Chúng tôi tiếp tục chống chọi với cái nắng oi ả của mùa hè bằng cách trốn biệt đi làm cả ngày, tối muộn, khi cái nóng dịu đi cả hai mới chui về phòng trọ nhỏ xíu quen thuộc để ngủ. Anh chàng Ria Mép cũng thế, chúng tôi hay gặp nhau ở sân, vẫn cười khẩy với nhau, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Thi thoảng, anh ta còn bày mấy trò chơi khăm như: giấu cái sào chọc quần áo đi chỗ khác, giả vờ vô tình tạt nước trước cửa phòng tôi hay thỉnh thoảng nửa đêm mở nhạc ầm ầm. Tôi với Sâm Cầm chẳng vừa, có hôm anh ta vừa giặt quần áo, phơi lên dây xong, hai đứa tôi bê nguyên một đống giấy vụn ra đốt ở dưới làm muội than bay lên bám hết vào quần áo của hắn, chưa kể Sâm Cầm thi thoảng đi qua phòng hắn lại lấy hết sức đá vào cửa phòng một cái thật mạnh, hắn mà ra mở cửa thì kiểu gì nó cũng làm bộ mặt sẵn sàng nghênh chiến. Hắn điên tiết với chúng tôi thế nào thì chúng tôi cũng bực bội với hắn thế đó, nói chung, với tình cảnh này thì chẳng bao giờ có hòa bình ở cái khu trọ này đâu.
Chương 2.3
Buổi sáng chủ nhật, đúng vào ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan, Sâm Cầm đắn đo mãi rồi cũng quyết định xách túi về nhà với bố. Nhà nó ở ngay trong thành phố, nhưng mẹ nó đã lấy chồng khác và ra nước ngoài sống, còn bố nó kinh doanh gì chẳng rõ, chỉ biết ông đi suốt ngày, rượu chè cũng suốt ngày. Nhà Sâm Cầm kinh tế dư giả nhưng nó không phụ thuộc vào bố, nó sống tự lập và không bao giờ chấp nhận sự giúp đỡ của bố mình.
Tôi biết, trong thẳm sâu trái tim, Sâm Cầm yêu bố hơn bất kỳ ai, nó chỉ không thể chấp nhận cách kiếm tiền của ông thôi, có lần nó nói với tôi về những đồng tiền không sạch sẽ đó, tôi không biết rõ lắm nhưng cũng lờ mờ nhận ra rằng ông đang làm việc gì đó mờ ám. Tôi gặp bố của Sâm Cầm nhiều lần, ông rất yêu con gái và luôn cảm thấy có lỗi vì không thể mang lại cho Sâm Cầm một gia đình đúng nghĩa. Biết vậy, nên trước ngày lễ Vu Lan tôi đã khuyên Sâm Cầm nên về nhà thăm bố, cả năm chỉ có một ngày để con cái báo hiếu cha mẹ thì tại sao lại không về ?. Sâm Cầm không nói gì, nhưng sáng ra tôi thấy nó xách túi đi sớm, tôi biết là kiểu gì nó cũng loanh quanh một lúc ngoài đường rồi lại về nhà với bố thôi. Nó luôn vậy, và tôi nghĩ, mọi đứa con đều giống vậy, dù cả đời chạy loanh quanh với đủ thứ mộng hão thì cuối cùng, nơi họ muốn trở về nhất vẫn là nơi có bố mẹ mình.
Sâm Cầm vừa đi, tôi cũng chạy ra chợ mua ít hoa quả, vài bông hồng trắng về cắm. Sinh thời, mẹ tôi thích hồng trắng, ngày giỗ chạp hay lễ lạt gì mẹ cũng cắm hoa hồng trắng, giờ nhìn những cánh hồng tinh khiết mong manh đó, tôi nhớ mẹ. Năm năm trôi qua, đôi lúc tôi nghĩ mẹ vẫn còn ở quê, mẹ vẫn đạp xe đi dạy học hàng ngày, vẫn sửa bài cho học sinh và vẫn nấu canh cua chờ tôi về mỗi tối. Ký ức về mẹ chưa bao giờ lụi tắt trong tôi. Tôi là đứa trẻ mồ côi, mồ côi đúng nghĩa, bố mất trong một chuyến đi biển khi tôi vừa tượng hình trong bụng mẹ, chưa bao giờ gặp ông nên tôi không biết gì về ông ngoài những câu chuyện kể từ mẹ và bà nội. Tôi ước mình có thể gặp ông một lần để nói rằng tôi cần ông và nhớ ông thế nào. Đã bao lần, tôi cố hình dung cuộc gặp gỡ của bố mẹ ở bên kia thế giới, và hi vọng rằng họ sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi.
Cuộc sống luôn có những thách thức và mất mát, bạn cần phải kiên cường để đối mặt và lạc quan để tiếp tục tiến về phía trước. Không ai bị lấy mất tất cả, mà kể cả khi bạn không còn gì, hãy nghĩ rằng bạn vẫn còn chính bạn, muốn tồn tại thì phải vươn lên và muốn vươn lên thì phải tự tin. Tôi đã vượt qua những tháng ngày vất vả, cô đơn và thiếu thốn bằng sự ngất ngưởng của chính mình, giờ thì mọi trở ngại với tôi đều trở thành con…muỗi, vì tôi nghĩ mình còn dư dả năng lượng để đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước. Bạn biết đấy, khi bạn đã vượt qua con sóng lớn nhất, hung dữ nhất của cuộc đời thì những đợt sóng tiếp theo dù có nguy hiểm đến đâu cũng khó lòng quật ngã bạn được.
Trong lúc tôi đang miên man ngắm những cánh hồng trắng muốt và nghĩ về cuộc sống của mình thì có tiếng gọi the thé của bà Vịt Bầu “ Trăng Thanh ! Ra đây”. Tôi cun cút chạy ra đã thấy bà Vịt Bầu bày biện đủ mâm, đủ lễ để bắt đầu cúng chúng sinh, ông Châu Chấu đang quét nốt đoạn sân phía trước, tên Ria Mép đứng xun xoe bên cạnh Vịt Bầu. Vừa thấy tôi, Ria Mép đã lên giọng.
“ Nhanh lên, con gái con lứa, lề mề như ngan già vậy ”
Bà Vịt Bầu lé phé kéo tay tôi.
“ Lại đây, đứng sau bà, bà vái thế nào thì vái thế đấy, nhiều người vái thì nhiều lòng thành, để chúng sinh vui mừng, hoan hỉ về hưởng lộc”.
Ôi, dù chẳng hiểu bà Vịt Bầu lôi cái lý thuyết đó ở đâu ra nhưng tôi cứ gật gù rồi đứng ngay ngắn vào hàng cho xong chuyện. Vịt Bầu lại réo ông Châu Chấu, Châu Chấu vứt chổi te tái chạy đến nép sau lưng bà, đúng kiểu “ núp bóng tùng quân” quá.