Em lắng nghe rất chăm chú, trong khi lòng anh như đang có lửa đốt. Xe điện sắp tới rồi. Và xe điện tới thật.
"À..." anh nói. "Tớ đến Ekinoda xong rồi mới về. Tớ sẽ đợi chuyến sau."
Xe điện của em tới.
"Ồ..." em nói. "Chuyến sau vẫn kịp."
Em phải về ký túc trước sáu giờ. (Giờ giới nghiêm của trường nữ là sáu giờ tối! Thế này thì anh làm sao rủ em đi xem pháo hoa được.)
Chúng mình có thêm được bảy phút, nhưng bảy phút đó cũng trôi vèo trong nháy mắt. Giả sử có thêm ba mươi ngày nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì. Quyết định luôn rơi vào những giây cuối cùng.
Xe điện của em tới, cửa xe mở, hành khách bắt đầu bước lên. Em đi theo sau họ. Em ngoảnh lại mỉm cười với anh. Mãi tới lúc đó anh mới thốt lên.
"Lần tới bọn mình gặp nhau nhé?"
Còi tàu vang lên, em nói:
"Tớ phải quay về ký túc xá rồi."
Em hét lên thật to để át tiếng còi tàu:
"Tớ sẽ viết thư cho cậu."
Cửa xe điện đóng lại.
"À, thế hả?"
Anh nói với con tàu đang chuẩn bị rời ga.
Nhưng không sao, đây chưa phải là hồi kết. Mở đầu và kết thúc chỉ khác nhau như cửa vào và cửa ra. Có cửa vào nghĩa là có thứ gì đó ở bên trong. Thứ đó hẳn sẽ rất tuyệt vời
Khi ấy, anh đã nghĩ như vậy.
Một tuần sau, thư của em đến. Anh viết thư trả lời em ngay ngày hôm sau. Khoảng một tuần sau nữa lại có thư của em. Lần này, anh để cách ba ngày mới viết cho em.
Đấy là nhịp độ tiến tới của chúng ta.
Những người cuồng nhiệt nhìn chúng ta hẳn sẽ thất vọng lắm, nhưng đó là mức độ vừa phải với cả hai. Tình yêu giữa hai con người nghiêm túc, chậm dậy thì tiến triển một cách lặng lẽ, chậm rãi và khiêm tốn. Trong thời buổi hỗn độn này, đây quả là một việc xa xỉ.
Ký túc xá của em ở Setagaya có đúng một chiếc điện thoại. Cổng ký túc cũng có bốt điện thoại công cộng nhưng bọn em không được phép ra ngoài sau giờ giới nghiêm. Thời ấy, điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ, như giả sử có phổ biến thì chưa chắc chúng mình đã dùng.
Chúng mình không thích điện thoại.
Điện thoại là thứ vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Chúng kết nối chúng ta với những người vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Đó là nhân viên tiếp thị, người vận động bầu cử, hoặc một người bạn chẳng mấy thân thiết gọi điện nhờ điểm danh hộ. Điện thoại và mấy người đó có mức độ tương thích rất cao.
Đến cả câu nói đầu tiên phát qua điện thoại cũng thuộc loại kênh kiệu.
"Watson, đến đây ngay!" (Tất nhiên, đây là cân nói của Graham Bell.)
Câu nói đã ám chỉ đến tính cách của điện thoại sau này.
Tóm lại, chúng mình thích liên lạc với nhau qua thư hơn là điện thoại.
Chữ em đẹp ghê. Nét chữ của một học sinh xuất sắc, xinh xắn, mảnh mai với phần đuôi chữ hơi run run làm anh liên tưởng tới giọng nói của em.
Việc này khiến anh hơi xấu hổ. Vì chữ anh xấu đến mức khó tin.
Cho anh thanh minh một chút là việc này bắt nguồn từ suy nghĩ bảo thủ của bố mẹ. Hồi nhỏ, anh bị bố mẹ bắt sửa thói quen thuận tay trái. Vì tin vào một cái thống kê vớ vẩn nào đó rằng ai thuận tay trái sẽ chết sớm nên bố mẹ anh đã dùng dây trói tay trái của anh lại. Chẳng còn cách nào khác, anh đành phải dùng tay phải vốn đã vụng về để cầm đũa, ném bóng, viết chữ... Cánh tay trái sau thời gian bị cấm đoán trở nên rụt rè hơn, không nhanh nhẹn như trước nữa. Giờ thì anh viết tay nào cũng xấu như nhau.
Hình như em vẫn giữ thư của anh đấy nhưng anh không muốn em đọc lại đâu.
"Thư của em còn ở đây chứ?" Mio hỏi.
"Còn. Sau khi cưới, anh có mang theo."
"Em muốn đọc lại. Không biết trong thư viết gì."
"Mấy chuyện thường nhật thôi, việc luyện tập ở câu lạc bộ, ước mơ sau này."
"Ước mơ sau này?"
"Ừ."
"Tốt nghiệp xong em có đi làm đúng không?"
"Ừ. Em học cao đẳng nên hai mươi tuổi em đã đi làm mà."
"Em chọn nghề gì ? Đúng như em mơ ước không?"
"Có. Em đã chọn đúng nghề em mơ ước."
"Nghề gì ? Em rất muốn biết. Kể cho em đi."
"Em.." tôi nói. "Em trở thành giáo viên dạy nhảy tại câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ."
"Dạy nhảy?"
"Ừ. Nhảy Aerobic."
"Em?"
"Ừ, em."
"Không thể tin nổi."
"Công nhận."
Nhưng.., tôi nói.
"Em học thể dục nhịp điệu cả cấp III và cao đẳng nên việc này không có gì là xa vời cả."
"À, vâng. Em tập thể dục nhịp điệu mà."