“Đàn ông đều có tình cảm đối với những cô gái trẻ và xinh đẹp.”
“Xì.” Tôi lườm Diệp Chính Thần vẻ coi thường. “Anh tưởng ai cũng háo sắc như anh à? Người ta là quân nhân đấy...”
Diệp Chính Thần sửa lại lần thứ n cho tôi: “Cảnh sát vũ trang.”
“Thì cũng như thế cả”, tôi hạ thấp giọng. “Em cũng không kén chọn, chỉ cần mặc bộ sắc phục màu xanh là được.”
Người ấy không thèm để ý đến tôi nữa mà chú tâm lướt web. Tôi chưa chịu thôi, kéo cổ áo người ấy, nói với vẻ ăn vạ: “Sư huynh, anh có nhiều kinh nghiệm, hãy cho em vài ý kiến đi.”
“Rất xin lỗi, anh chẳng có kinh nghiệm nào về mặt ấy cả.”
“Anh là đàn ông, anh sẽ hiểu suy nghĩ của đàn ông.”
“...” Người ấy vẫn không nhìn tôi.
“Chuyện này quan hệ tới chuyện đại sự cả đời em, em coi anh như anh trai nên mới hỏi ý kiến, anh không thể làm ngơ như thế!”
Người kia bị tôi bám lấy như vậy, chẳng còn cách nào khác, đành ngồi ngay ngắn lại: “Em hãy nói cho anh biết, em thích Ngô Dương ở điểm nào?”
Tôi trả lời, không cần suy nghĩ: “Vì anh ấy mặc quân phục.”
“Có phải người đàn ông nào mặc quân phục em cũng thích không?” Rồi Diệp Chính Thần chỉ vào mình: “Thế còn anh? Nếu anh mặc quân phục, em cũng thích chứ?”
Tôi gật đầu, tưởng tượng cảnh Diệp Chính Thần mặc quân phục, trong lòng chợt thấy râm ran như bị mèo cào: “Vâng, sư huynh, hay là để hôm nào em mượn bộ quân phục của Ngô Dương về, anh mặc cho em xem nhé!”
“Đừng nhìn anh với ánh mắt chỉ biết đến hình thức ấy.”
“Một lần thôi.”
“Không mặc.”
Tôi vẫn không chịu từ bỏ: “Chỉ một lần thôi, buổi tối em sẽ hầm canh cho anh.”
Diệp Chính Thần nghĩ một chút rồi ghé sát vào tai tôi, hơi thở của anh nóng hổi: “Buổi tối em tắm cho anh.”
“Đúng là đồ háo sắc!”
Diệp Chính Thần chỉ vào mình với vẻ vô tội: “Anh mà háo sắc? Anh đâu có đòi em phải mặc quân phục cho anh xem.”
Nói cũng phải. Tôi ghé sát về phía anh, tiếp tục nịnh: “Sư huynh, anh thích bộ trang phục nào, để em cũng mặc cho anh xem.”
Diệp Chính Thần nheo mắt, cười với vẻ ranh mãnh khiến tôi sởn cả da: “Anh thích em mặc bộ blouse màu trắng, trông rất truyền thống... hoặc là em chỉ mặc bộ đồ ngủ, dưới ánh đèn, những thứ cần nhìn thấy đều có thể nhìn thấy...”
Đúng là quá vô duyên!
Tôi tức quá, đưa chân đá, trúng chân của Diệp Chính Thần. Rõ ràng là tôi không dùng sức nhiều nhưng Diệp Chính Thần lại ôm chân kêu đau, trông có vẻ đau hơn cả khi bị thương ở vai.
“Đau lắm à?” Tôi khẽ hỏi. Sự xấu hổ biến mất, chỉ còn nỗi xót thương.
“…” Người ấy tức giận không thèm để ý gì tới tôi.
“Để em xoa cho.”
“Thôi được.” Giọng nói vô cùng mừng rỡ, rồi người ấy gác chân lên đùi tôi. Tôi rất nghi ngờ, không biết anh có đau thật không. Nếu không chạm tới thì không thể biết được cơ bắp ở chân Diệp Chính Thần rất rắn chắc.
Bóp nhẹ cái chân ấy một lúc, tôi hỏi: “Còn đau nữa không?” Diệp Chính Thần không trả lời.
Tôi ngước lên, bắt gặp anh đang nhìn tôi, dường như có ngọn lửa thiêu cháy đang bùng lên trong ánh mắt ấy. Tôi đã bắt gặp ánh mắt ấy một lần, đó là lần đầu tiên tôi mời Diệp Chính Thần ăn lẩu, anh đã nhìn những miếng thịt cuộn lên trong nồi nước dùng sôi sùng sục như vậy.
“Sư huynh, có phải anh đói rồi không?” Tôi hỏi thăm dò.
“Ồ... Đúng là hơi đói.” Người ấy đáp bằng giọng không chút xấu hổ: “Anh muốn ăn thịt.”
“Trong tủ lạnh phòng em còn mấy chiếc chân giò, anh chờ chút, em sẽ luộc cho anh ăn.”
“Anh không thích ăn.”
Tôi vuốt ve đầu anh, dịu dàng dỗ dành: “Ngoan nào, sẽ bổ sung chất đạm để vết thương mau lành.”
Người bị thương luôn kén ăn, tính tình lại cố chấp, giờ lại tỏ ra nghe lời một cách hiếm hoi, đồng ý mà không nói một câu.
Ăn tối xong, tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của Diệp Chính Thần. Chiếc đồng hồ mạ vàng chói mắt hơn cả lần trước, những viên kim cương chạm đầy trên đó.
“Hơn sáu giờ rồi, em phải tới cửa hàng tiện lợi làm thêm đây.”
“Em làm thêm ở cửa hàng tiện lợi à?”
“Vâng, học phí ở Nhật Bản đắt kinh khủng, còn học bổng thì chẳng biết khi nào mới xin được...” Vừa nói tôi vừa thu dọn bát đũa. Tiền cha tôi cho chỉ đủ nộp một năm học phí, tiền học phí nửa năm sau và tiền sinh hoạt phí không biết trông chờ vào đâu.
“Em không có tiền nộp học phí?! Sao không nói sớm?” Thấy Diệp Chính Thần đứng dậy, đi lấy ví tiền, tôi vội nói: “Em có tiền, cái chính là em muốn rèn luyện khả năng nói tiếng Nhật. Lý Khải giới thiệu cho em việc làm cửa hàng tiện lợi, bên kia cây cầu đá, rất gần, mỗi tối làm ba tiếng, không vất vả lắm.”