lơ lửng dịu vợi.
Mỗi một con người tồn tại, đều hình thành một khu vực gọi là vùng an toàn cá nhân, hình dung đơn giản, nó là một vòng tròn với tâm là chính ta.
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tính cách con người, vùng an toàn đối với người xa lạ thường nằm trong khoảng 50-100cm. Bạn hãy nhớ lại những lần gặp gỡ một người hoàn toàn xa lạ, chúng ta luôn cố gắng giữa một khoảng cách nhất định với đối phương, thường khó chịu khi người ta tiến đến quá gần mình, cũng như thấy mất thân thiết nếu một người mà ta biết lại cố ý giữ khoảng cách xa.
An toàn luôn là cảm giác mà bất cứ ai cũng cần đến đầu tiên.
Có lần học về tâm lý, nge thầy giảng người ta đôi khi có dạng tâm lý như con nhím và ốc sên.
Nhím thực chất rất yếu đuối, nên tạo hóa cho lớp gai xù cứng nhọn làm vũ khí. Chỉ tội cái, nó yếu đuối đến nỗi bất cứ ai đến gần, dù là muốn nựng nịu hay quan tâm cũng sẽ xù gai nhọn, vô tình làm đau những người thương.
Ốc sên thân mềm, ai cũng biết, nên lúc nào cũng chui rúc trong vỏ ốc, ít khi dám chường mặt ra ánh sáng. Trong vỏ ốc là cả thế giới tối đen, thế nên chỉ vì bản tính của mình, ốc đã làm lãng phí cả bầu trời đầy nắng.