Tôi nghe thấy tiếng lạch cạch, tiếng gõ cũng như tiếng người loáng thoáng rằng hỏi xem trong thang máy có ai không. Tôi kêu lên phản hồi lại và hỏi rằng bao giờ thang máy sẽ được mở được. Tôi kéo người sát lại phía thang máy để nghe ngóng. Hình như, những người ở bên ngoài cũng đang hết sức cố gắng và nỗ lực.
Đèn trong thang máy bốc vụt tắt, không gian tối om. Anh chàng vẫn ôm chặt lấy chân tôi và run rẩy. Tôi mò mẫm đặt tay lên người anh ta, kéo về phía mình và dỗ dành.
- Mọi việc, sẽ ổn thôi, anh cố chờ thêm chút nữa. Giọng tôi nhẹ nhàng, từng nhịp tay vỗ lên tấm lưng của anh ta an ủi.
Chỉ có tiếng rên và tiếng khóc, thật sự, trong hoàn cảnh này tôi hoàn toàn rất bối rối. Tôi không biết phải làm thế nào vì anh chàng này đang run lên từng đợt, khóc thút thít như một đứa trẻ bên cạnh tôi, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến con trai khóc. Quả thật, phải sống và trải qua nhiều chuyện mới thấu hiểu hết được sự đời.
Và may sao, tôi, Đỗ Diệu Phương, lần đầu tiên ở tuổi 17 đã được chứng kiến một người con trai trưởng thành khóc. Và lần đầu tiên trong đời, bờ vai của tôi đang là chỗ dựa cho người khác, một người… không hề quen biết. Và tôi, bỗng chốc nhớ tới Đông Đông và bờ vai vững chãi của cậu ấy, nhớ lại những ngày tôi đã từng gục vào vai cậu ấy và khóc nhè… Nhưng dường như, mọi thứ cứ mờ nhòe, xa, xa lắm rồi.
Một tiếng trôi đi, vẫn chẳng hề có sự giải thoát nào cho cả hai chúng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, đã là 11h đêm. Ngày hôm nay đúng là ngày xui xẻo hết mức, tôi cứ nghĩ rằng tôi có thể về đến đây và chốc nữa sẽ được an giấc, cười toe vì hôm nay đã “lừa phỉnh” được tên giám thị ngốc xít đưa về và lấy hộ chìa khóa. Vậy mà, đúng là tên…đáng ghét này, tên ngạo nghễ khinh khỉnh này lại đang ôm lấy chân tôi và tôi đang phải dỗ dành anh ta. Cái thái độ ở thang máy hôm trước giờ mất hút, giờ chỉ còn là một anh chàng nhát như thỏ đế.
Hừ, đúng là cuộc đời thật tươi đẹp của Phương Phương!
Tại sao hai gã trai kì dị lại cứ bám lấy tôi cả ngày hôm nay chứ.
Đời nhiều khi không như là mơ. Mà tôi cũng quên xừ tên bài hát đó rồi. Nếu không, sẽ ngồi đây và hát cho anh chàng đáng ghét này, coi như việc thay bố mẹ anh ta dạy dỗ anh ta. Hihi.
Sau bốn tiếng chết dí trong thang máy. Anh chàng đã ôm lấy chân tôi ngủ khì ngon lành. Còn tôi, làm sao có thể ngủ được khi có một gã trai ngay bên cạnh, ôm chặt lấy chân… Và nhỡ đâu… ngộ nhỡ….anh ta lại là một tên dê xồm chính hiệu thì sao? Vì thế, việc tôi chẳng hề chợp mắt cũng dễ hiểu…
Cuối cùng thì cửa thang máy cũng được mở. Chỉ khổ mấy bác bảo vệ hì hục cả mấy tiếng đồng hồ để giải thoát cho hai chúng tôi. Mà chính xác là giải thoát tôi, chứ tên ngốc kia, khóc lóc một chút rồi lăn ra ngủ, biết gì nữa mà sợ hãi.
- Ê, đồ ngốc, dậy đi. Tôi lay anh ta dậy.
- Hưm….ưm….
- Dậy mau, thang máy mở được rồi.
-….
- Anh có thể buông tay anh khỏi chân tôi được chứ? Tôi quay ra nói khi anh chàng còn vẫn đang mắt nhắm mắt mở.
- Ồ… Đó là tiếng duy nhất anh ta mở miệng ra. Trên khuôn mặt biểu lộ sự lúng túng, anh chàng khẽ buông tay khỏi chân tôi và đứng dậy đi ra ngoài. Tôi cũng tức tốc ra khỏi cái thang máy chết dẫm này.
- Hai đứa không sao chứ? Bác bảo vệ nhìn hai chúng tôi cười cười.
- Dạ cháu cảm ơn, các bác vất vả rồi ạ.
Tôi bối rối vì cái thái độ của mấy ông bảo vệ và nhân viên sửa chữa. Có thể, họ nghĩ tôi và anh chàng này là tình nhân. Hừ, nghĩ gì mặc xác họ. Giờ đã là 3h sáng và tôi…cực kì buồn ngủ. Cả ngày hôm nay thi thố vật lộn với 6 trang giấy và hai tên đáng ghét này. Giờ thì tôi đâu còn sức để mà xem họ nghĩ gì về tôi nữa đâu cơ chứ.
- Này cô kia! Anh ta gọi giật giọng khi tôi định quay đi vào thang máy ở cửa khác.
- Anh có chuyện gì? Tôi hất hàm.
- Tôi…
- Tôi mệt lắm, chào nhé! Tôi chả kịp để anh ta nói thêm câu gì rồi bấm thang máy đi lên. 3h đêm rồi còn chuyện với trò gì được nữa. Xin lỗi nhé, cưng ngốc! Tôi nghĩ vậy rồi bấm cửa thang máy tầng 10.
Sáng sớm hôm sau, mặc dù cơn buồn ngủ vẫn còn nhưng tôi vẫn phải cố kiết lê xác đến địa điểm thi hôm trước xin lại túi xách của mình. Cũng may là mọi thứ vẫn còn nguyện vẹn, điện thoại của tôi sau khi có lẽ bố mẹ, chị gái gọi điện thoại về nhiều quá đã bị sập nguồn. Tôi mượn máy và gọi cho họ, kể qua qua chuyện đã xảy ra cho họ an tâm.
* * *
Kỳ thi đại học lớn lao nhất cuộc đời tôi đã trải qua. Và giờ, giống như bao kẻ khác, tôi ngồi mốc ở nhà đợi giấy báo điểm hồi hộp mình được xướng tên trong danh sách những kẻ đỗ đạt để có thể phổng mũi tự hào với bố mẹ và bạn bè.