"Chơi thì chị sẽ biết là, bộ dạng này của chị người ta gọi là "vật sủng"! Thú cưng ấy chị hiểu không?" Nó nhỏ giọng nói "Thú cưng của người ta còn có thể giúp chủ nhân kiếm được thứ gì đó, còn chị ấy à..."
Tôi: "..."
Khương Nhuệ ném tờ lịch trình vào tay tôi: "Này, chị xem đi thích chỗ nào thì chúng ta ở đó chơi hai ngày. Nhưng mà hành trình phải thay đổi một chút, chị thu xếp đi."
Thằng em họ này của tôi, bề ngoài tuy luôn tỏ ra bất cần, nhưng thực ra lại vô cùng chu đáo cẩn thận. Nó rõ ràng muốn tìm việc cho tôi làm, để tôi không có thì giờ suy nghĩ vẩn vơ.
Tôi làm thế nào có thể nói cho nó biết là không cần nó lo lắng cho tôi đây? Tôi vẫy tay gọi nó, bảo với nó muốn tới nông trại hoa oải hương.
"Khương Nhuệ, tới đấy chơi rất được."
Khương Nhuệ thở dài: "Không biết từ đầu là ai không tình nguyện đây?"
"Rất vui."
"Thật không?"
Tôi cười nhìn nó. Chúng tôi ngồi bên nhau một lúc, cả một màu tím bạt ngàn thu gọn vào trong tầm mắt tôi. Tôi đưa tờ lịch trình cho Khương Nhuệ: "Nghe nói còn có nơi trồng rất nhiều hoa hướng dương, sao không biết nhỉ, đi thôi, tới địa điểm tiếp theo, xuất phát!"
Đi chơi như vậy cũng thật tốt. Ít nhất thì tôi có thể hiểu được rằng, dù phong cảnh rất đẹp, nhưng rồi cũng phải nói lời từ biệt, vì chúng không thuộc về mình.
Cứ như vậy, tôi và Khương Nhuệ dọc đường đùa giỡn nói cười vui vẻ. Tháng tám, chúng tôi tới Đức, bỗng nhận được cuộc gọi bất ngờ từ bố tôi.
Di động của tôi không kết nối được trên toàn cầu, cho nên bố tôi gọi vào số của Khương Nhuệ. Bố nói vừa tới Đức khảo sát hạng mục cho nên muốn hai chúng tôi qua ăn cơm cùng.
Trong một nhà hàng bình dân ở Đức, tôi gặp lại người bố đã lâu chưa thấy mặt. Bố vẫn nhiệt tình như trước, vẫn là môt người đàn ông anh tuấn, còn mẹ tôi diện mạo vào bậc thường. Tôi còn nhớ hồi nhỏ bố thường ôm hai mẹ con tôi và trêu: "May mà con gái không giống em, nếu không sau này không biết gả cho ai được.
Mẹ liền tức giận. Nhưng mà mỗi lần đưa tôi đi gặp bạn bè mẹ đều tự hào mà nói rằng: "Hi Quang nhà chúng tôi may mà không giống tôi, hoàn toàn giống bố nó, người nhà họ Nhiếp trai gái đều đẹp cả."
Giọng nói của mẹ luôn tràn ngập niềm hạnh phúc và hãnh diện.
Bố mẹ tôi trước khi có sự xuất hiện của một người phụ nữ khác, tình cảm vẫn rất tốt.
Chúng tôi ngồi ăn một vài món, vừa ăn vừa nói chuyện câu được câu chăng. Nội dung cuộc nói chuyện khô khan như chiếc bánh mì trên bàn ăn. Ăn xong, bố khen Khương Nhuệ vài câu, rồi nhìn tôi. Khương Nhuệ xưa nay vẫn luôn biết quan sát sắc mặt người khác mà nói chuyện, nó đứng dậy nói: "Đường phố náo nhiệt quá, chị, em đi mua ít đồ chơi, hai người cứ ăn đi nhé."
Chỉ còn lại tôi và bố đối diện. Một lúc không ai lên tiếng bố mới hỏi: "Mẹ con dạo này thế nào?"
"Rất tốt ạ." Tôi thờ ơ nói, "Nghe mẹ nuôi nói còn có người theo đuổi mẹ tới cửa. Giá thị trường so với con đều rất tốt. Bố, không chừng mẹ tái hôn sớm hơn bố đấy."
"Con nói bậy bạ gì thế!" Bố lập tức nghiêm mặt, "Bố nói rồi, bố sẽ không tái hôn. Người bạn cũ mấy chục tuổi rồi sức khỏe không tốt, bố chăm sóc một chút chẳng lẽ không được ư? Bố với người ta hoàn toàn thanh bạch, chính là mẹ con suy nghĩ linh tinh, trong mắt không chịu được một hạt bụi."
Đúng vậy đúng vậy, cũng chỉ là một người bạn cũ, cũng chỉ là chăm sóc một chút...
Tôi cười nhạt trong lòng. "Người bạn cũ" trong lời nói của bố chính là mối tình đầu của bố, là người đã bỏ bố mà đi vì chê Nhiếp gia nghèo khó, là người có hộ khẩu nông thôn vừa xoay người đi lấy chồng một cái trở thành người thành thị. Cuối cùng, vật đổi sao dời, hai mươi năm sau, chồng của bà ấy thất nghiệp lại không may qua đời. Bà ta chịu không nổi nữa, bảy bảy bốn chín ngày của chồng còn chưa qua, bà ta đã đổ bệnh lăn ra ngất xỉu trước mặt Nhiếp Trình Viễn tiên sinh – đang trong đà phất lên như diều gặp gió. Nhiếp tiên sinh đương nhiên động lòng, thương hoa tiếc ngọc, đưa bà ta về biệt thự, lại còn mời bác sĩ tới chữa bệnh. Thậm chí ngay cả con gái của bà ta cũng nhận làm con nuôi.
Mẹ tôi làm sao chịu được chuyện này? Năm xưa mẹ có thể mặc kệ sự phản đối của gia đình để lấy người làm công nghèo khổ là bố tôi thì hôm nay cũng có thể dứt khoát ly hôn.
Ông bố thân yêu của tôi còn nghĩ mình oan ức ư?
Thật nực cười.
Tôi không buồn tranh cãi với bố nữa. Những gì hai người họ nên nói cũng đều nói trước lúc li hôn rồi, giờ có nói thêm cũng chỉ tự khiến mình tức chết mà thôi. Tôi bưng tách trà lên uống: "Bố chỉ hỏi chuyện này thôi sao? Nếu không còn gì nữa thì con đi trước đây, Khương Nhuệ đang chờ con."