"Anh đỡ rồi."
Tôi nói với Mio, lúc này vẫn nắm chặt tay tôi.
"Thật không?"
"Thật."
Tôi mở bàn tay ra, sau đó nắm lại.
"Em nhìn này!" tôi nói. "Tay anh cử động được rồi."
Lòng bàn tay tôi vẫn còn vết hằn của móng tay. Nếu lúc trước Mio không cắt móng tay cho tôi, hẳn chỗ này đã có thương tích.
"Chà!" Mio thở dài.
"Tốt rồi..."
"Xin lỗi em," tôi nói.
"Anh làm em lo quá phải không."
Nàng gật đầu, mỉm cười như trút được gánh nặng.
"Cứ thế này thì em tổn thọ lắm."
Sau này tôi mới biết, đó là câu nói châm biếm của nàng.
Hỏi han tình hình xong, bác sĩ lấy máu và kiểm tra xem tôi có bị dị ứng gì không. Kết quả kiểm tra không thấy có vấn đề gì. Bác sĩ nhìn tôi như nhìn một kẻ giả vờ ốm. Tôi đã quen với kiểu nhìn này. Tuy nhiên, đúng là tôi bị sốt thật nên tôi vẫn phải truyền nước Ringer(1) xong mới đợc phép về nhà.
1.Một loại nước muối được đặt tên theo nhà bác học người Anh S.Ringer -75 – người sáng chế ra loại nước muối này.
Lúc về, chúng tôi đi bằng taxi nhưng chẳng vấn đề gì. Hình như chất hóa học đã cạn hết nguồn hàng.
Về đến nhà, tôi phải chườm đá. Đây là chỉ định của bác sĩ.
"Chồng có lạnh không?" Mio hỏi.
"Anh không," tôi trả lời. "Rất dễ chịu. Giống như người băng trên núi Alps."
"Gì cơ? Người băng?"
"Đó là tên được đặt cho người đàn ông ngủ suốt nghìn năm dưới sông băng."
"Chắc ông ấy mơ thấy nhiều thứ lắm."
"Hẳn rồi."
Mio lấy sữa chua trong tủ lạnh ra, rưới mật ong lên rồi đặt bên cạnh gối tôi.
"Chồng ăn nhé?"
"Ừ. Anh sẽ thử."
Nàng đưa thìa sưa chua lên tận miệng tôi. Tôi nghiêng cổ, đưa miệng đón lấy thìa sữa.
Một cảm giác mát lạnh rất dễ chịu. Mùi mật ong êm dịu phảng phất trwosc múi.
"Chồng bị thế này bao giờ chưa?" Mio hỏi.
"Mấy lần rồi," tôi trả lời.
"Đây là lần thứ ba phải viện đến xe cấp cứu."
"Hai lần trước em cũng đi cùng chồng à?"
"Ừ. Đúng vậy. Lần trước em cũng gọi xe cấp cứu cho anh. Hình như cả hai lần đều vào ban đêm."
Nàng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, tay vẫn cầm thìa sữa chua. Từ góc nhìn này, thật khó có thể đọc được suy nghĩ của nàng. Tôi chỉ có thể cảm nhận được tâm trạng nàng đang rất xáo trộn qua chiếc thìa đang rung rung trên tay nàng.
Nàng là một người thực tế nên tôi đoán nỗi lo của nàng cũng thực tế.
Nàng hỏi tôi bằng thứ giọng cao, mỏng, khẽ rung ở cuối như mọi khi:
"Nếu em không ở đây nữa, ai sẽ đưa chồng đến bệnh viện?"
Âm điệu trong giọng của nàng nghe rất thờ ơ, đến nỗi chỉ cần lơ đãng một chút là sẽ bị nghe sót. Đó là âm điệu của mấy thứ đồ giặt đang lo không biết làm sao cho khô.
"Gì cơ?" tôi nói.
Hình như nàng vừa hỏi điều gì rất quan trọng. Nàng nhìn tôi rồi khẽ mỉm cười. Một nụ cười vô cùng hiền hậu.
"Em lo cho chồng."
Nàng tiếp tục đút sữa chua cho tôi. Tôi ngậm chiếc thìa trong miệng, cảm nhận hương vị của sữa chua. Tôi hỏi nàng.
"Em vừa bảo nếu em không ở đây nữa?"
Nàng nghiêng đầu trêu tôi. Nàng mở to mắt, như thể muốn hỏi: Anh nói gì cơ?
"Em vừa nói vậy đúng không?"
"Vâng," nàng trả lời. "Khi nào mùa mưa kết thúc."
Nghe câu này của nàng, tôi chột dạ.
"Em nhớ lại rồi à?"
Nhưng nàng chỉ lắc đầu.
"Em vẫn chưa nhớ được. Dù rất muốn."
"Vậy thì."
"Em đọc rồi. Tiểu thuyết chồng viết."
Tình cờ em tìm được, nàng nói.
"Lúc em dọn tủ, hộp đựng giày bị rơi, em tìm thấy trong đó."
Tôi gật đầu.
Tôi giấu mọi thứ trong hộp đựng giày đó. Cuốn vở dùng để viết tiểu thuyết. Những giấy tờ phải giấu nàng. Giấy tờ có dính líu đến việc nàng không còn sống như hóa đơn viện phí, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong nghĩa trang.
Lẽ ra tôi phải cất mấy thứ đó vào chỗ kín đáo hơn, nhưng với căn hộ chật chội thế này thì chẳng có chỗ nào gọi là tuyệt đối cả.
"Em tìm thấy khi nào?" tôi hỏi.
"Khoảng một tuần trước."
"Anh xin lỗi vì không nhận ra."
"Không. Em cũng không định nói với chồng. Chồng cứ coi như không biết nhé."
"Ừ."
"Nhưng em thấy mình cần sắp xếp mọi việc chu đáo trước khi đi."