- Tổ cha mày, bữa nào qua ăn chực cũng khen cho lắm. - Bà cười cười mắng nhưng lòng thì vui vẻ vô cùng. Lâu lâu có xấp nhỏ qua ăn cơm ké cũng thấy vui; người dân nông thôn tốt bụng thật thà lại nhân hậu, san sẻ với nhau trái cà trái ớt, huống hồ chỉ là bữa cơm cho bọn trẻ con, chẳng ai ích kỷ nắm gạo bao giờ.
Trẻ con ở thôn quê bây giờ đỡ hơn ngày xưa nhiều, nông thôn bây giờ đã phát triển hơn trước, ngày trước chỉ được ăn rau luộc chấm nước mắm đã hạnh phúc lắm rồi. Cũng chẳng gạo trắng nước trong như bây giờ. Nhìn bọn trẻ ăn cơm ngon miệng, bà Hai cũng thấy vui.
- Cứ ăn tự nhiên nha con, không có gì phải ngại, chỉ là món ăn đạm bạc của người miền quê, bà chỉ sợ con ăn không quen. - Bà nhìn Thiên Phong đang ăn từ tốn không như bọn trẻ miệng mồm dính đầy cơm kia cười nói.
- Dạ không đâu bà. Cơm bà nấu ngon lắm ạ, con ăn rất ngon, ngon hơn cả chị Nga nấu. - Thiên Phong ăn món thịt kho tộ vừa miệng lại lạ kia, phải công nhận là rất ngon.
- Anh có ăn được khổ qua không? - Việt Phương quay đầu nhìn Thiên Phong đang ngồi cạnh mình hỏi nhỏ.
Thiên Phong nhìn món canh khổ qua dồi thịt nãy giờ mình chưa ăn nhưng gật đầu.
- Anh ăn cái này đi! - Việt Phương xắn một nửa trái khổ qua dồi, lấy phần thịt trong ruột bỏ vào chén mình, còn phần vỏ bỏ vào chén Thiên Phong. - Người thành phố ăn thịt nhiều nên hay ngán, anh ăn vỏ khổ qua đi, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
Nhìn vào ai cũng nghĩ Việt Phương tốt bụng, lo nghĩ cho Thiên Phong. Nhưng bà nội Việt Phương nghe xong thì gõ đầu cô bé mắng:
- Cha mày, thấy anh khờ thì lừa đảo à? Tốt như vậy thì con ăn nhiều đi, ăn ruột không làm gì.
- Phải đó, mày ăn vỏ đi, đưa cái ruột cho tao, hehe! - Thằng Nam cười nham nhở, nhanh tay đưa đũa gắp mất phần ruột trái khổ qua của Việt Phương đang nằm trong chén bỏ vào miệng cắn ngon lành.
- Thằng quỷ này, sao mày ăn của tao, trả lại mau! - Việt Phương tức giận vì bị cướp phần thịt của mình trừng mắt nhìn thằng Nam mắng.
- Tao ăn hết rồi, làm sao trả? Mày cứ ăn vỏ đi, vỏ tốt mà! - Thằng Nam le lưỡi trêu Việt Phương.
- Tao không ăn, vỏ khổ qua đắng gần chết. - Việt Phương vùng vằng đáp. Sau đó cô bé giật mình xấu hổ nhìn Thiên Phong cười giả lơ nói. - Ăn đi ăn đi!
Cả đám cười phá lên vì lời của Việt Phương, vốn định lừa Thiên Phong ăn hộ mình, nào ngờ lại bị thằng Nam cướp cạn, đã vậy còn giấu đầu hở đuôi như thế. Bọn trẻ cười muốn sặc sụa luôn, Việt Phương bị quê thì mím môi tức giận.
- Anh ăn giúp em vỏ, em cứ ăn ruột đi. - Thiên Phong thấy vậy thì gắp cho cô bé cái ruột bỏ vào chén.
Việt Phương nhìn Thiên Phong cảm kích, liền ăn phần ruột của mình trước khi bị cướp cạn nữa.
Thiên Phong tuy ăn không nhiều như bọn trẻ nhưng cậu cảm thấy bữa cơm này rất ngon, vui vẻ, ấm áp đầy tiếng cười. Cậu nhóc vô cùng thích, so với bữa cơm một mình trong căn nhà rộng, cậu thấy bữa cơm nhỏ ở đây vậy mà vui hơn rất nhiều. Cuộc sống ở đây, cậu rất thích.
Cơm nước say sưa, bọn trẻ ngồi xếp bằng trên mấy cái ghế đẩu bằng tre nhỏ lắng nghe ông nội Việt Phương kể chuyện thời xưa, cái thời mà tụi Tây vào đây ức hiếp dân làng.
Ông nội Việt Phương tay cầm cái quạt mo phe phẩy, vuốt ve cái chòm râu đã quắn nhặng xị của mình và bạc phơ bạc phếch đưa mắt nhìn ra bên ngoài tối đen như nhớ lại những khoảng thời gian người dân khốn khổ.
- Hồi đó bọn chúng ác lắm, hễ ghi ai liền bắt bớ ngay. Chúng đem đi tra khảo đánh đập rất dã man. Ông Tư bây, tức ông nội thằng Hiển cũng đi lính cùng thời với ông chẳng may bị chúng bắt được, ông Tư bây bị chúng tra tấn rất dã man... chúng còn thẻo từng miếng thịt của ổng ra để làm ổng đau đớn chịu không nổi mà khai ra. Nhưng ông Tư bây gan lớn lắm, đau thế nào ổng cũng không khai. Cuối cùng tụi Tây cũng chịu thua đành phải đày ổng ra đảo nhốt gần một năm trời mới chịu thả.
- Ghê quá, tội nghiệp ông nội mày quá Hiển! - Con Thắm rưng rưng nước mắt khi nghe kể.
- Ông nội mày giỏi ghê! - Việt Phương nhìn thằng Hiển ngưỡng mộ.
- Chứ sao, ông nội tao mà. - Thằng Hiển ưỡn ngực tự hào.
- Tụi bây im lặng để ông Hai kể tiếp coi! - Thằng Nam lên tiếng mắng.
- Năm đó, ông được giao nhiệm vụ trông coi gạo, chẳng may chỗ trốn bị phục kích, mọi người ai cũng lo chạy tháo thân. Ông và ông Bảy Mắn, hai người liều mình ở lại chôn số gạo xuống đất. Phải biết hồi đó bộ đội mình đi cách mạng cực khổ lắm, bữa đói bữa no; có được một bao gạo trắng là mừng biết bao nhiêu, cho nên ráng chôn gạo để sau này còn có mà dùng.
- Ông nội, có phải hồi đó bà nội chuyên gánh gạo nuôi bộ đội không hả nội? - Việt Phương bỗng lên tiếng hỏi.
- Ừ, hồi đó ông đi suốt, hiếm khi về nhà, một tay bà nội con nuôi cha mẹ chồng với con cái. Bà nội con giỏi lắm, cái gì cũng bán hết, từ giỏ chạc... đến bán gạo. Cứ bán chín thì chừa một đặng đêm tối gánh đưa cho các chú bộ đội ẩn nấp.