"Dụ Tịch, ngươi yêu đấy à?"
"Không phải đâu". Tôi cười đáp nhưng trong lòng tôi thầm thêm một câu: "Sau này sẽ".
Cũng có người hỏi Cố Tông Kỳ: "Bạn gái đấy hả? Sao nhìn quen thế nhỉ".
Anh chỉ cười và trả lời rất dứt khoát: "Không phải".
Tôi nhìn anh, lúc đó thấy lòng rất bộn bề, nhưng tôi cũng không thể mong gì anh nói câu "ừ", tôi cần chuẩn bị về tâm lý.
Trong màn hơi mù mịt, giữa những câu chào hỏi thân thiện hay lạnh lùng đó, tôi thấy có ai đó rất thân quen, ánh mắt anh ta cứ nhìn về phía tôi.
Nếp ăn uống của tôi phải nói là rất tốt, chẳng nói câu gì, cứ thế mà và thức ăn.
Cố Tông Kỳ cũng chẳng nói, tôi nhận thấy anh là một người rất cần mẫn, không những trong lĩnh vực công việc hay học thuật, mà đến nói chuyện bình thường cũng không cẩu thả chút nào, tôi đoán rằng những người đã từng du học Nhật Bản thì tính cách phần lớn khá thật.
Nhớ tới bộ phim Code Blue, tôi liền hỏi: "Cố Tông Kỳ, anh nói xem khi bệnh nhân bị tụt huyết áp, sao bác sĩ đấm một cái vào ngực?".
Anh đặt đũa xuống, nhìn tôi chăm chú nói: "Khi bệnh nhân lên cơn đau tim, tim có thể ngừng đập, ngoài việc thực hiện hô hấp nhân tạo thì có thể đấm một cái vào vị trí một phần ba phía dưới xương ngực".
"Xương ngực? Là ở đâu cơ?".
Tôi thấy anh đưa tay ra rồi lại rụt lại luôn, không hiểu là vì nóng hay vì hành động vô tình vừa nãy mà mặt anh anh hơi đỏ, anh quay mặt đi nói: "Dụ Tịch à, em đi mượn một cuốn vể giải phẫu học về rồi anh sẽ nói cho em nghe".
"Thế còn tiêm không khí là sao?"
"Là tiêm không khí vào tĩnh mạch, nếu như lượng không khí tiêm vào ít, phân tán đến các mao mạch trong túi phổi, kết hợp với các huyết sắc tố, hoặc là phân tán dày đặc tới túi phổi sẽ được đẩy ra ngoài thông qua hô hấp, như thế sẽ không bị sao hết. Nhưng nếu lượng không khí bị tiêm vào nhiều và với tốc độ nhanh, mà vì tim đập nên có thể khiến không khí và máu ở tim trộn lẫn với nhau tạo thành lớp bọt lớn, khi tim co bóp làm tắc động mạch phổi dẫn đến đột tử".
Bộ não tôi đang dần tiêu hoá đống kiến thức khó hiểu này, rồi điện thoại của Cố Tông Kỳ reo lên, có bệnh nhân không được ổn định lắm nên họ gọi anh qua kiểm tra.
Vì thế một mình tôi ăn nốt chỗ cơm còn lại, bưng khay cơm đổ vào thùng thu dọn. Có thể là vì mải để ý tránh bị trượt chân, thoáng bên cạnh có bóng ai đó, tay tôi va vào tường, tê rần.
Tôi ngẩng lên nhìn, hoá ra là cô y tá tôi đã gặp bên khoa ngoại, là một người rất kiêu, nói giỏi và làm cũng giỏi, cô ta cười cười xin lỗi, tôi cũng chẳng để ý.
Nhưng đằng sau có người gọi tên tôi, rồi hỏi: "Dụ Tịch, số điện thoại của em vẫn thế chứ?".
Tôi đặt khay cơm xuống, vung tay, nhướn mày nói: "Anh cứ gọi thử vào là biết ngay, hoá ra ba năm trời chẳng gọi lần nào, Đồng Nhược Thiên à, anh đúng là kẻ cạn tình cạn nghĩa".
Tôi biết anh ta vốn độc mồm, chỉ là lòng thấy xấu hổ với tôi nên không thể cố ý xả tức được.
Quả nhiên tôi là người đay nghiến trước, nên anh ta cũng chẳng khách sáo mà đáp trả: "Cố Tông Kỳ là niềm vui mới của em đấy à?".
Hoá ra mọi người tuy không nói mà lòng đều để ý đến điều đó à, ngay cả cái tên khốn Đồng Nhược Thiên cũng biết, tôi thấy cứ lấp liếm mãi thì càng không được nên tôi mói thản nhiên mà vỗ vai anh ta nói: "Chẳng sao hết, cho dù tôi có bao nhiêu niềm vui mới đi chăng nữa thì anh vẫn là mãi là tình cũ của tôi, điều này thì anh nhất định phải tin".
Vẻ mặt của anh ta như bị sét đánh.
Bao nhiêu năm, tôi đã quên mất cách giao tiếp với con trai, đến tư thế khi hôn cũng quên mất rồi, nhưng tôi vẫn còn cái mồm nhanh nhảu này để đối diện với những chuyện không vui trong quá khứ.
Trước mặt Cố Tông Kỳ tôi luôn tỏ ra rất ngốc nghếch, đó là vì tôi thích anh ấy. Còn đối với Đồng Nhược Thiên tôi lại ác mồm như thế là vì tôi đã quên anh ta.
Giây phút đó tôi bắt được ánh nhìn từ mắt anh. Đó là một ánh mắt không quen thuộc, trước giờ tôi chưa bao giờ gặp, nhưng nhận thấy nó rất khác với trước kia, cảm giác anh không bao giờ coi tôi là con ngốc như trước được nữa.
Nhớ lại tôi, một con búp bê nhanh mồm nhanh miệng của ba năm trước, nhưng luôn thua trước cái lưỡi độc địa của Đồng Nhược Thiên.
Có lần nhờ anh ta tới thư viện mượn sách hộ tôi, anh ta lại bảo: "Tự thân vận động thì mới cơm no áo ấm được".
Tôi nghĩ câu nói đó đúng là rất có lý, nhưng trong lòng thấy ghét, nên vẫn "hứ" một tiếng trước khi đi.
Anh ta chẳng thèm ngẩng đầu lên, châm chọc tôi: "Hứ gì mà hứ, chỉ có lợn mới hứ hứ thôi".
Khi ấy tôi đúng là kẻ ngớ ngẩn, đứng trân trân nhìn anh ta, không cãi lại được câu nào. Nếu đổi lại là bây giờ, cái tên khốn đấy mà dám nói với tôi kiểu vậy, nhất định tôi sẽ nói một câu đại khái như thế này: "Tên đáng chết kia, đừng có nói càn, cứ liệu đấy".