Kôbasi đo huyết áp, nghe phổi cho bệnh nhân. Huyết áp gần như bình thường, thậm chí hơi gấp một chút. Phổi không có tiếng ran nhưng tim thì hình như có tiếng thổi. Kôbasi là bác sĩ phẫu thuật cho nên không dám tin lắm vào những tri thức của mình về nội khoa. Có thể là nhồi máu nhẹ chăng ? Vả chăng xem ra tình trạng giống như kiệt sức nhiều hơn. Giá là ban ngày có thể rỏ ngay, nhưng bây giờ thì không thể kiểm tra toàn diện được.
- Cứ tiếp glucôza cho ông ta đi đã, để tăng cường hoạt động tim mạch.
Kôbasi ghi chỉ định này vào bệnh án.
- Bác sĩ cho nhập viện chứ ?
- Dĩ nhiên. Chẳng lẽ tôi lại cho ông ta về trong một tình trạng như thế này !
- Phòng nào ạ ?
Akikô đưa mắt nhìn ông già đang nằm yên, mắt nhắm nghiền. Trông ông ta chẳng có vẻ sang trọng chút nào.
- Phòng chung còn chỗ không ?
- Hết rồi ạ.
- Còn phòng hạng ba ?
- Cò một phòng bỏ không, nhưng sắp có người vào nằm rồi.
- Thôi được. Tạm thời đưa vào đấy.
- Mức chênh lệch sẽ là một ngàn yên mỗi ngày.
- Tôi biết. Không việc gì phải nhắc tôi những chuyện như vậy. Hãy lo lấy việc mình thì hơn. Đưa ngay về phòng đi.
Akikô cau mày.
Kôbasi quay trở về phòng điều hành, ngồi uống trà một mình. Anh nhìn lên đồng hồ thì thấy đã tám giờ rưỡi.
"Trong cái bệnh viện này lúc nào cũng chỉ nghe nói tiền với tiền... " - Anh bực tức nghĩ thầm. Cứ mỗi lần có bệnh nhân mới đến lại phải xác định xem người ta có thể trả bao nhiêu, rồi sau đó mới chỉ định cho người ta nằm phòng nào.. Nếu lúc nào cũng phải nhớ đến tiền thì làm sao có thể yên tâm mà điều trị bệnh nhân ?... Trong bệnh viện của trường đại học, Kôbasi không phải nghĩ đến những chuyện như vậy. Ở đấy tất cả đều do tình trạng của bệnh nhân quyết định, thêm vào đấy có chăng cũng chỉ là vấn đề còn chỗ hay hết chỗ. Trong một bệnh viện tư thì tình hình khác hẳn. Hình như mọi người ở đây không lo đến sức khỏe của con người bao nhiêu, mà lo nhiều hơn đến số tiền mặt hay giấy bảo hiểm của bệnh nhân.
"Họ ra sức nuông chiều các bệnh nhân phòng thượng hạng và hạng nhất. Còn các bệnh nhân khác thì họ nhổ toẹt vào... "
Kôbasi hết sức phẫn uất về cái tình trạng phân biệt bệnh nhân giàu nghèo trong bệnh viện Oriental. Theo anh nguyên tắc duy nhất đúng là cho các bệnh nhân nặng nằm phòng riêng, còn bệnh nhẹ thì nằm phòng chung. Trong khi đó ở đây tình hình khác hẳn. Trong các phòng thượng hạng và hạng nhất nhiều khi được dành cho những người đau những bệnh hết sức đơn giản, hoặc dành cho những người muốn nghỉ ngơi.
"Không biết những bệnh nhân như thế thì việc gì phải khám với chữa ? "- Kôbasi tự hỏi.
Ông thân sinh của Kôbasi làm việc trong một nhà máy cán thép ở Kamêiđô, gia đình ông sống rất thanh bạch và từ bé đã dạy cho anh quen tiết kiệm, cho nên anh thấy những người ném mỗi ngày mười lăm ngàn yên để mua ái quyền hưởng thụ sự yên tĩnh là những con người thực sự bất bình thường.
- Thật là kỳ quặc ! - Kôbasi lầu bầu thành tiếng rồi uống nốt chén trà nguội.
Anh đã định mở tivi thì có tiếng chuông điện thoại. Máy điện thoại đặt ở cuối phòng.
- Alô ! - Trong ống máy có thể nghe rõ một giọng đàn ông rắn rỏi. - Bệnh viện Oriental phải không ?
- Vâng.
- Tôi cần nói chuyện với bác sĩ trực.
- Tôi nghe đây.
- À, chính tiên sinh đấy à ? Xin lỗi tiên sinh, muộn thế này...
Giọng nói rất thân mật, nhưng không hề gợi một ký ức nào trong trí Kôbasi.
- Đzyunkô Hanađzyô hình như đang nằm ở bệnh viện các ngài phải không ạ ?
Kôbasi đã biết rằng cách đây hai ngày Đzyunkô đã qua một phẫu thuật và bây giờ cô ta lại vào bệnh viện sau một tai biến gì đấy.
- Cô ta bây giờ ra sao ?
- Xin lỗi, ông là thế nào với cô ấy ?
- Tôi tên là Murai. Tôi là chỗ rất thân tình với Hanađzyô. Cho nên tôi rất lo, không biết cô ấy...
- Nói chung là khả quan.
- Bao giờ cô ấy sẽ ra viện ?
- Ít nhất là hai ba ngày nữa.
- Hai ba ngày... - Người đàn ông nhắc lại, ra vẻ tư lự.
- Lần trước cô ấy ra viện sớm quá. Cho nên kết quả mới thế này. May mà không có mệnh hệ nào. Chỉ hơi bị băng huyết.
- Thế à ? Bác sĩ nói là băng huyết à ?
- Tôi không phải là bác sĩ điều trị bệnh nhân này nên không biết chi tiết. Nhưng theo chỗ tôi được nghe thì mọi biệnh pháp cần thiết đã được thi hành.
- Thế thì ca này cũng nghiêm trọng phải không ạ ?
- Những chuyện này không đùa được đâu. Dẫu sao cũng được ba tháng.
- Thế- à- ế- à... ?- Murai dài giọng ra có vẻ kinh ngạc.
- Đây tuyệt nhiên không phải một chuyện không đâu. Phá thai chính là một sự can thiệp thô bạo vào quá trình tự nhiên trong một cơ thể sống.
- Sao ?! Cô ấy... có...
- Một phẫu thuật như thế là một sự báng bổ đối với thiên nhiên, một sự vi phạm đối với những quy luật của nó.
- Ra thế đấy... Vậy thì còn hai ngày nữa ?
- Cô ấy là người giàu có, thành thử tôi cũng khó trả lời câu hỏi của ông - Kôbasi nói qua kẽ răng, giọng khó chịu.