Tôi nghẹn lời, dẫu biết cái miệng ngoa ngoắt kia chưa bao giờ nói được lời nào tử tế nhưng nghe sao vẫn thấy chua xót trong lòng. Tôi quay xe, nhếch mép với bà ta:
“Vài triệu cũng là tiền của chú tôi làm ra chứ có phải của thím đâu mà thím tiếc!”
“Con này láo, mày có học có hành mà ăn nói với thím thế hả?”
“Tôi chỉ tử tế với những người tử tế thôi. Từ nay thím không phải bỏ tiền ra gửi cho bà tôi đâu, tôi sẽ tự làm việc đó.”
“Ô, thế thì tốt quá! Rảnh nợ!”
Cái câu cảm thán lạnh tanh của bà ta khiến tôi sôi máu, giá mà có thể lao đến, cho người đàn bà luống tuổi ấy một cái tát nhỉ? Nhưng, sức chịu đựng của tôi đã đạt đến một cảnh giới khác, ai đó đã từng nói rằng, tận cùng của sự khinh bỉ là không thèm đếm xỉa đến. Tôi cũng vậy, trước khi nổ máy cho xe chạy, tôi ngoái lại, nói to:
“Tôi sẽ gọi điện cho chú và nói rõ mọi chuyện từ trước đến giờ! Từ nay coi như bà và tôi không còn quan hệ gì nữa.”
Mặt bà ta có vẻ biến sắc khi nghe tôi nhắc đến chú, nhưng tôi chẳng cần quan tâm. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải cho chú biết sự thật để chú thôi huyễn hoặc mình về một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền thảo như bà ấy nữa. Suy cho cùng, chú tôi không thể sống mãi trong sự lừa dối ấy, lúc đầu tôi sợ chú buồn nên không nói, nhưng tôi đã nhầm, đáng lẽ phải cho chú biết sớm hơn, thà thất vọng thật nhiều còn hơn sống trong sự ảo tưởng dối lừa suốt đời.
Tôi vào trại dưỡng lão thăm bà, ở đây không khí rất trong lành, nhiều cây xanh. Ơn trời, thím ta chắc sợ chú tôi nên đã gửi bà vào trại dưỡng lão không đến nỗi nào! Nơi đây bà có rất nhiều bạn, toàn những ông bà sàn sàn tuổi nhau, người bị lẫn giống bà, người bị liệt chân... cũng có người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng con cái mải làm ăn không quan tâm đến nên họ xin vào đây sống cho có bạn có bè.
Tôi ngồi cạnh bà, nghe bà kể chuyện với hai bà bạn cùng phòng, những câu chuyện rối rắm chẳng đâu vào đâu cả nhưng hai bà bạn cùng phòng rất kiên nhẫn lắng nghe và bình luận nhiệt tình. Bà nội rất vui cứ luyên thuyên đủ thứ chuyện, thi thoảng quay sang vuốt tay tôi trìu mến hoặc lại giật mình nhìn tôi một cách xa lạ “Cô là ai thế?”. Tôi mỉm cười giải thích. Có khi, tôi chưa kịp giải thích gì thì hai bà bạn của bà đã nói hộ. Hai bà ở cùng phòng bà nội, một người bị mờ một mắt, người kia lại bị khớp nên đi lại khó khăn, nhưng họ vẫn còn tỉnh táo. Hai bà mừng rỡ khi biết tôi là cháu của bà, cứ nắm tay tôi nhắc đi nhắc lại là nhớ vào thăm lần nữa nhé. Tôi gật đầu, xoa xoa tay hai bà như chính họ là bà nội tôi vậy. Ôi, những người già cô đơn, họ tội nghiệp mà dễ thương vô cùng.
Trở về nhà, tôi chợt nghĩ, có khi bà nội vào đó lại vui, bà có bạn để chia sẻ, bà được hưởng không khí trong lành, được tha hồ sống trong những câu chuyện không đầu, không cuối, không rõ mặt người của mình. Khi những người cô đơn tìm đến với nhau, họ mang theo rất nhiều yêu thương, rất nhiều bao dung và rất nhiều cảm thông để chia cho nhau, mỗi người chia một ít, vì thế mà mọi thứ trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn, giờ nhiệm vụ chính là kiếm thật nhiều tiền để lo cho bà thôi. Tôi vẫn nung nấu ý định đón bà về sống cùng mình, tôi sẽ thuê một người trông nom bà những lúc tôi bận đi làm, và mỗi tối, vứt bỏ hết mọi mệt mỏi mưu sinh, tôi lại được ôm bà, xoa xoa đôi bàn tay nhăn nheo và kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện chưa từng có kết thúc của bà.
Chương 8.2
Buổi sáng, khi tôi đang đánh răng ngoài bể nước ở khu trọ thì Ria Mép vắt vẻo cái khăn trên vai đi về phía tôi. Tôi giơ tay ra hiệu như chào, anh ta cũng gật đầu cười lại. Chẳng cần phải nói gì thêm, anh ta ngồi xuống bên cạnh, nhìn sang tôi hỏi:
“Này, lâu nay có nói chuyện với Gia Cầm không?”
Tôi đang ngậm đầy bọt đánh răng trong mồm nên chỉ gật gật, nhưng Ria Mép có vẻ không hiểu lắm, anh ta cáu nhặng lên:
“Không có mồm à? Hỏi không nói gì cả!”
Ối giời, ức hết cả chế! Rõ ràng thấy mồm người ta đầy kem đánh răng mà còn đòi hỏi nói năng cái gì nữa! Tôi tức chí, ngậm một ngụm nước to phun thẳng vào chân anh ta, anh ta vội vàng nhảy ra để tránh.
“Cô làm cái quái gì thế hả? Bẩn bỏ xừ ra ấy!”
“Đáng đời, không thấy người ta đang đánh răng hay sao mà bắt nói? Lâu rồi mới gặp nhau mà cũng không mở mồm ra nói được câu tử tế nào là sao?”
Ria Mép thấy bộ dạng bực bội của tôi bèn có vẻ nhún nhường hơn:
“Ừ, quên mất! Thế cô dạo này thế nào?”
“Vẫn sống nhăn răng ra đây!”
“Nhìn là biết rồi, sống như một con nhện chết đói, cô nhìn lại mình đi, chân tay dài ngoằng như ông Châu Chấu rồi đấy.”
“Mặc xác tôi!”
“Ừ, thì mặc xác cô!”
Ria Mép lại vắt khăn lên vai, nguẩy lưng đi thẳng, đi được một đoạn lại ngoái lại:
“Này, Gia Cầm vẫn liên lạc với cô chứ?”