Từ hồi bà nội đổ bệnh, chú đón bà lên thành phố ở với thím cho tiện chăm sóc, tôi bất đắc dĩ phải đến đây hằng tháng, chủ yếu để thăm bà và góp một ít tiền cho thím. Do chú tôi làm việc ở miền Nam, năm về vài lần nên không hề biết việc thím đối xử với bà như thế nào, chú ấy vẫn tự hào rằng vợ mình là một cô con dâu hiếu thảo với mẹ chồng. Nhiều lần tôi định nói, nhưng nhìn ánh mắt tự hào, tin tưởng của chú dành cho bà ta, tôi không đành lòng.
Nhiều lần đến thăm bà, nghe những lời bóng gió chì chiết của thím dành cho bà mà tôi thấy chua xót vô cùng. Tôi đã thề là sẽ tích lũy tiền bạc, làm việc chăm chỉ để một ngày nào đó đón bà về sống với mình, dù nghèo khổ, hay khó khăn đến mấy, chỉ cần có bà ở bên, tôi tin mình sẽ làm được.
Cứ nhìn thấy tôi là thím đã đưa đẩy ngay việc tôi lâu rồi không đến thăm bà, không chịu gửi thêm quà cáp gì cho bà cả. Biết tính bà ta, tôi không giải thích gì nhiều, nhanh chóng dúi vào tay thím túi cam kèm theo chiếc phong bì chuẩn bị sẵn. Thím liếc cái phong bì rồi đút nó vào túi quần, đi thẳng lên nhà. Tôi cũng chả lấy thế làm buồn, thím tôi vốn là con người ưa vật chất, không có gì khiến bà ta vui bằng có tiền và cũng chả có gì khiến bà ta đau khổ hơn là mất tiền. Thế đấy, trong cuộc sống này, nhiều lúc đồng tiền có thể biến tình máu mủ thành một thứ lạnh lùng, tàn nhẫn và tanh lợm mùi kim tiền như vậy đấy.
Bà vẫn đòi ngồi cạnh cửa sổ để ngắm trăng bất kể là ngày hay đêm, có lẽ trong tiềm thức của mình bà vẫn luôn nhớ đến những đêm trăng dịu dàng ở quê ngày nào. Tôi lau mặt và bóp chân cho bà, kể vài ba câu chuyện vu vơ, thi thoảng bà lại nheo mắt nhìn tôi một cách xa lạ rồi hỏi “Cô là ai?”. Mỗi lần như thế, tôi lại nắm tay bà thật chặt, nhìn sâu vào mắt bà.
“Bà ơi! Cháu là Trăng Thanh đây!”
Bà ngồi gật gù, xoa đầu tôi như ngày còn bé và thì thầm:
“Trăng Thanh! Trăng Thanh! Bà nhớ cháu lắm.”
Tôi úp mặt lên lòng bàn tay bà khóc rưng rức, có rất nhiều điều tôi muốn nói cùng bà, có rất nhiều yêu thương tôi muốn dành cho bà, nhưng làm sao để bà hiểu đây? Khi nước mắt ướt đẫm tay, tôi thấy bà giật mình rụt tay lại, đẩy tôi ra và hỏi một cách vô hồn.
“Cô là ai?”
Tôi nhẹ nhàng lau khô tay bà rồi đáp lại một cách kiên nhẫn “Cháu là Trăng Thanh”, bà gật gật đầu rồi hỏi lại:
“Cơm đâu? Ăn cơm đi.”
Cả ngày hôm ấy, khi thì bà gọi tên tôi, khi bà gọi tên cô giúp việc, chốc chốc lại gọi mẹ tôi. Trí nhớ của bà giờ lộn xộn và rối rắm như một miếng bùi nhùi treo trên xó bếp. Dù bà không còn nhớ nổi khuôn mặt tôi, không nhớ rõ tên tôi, nhưng mỗi khi được nói chuyện cùng bà, được vuốt ve đôi bàn tay nhăn nheo của bà là tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên hơn bao giờ hết.
Trước khi về, tôi thì thầm vào tai bà “Bà ơi, bà chờ cháu nhé, cháu sẽ cố gắng để hai bà cháu mình được sống cùng nhau”. Chẳng biết bà có hiểu những gì tôi nói không mà bà gật đầu mỉm cười với tôi một cách trìu mến. Tôi thơm lên vùng trán nhăn nheo của bà, ôm bà thật lâu trước khi rời khỏi căn phòng ngây ngây mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền ấy.
Tôi xuống bếp, dúi cho chị giúp việc một ít tiền nhờ chị chăm sóc bà. Ở nhà này, ngoài người giúp việc cho bà ăn, tắm rửa cho bà thì không một ai bước vào phòng bà nữa. Chỉ những lúc chú tôi từ xa về, bà thím quý hóa mới đảo qua phòng bà vài phút để chứng minh với chú là mình vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con dâu. Tôi biết, thím sợ chú tôi sẽ cắt ngay khoản “viện trợ” hằng tháng nếu chú biết việc bà ta bỏ mặc bà nội tôi, vì thế, dù khó chịu và tiếc tiền đến mấy thím cũng cắn răng thuê một cô giúp việc để vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc bà cho thím rảnh nợ.
Tôi vừa dắt xe ra cổng, thím đã vội vàng chạy theo kéo tay than nghèo kể khổ như hàng trăm lần trước. Nào là dạo này giá thực phẩm tăng, thuốc tăng và cả lương osin cũng tăng cao, thím khó lòng chi trả nổi, nào là chú mày làm ăn khó khăn nên tiền gửi về cũng vơi đi nhiều lắm... Tôi hiểu ngay ra vấn đề, liền móc ví lấy thêm ít tiền dúi vào tay bà ta.