Phạm Triết Lạc ném tập tài liệu: “Sai tất! Loại!”.
Thần Quang nhìn Tiểu Đa, cô đánh giá: “Thần Quang đều trả lời đúng, không sai câu nào! Em mới thay đổi khẩu vị!”.
Việc Phạm Tiểu Đa trở giáo lúc vào trận khiến Phạm Triết Lạc không còn gì để nói. Cậu trừng mắt nhìn hai người, lại hỏi: “Vậy, Phạm Tiểu Đa thích người anh nào nhất?”.
Thần Quang cười ha hả: “Tất nhiên là anh Sáu rồi”.
Phạm Triết Lạc nghĩ một lúc rồi cũng cười theo: “Thần Quang này, coi như cửa ải này của tôi đã qua. Tôi nghĩ, nếu cậu thật lòng với Tiểu Đa, tôi sẽ không phản đối”.
Thần Quang nghe thế trong lòng rất vui: “Em sẽ đối xử tốt với Tiểu Đa, em đã nhận lời chị gái đi làm và sẽ sống bằng chính sức của mình”.
Phạm Tiết Lạc nghe thế cũng rất vui: “Đúng thế, gia đình có tiền là chuyện của gia đình, nếu gia đình mà đổ thì cậu không thể đứng yên được. Đây là việc rất tốt”.
Nhận được sự khẳng định của Phạm Triết Lạc, Thần Quang càng thấy vui hơn: “Vậy em đón Tiểu Đa về sống cùng có được không?”.
“Không được!” Cả hai anh em nhà họ Phạm đồng thanh phản đối.
Phạm Triết Lạc nói: “Gia đình tôi tương đối bảo thủ, chuyện này không được”.
Tiểu Đa nói: “Em đã sống ở nhà quen rồi”.
Thần Quang đành phải thỏa hiệp một lần nữa. Qua khỏi cửa ải của Phạm Triết Lạc, anh cảm thấy đúng là “khổ tận cam lai”. Cơn tức giận vì tối qua phải bơi dưới biển không còn nữa. Như thế nhằm nhò gì?
Khi gần ra khỏi cửa, Phạm Triết Lạc vỗ vai anh: “Thần Quang, tôi tặng cậu câu này: Thiên tương giáng đại nhiệm vu tư nhân dã[1]. Phần sau của câu này cậu đã biết, không cần tôi phải nói nhiều. Tôi có thể kéo dài thêm vài ngày, nhưng thành phố A lớn như thế này, không có bức tường nào không có tai. Cậu phải chuẩn bị cho cẩn thận”.
[1] Câu này có xuất xứ từ chương Cáo Tử (Hạ) trong sách Mạnh Tử. Nghĩa là: Ông Trời sắp giao trách nhiệm to lớn lên vai người này.
Thần Quang nghe mà không hiểu, miệng vâng dạ rồi ra về. Ngày mai hy vọng rằng Vũ Văn Thần Hy sẽ không giao cho anh nhiều việc như vậy nữa, vì anh phải sớm đón Tiểu Đa về.
Chương 26:
Vũ Văn Thần Quang sáng sớm tinh mơ đã tới công ty đi làm.
Phạm Triết Lạc cười tít mắt nói rằng anh đã qua được cửa ải, Thần Quang nghĩ, việc mà anh phải làm tiếp sau đây là làm quen với nghiệp vụ của công ty, sau đó cưới Tiểu Đa, và sinh hai đứa con.
Trước đây suy nghĩ của Thần Quang hoàn toàn không như vậy. Anh không thích đi làm, không thích cuộc sống có quy luật. Gia đình có điều kiện, nên anh không hiểu vì sao cần kiếm tiền. Có người nói, nhiều tiền rồi thì không kiếm tiền nữa, mà là tìm cảm giác thành công, làm việc để thỏa mãn điều đó, kẻo không sẽ thấy vô cùng trống rỗng. Bố của Thần Quang đã nói với anh về câu nói nổi tiếng của Paven[1]: Cuộc đời con người đã trải qua như vậy, khi bạn quay đầu để nhớ lại quá khứ, sẽ không phải hối hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, và cũng không hổ thẹn vì nó quá đỗi tầm thường.
[1] Paven: Nhân vật trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy!.
Thần Quang cười hì hì, đáp lại: “Tago nói, cuộc sống rực rỡ như hoa mùa xuân, cái chết đẹp lặng lẽ như lá mùa thu. Chỉ cần con sống vui vẻ là được, con sẽ giúp bố tiêu hết số tiền mà bố kiếm được, để bố cảm thấy ý nghĩ của việc kiếm tiền”.
Vũ Văn Thiên nghĩ một hồi lâu, cảm thấy câu nói đó của Thần Quang cũng không sai, ông kiếm tiền là để cho con cái được sống đầy đủ, kiếm tiền mà không có người tiêu thì còn ý nghĩa gì nữa? Chính vì vậy mà Thần Quang đã tự do trong suốt ba mươi năm.
Thần Quang về nước được một năm, anh vẫn chưa nghĩ ra xem mình nên làm việc gì, sống thế nào. Cả ngày chỉ chơi bời, ăn uống, chơi game và anh nghĩ như thế cũng rất tốt.
Nếu không gặp Tiểu Đa, anh đã dự định sẽ lén đi thăm thú những nơi chưa từng tới, sau đó sẽ vừa làm thêm vừa đi du lịch, đến khi tới nơi mà phong cảnh cảnh đẹp như tranh và bản thân thấy vừa ý sẽ dừng lại định cư ở đó.
Gặp Phạm Tiểu Đa, Thần Quang tự nói với mình, anh đã gặp việc mà anh muốn làm, đó là sống suốt đời với cô, chăm sóc gia đình, nuôi vợ con, anh muốn ổn định cuộc sống, cảm thấy chưa bao giờ quyết tâm như vậy.
Thần Hy nói, ăn của nhà thì tính làm gì? Thần Quang ngẫm nghĩ cũng thấy hơi xấu hổ. Sự xấu hổ ấy không phải với người trong nhà mà là với Tiểu Đa. Anh ăn, dùng mọi thứ của gia đình là điều đương nhiên, anh sống thoải mái thì ông cụ Vũ Văn cũng thấy vui lòng. Đột nhiên, anh hiểu ra cảm giác kiếm tiền để cho con cái được sống đầy đủ của bố mình. Anh muốn kiếm tiền vì Tiểu Đa, vì những đứa con sau này, cảm giác ấy thật tuyệt.
Ba mươi tuổi, Thần Quang đã tìm được mục tiêu trong cuộc sống của mình.
Nhưng, Thần Quang không ngờ, khi anh hạ quyết tâm như vậy thì những khó khăn, thử thách cứ ào đến liên tục.