Sau khi Minh trở về nhà, Linh cũng không liên lạc được với anh nữa. Cô có gọi cho Đại một lần và được biết Minh bị bố cấm túc ở nhà, thu hết chìa khóa xe, giấy tờ cũng như các phương tiện liên lạc. Cô thở phào khi thấy Minh khỏe. Đó cũng là lần gần đây nhất Linh nói chuyện với Đại. Anh vẫn thế, hời hợt, thờ ơ, dường như giữa anh và cô chưa từng có một cái ôm hôn nào như đêm hôm ấy. Có lẽ là anh đã quên hẳn rồi.
Mãi mãi, cô sẽ chỉ có thể đứng ở một góc thật khuất, thật xa để nhìn theo anh mà thôi.
Chiều xuân. Nắng ấm áp làm cho đường phố Hà Nội vốn đã náo nhiệt trở lại sau dịp Tết Nguyên Đán lại càng đông vui hơn. Linh đi bộ vào trong một ngõ lớn vô cùng yên tĩnh, cuối cùng dừng lại ở trước một cái cổng gỗ cao chăng đầy dây leo. Giữa những ngôi nhà cao tầng, chiếc cổng gỗ sơn màu đỏ gạch càng nổi bật vô cùng, không ai lần đầu đi qua đây mà không liếc nhìn nó ít nhất một lần.
Trên cái cổng ấy có một cái biển gỗ màu nâu, trên viết bốn chữ uốn lượn kiêu kì: “Ẩm Thực Đạo Quán”. Dưới biển gỗ này, ở hai bên cổng treo hai chiếc đèn lồng tròn màu vàng. Nơi này từng là nơi rất quen thuộc với Linh nhưng cô vẫn dừng lại tần ngần ngắm nhìn cái biển đó, vẻ mặt không thể che dấu đi được những rung động mãnh liệt.
Cuối cùng cô cũng có thể quay lại nơi này!
Linh cứ đứng như thế cho tới khi nghe thấy tiếng cười của hai cô gái mang tạp dề màu trắng đang đi ngang. Những người mang tạp dề trắng là học viên của Đạo Quán này, nói cách khác, họ tới đây để học nấu ăn. Ngoài ra, những người hướng dẫn sẽ được mang tạp dề màu xanh, danh hiệu của họ ở đây là Đạo sư.
Ở Hà Nội có rất nhiều những câu lạc bộ đầu bếp, mà trong số đó, Ẩm Thực Đạo Quán chính là nơi được ít người biết rằng, vô số những đầu bếp tài năng đã trưởng thành từ đây. Người đứng đầu Đạo Quán này lại không cho phép học viên sau khi rời nơi này đi khoe khoang về nơi mà họ đã từng theo học. Ông quan điểm, Đạo Quán không phải trường đào tạo nấu ăn mà chỉ là nơi dành cho những người thực sự yêu công việc nấu bếp, yêu bếp, yêu thưởng thức vẻ đẹp của ẩm thực.
Ông từng là một người rất nổi tiếng với danh hiệu Ngân Thủ Vương - ông vua có bàn tay bạc trong nghề nấu nướng, chỉ đứng sau một người duy nhất. Sau khi người bạn thân của ông mất đi, ông cũng quyết định giải nghệ, về mở Đạo Quán này. Người bạn đã mất kia, Kim Thủ Vương nức tiếng ở Hà Thành thời bấy giờ, chính là bố đẻ của Linh. Vì vậy, Ngân Thủ Vương Trần Nguyên Cương luôn coi hai chị em Nhật Lệ, Nhật Linh như báu vật của riêng ông. Với ông, Linh chính là đồ đệ tâm đắc nhất. Ông không hối tiếc công sức truyền thụ cho cô tinh hoa một đời làm bếp của mình. Ông cũng dự định sẽ trao lại cho cô chiếc tạp dề màu vàng làm bằng tơ lụa, thêu kim tuyến óng ánh, vốn là thứ mà người anh em kết nghĩa với ông, bố đẻ của Nhật Linh đã nhận được từ những người Pháp tổ chức ra cuộc thi này, sau khi dành lấy danh hiệu cao quý nhất - Bàn Tay Vàng. Sau khi giải nghệ do bị bệnh, không thể vào bếp được nữa, Kim Thủ Vương Đặng Huy Lâm đã tặng lại nó cho ông, giống như thừa nhận từ nay ông chính là Kim Thủ Vương mới. Chiếc tạp dề ấy được ví như quyền trượng của Vua Đầu Bếp trứ danh một thời, nó vẫn cứ vàng óng ả, mềm mượt, cũng giống như tình yêu của ông dành cho ẩm thực chưa bao giờ phai nhạt.
Ông từng giải thích với Linh về chữ “Đạo” trong cái tên “Ẩm Thực Đạo Quán”. Với ông, nấu bếp cũng như một cuộc đời, cũng có đắng, cay, chua, chát. Ẩm thực cũng có những thứ ăn vào khiến người ta phải rơi nước mắt, đôi khi sống mũi cay cay, đôi khi phải ửng hồng hai má. Cuộc đời cũng như nấu một nồi canh, nếu cho gia vị quá tay, đun quá lửa, thì nồi canh sẽ chỉ còn là thứ ăn vào để no, ăn vào để tồn tại, thậm chí chẳng thể nuốt trôi. Ngoài cuộc sống, nếu con người không biết vừa đủ và bằng lòng với chính cuộc sống của mình, nếu quá tham lam thì họ sẽ biến đời mình thành một nồi canh chỉ đáng đổ đi.
Học nấu bếp cũng là học đạo làm người. Học làm sao để có thể kiên nhẫn khi cuộc sống quá nhiều thứ phức tạp, cũng như một món ăn cần phải chế biến qua nhiều công đoạn thôi là món ăn sẽ chẳng còn được như ý nữa. Học cách chấp nhận cuộc sống của bản thân dù nó nghiệt ngã cỡ nào, cũng như chấp nhận một sự thực rằng giả cầy sẽ không thực sự là giả cầy nếu không có mắm tôm, nấu canh cải thì phải cho gừng, canh cá phải có rau thì là…
Những bài học làm người ấy chính là những gì quý báu nhất mà Linh nhận được từ vị sư phụ đáng kính của mình.
Lúc Linh còn đang ngẩn ngơ đứng nhìn thì một bóng người đã xuất hiện trước dãy nhà đầu tiên, vốn là nơi tiếp khách của Đạo Quán. Người đàn ông giản dị trong bộ quần áo vải màu trắng xám, mái tóc điểm bạc, gương mặt già nua đi thêm mấy chục tuổi so với lần cuối cùng cô gặp ông cách đây hơn bốn năm.