Sau mấy lần đụng độ nảy lửa vừa qua, Sâm Cầm đã hùng hồn tuyên bố rằng không phải tất cả đàn ông có ria mép đều quyến rũ như nhau, và tôi tán thưởng điều đó. Hai đứa tự lên dây cót cho nhau để chuẩn bị tinh thần sống chung với lũ, một cơn lũ quá gian manh và nguy hiểm. Nói chung, trong một vài trường hợp, khi biết đối thủ mạnh hơn mình, bạn nên học cách chấp nhận hơn là đối đầu, đó là cách tốt nhất để tránh thương tổn cho bản thân.
Buổi trưa hôm ấy, nắng và nóng kinh người, tôi cố lôi Sâm Cầm đến bệnh viện làm nốt thủ tục ra viện cho Ria Mép . Sâm Cầm mở cửa ra, thấy cái nóng hừng hực ngoài sân bê tông xộc lên mặt thì nó chui tọt vào phòng nhăn mặt lắc đầu từ chối. Thấy tôi vẫn cương quyết, nó giở bài cùn, rủ rê tôi “xù” luôn việc đóng viện phí , nó bảo đằng nào lão bác sĩ cũng có biết mày là ai đâu mà sợ mang tiếng. Nghe có vẻ có lý, nhưng tôi cảm giác thế nào ấy, người ta đã giúp mình, mà mình vô ơn thế thì há chẳng phải đê tiện quá sao? Dù mình chẳng quân tử hơn ai, nhưng nhất quyết không thể tự biến mình thành kẻ đê tiện và tiểu nhân được. Loay hoay một lúc, hai đứa lo sợ lương tâm cắn rứt nên đã lao đến bệnh viện bất chấp thời tiết như muốn thiêu cháy cả người. Suy cho cùng, chỉ có tôi mới chịu vào sinh ra tử với Sâm Cầm và chỉ có Sâm Cầm mới chịu lao ra nắng lửa mưa giông với tôi thôi.
Bệnh viện đông nghịt người, tôi ngơ ngác đứng trước cửa phòng bác sĩ, chả thấy bóng người nào. Tôi chợt nhớ tới tờ giấy bác sĩ đưa cho mình, vội vàng thò tay vào túi quần tìm. Nhưng than ôi, nó đâu còn ở đây nữa, lục hết túi trước sang túi sau, chẳng có dấu hiện gì cho sự tồn tại của nó. Rõ ràng tối qua tôi nhét vào túi sau, hôm qua về không kịp giặt, trưa nay vẫn mặc cái quần này để đi cơ mà. Rốt cuộc thì nó nằm đâu ? .
Sâm Cầm kéo tôi vào nhà vệ sinh, rũ đến nát cái quần của tôi ra để tìm nhưng đều vô ích. Ôi trời ! có khi tối qua mải lao vào can ngan Sâm Cầm và Ria Mép gây sự với nhau trên đường về nên tôi làm rơi tờ giấy ở đâu đó rồi. Chết tiệt thật, giờ biết tìm tay bác sĩ ấy ở đâu đây ? Phòng trực không có, số điện thoại bị mất, tên cũng chả biết tên gì luôn, thật là nan giải. Sâm Cầm thấy tôi mặt ngẩn ra thì hiến kế
“ Này, hay chúng ta về đi, đằng nào mình cũng không tìm được anh ta mà”
“ Không được, đã đến đây rồi thì cũng nên chịu khó tìm chứ, bỏ về thế này thì mình… xấu xa quá”
“ Có gì mà xấu, mình cũng có lòng đến đây rồi chứ có phải muồn có ý định chuồn đâu, thôi… về cho lành, ở đây đông đúc khó chịu”.
Dù Sâm Cầm nói thế nào, tôi vẫn nhất quyết không chịu về. Cuối cùng, cô nàng chấp nhận ở lại cùng tôi.
Chúng tôi xoay qua xoay lại hỏi mấy cô y tá tung tích của tay bác sĩ nọ, nhưng cô nào cũng vội vã, hoặc trả lời qua loa, hoặc trừng mắt quát nạt. Hai đứa vừa bực vừa nản đành kéo nhau ngồi xuống ghế chờ trước hành lang. Chờ chẳng được lâu, Sâm Cầm có điện thoại từ công ty, phải đi gấp, tôi chấp nhận ở lại đợi một mình, dù sao đã mất công đợi thì đợi luôn một thể. Dù thế nào, khi đã đi thì cũng nên đi đến cùng chứ nhỉ ? Tôi ghét làm mọi việc theo kiểu lưng chừng, vì thế, chả có gì đáng ngạc nhiên nếu tôi nhất định tìm bằng được tay bác sĩ kia cả.
Sâm Cầm đi rồi, tôi im lặng ngồi nhìn dòng người chạy đôn đáo dọc hành lang bệnh viện. Công nhận, có vào bệnh viện mới thấy sức khỏe quý giá đến mức nào, đi qua tôi là những khuôn mặt nhăn nhó vì đau, những khuôn mặt không giấu được sự lo lắng bất an, những khuôn mặt ướt nhòa nước mắt. Tôi luôn sợ bệnh viện, sợ mùi thuốc sát trùng ở đây và sợ cảm giác hối hả giành giật sự sống từng giây khi bước chân vào nơi này. Tất cả nó, đều khiến tôi nhớ đến giây phút cuối cùng của mẹ, những giây phút trái tim tôi bị bóp nghẹt và nỗi đau xâm chiếm cả cơ thể lẫn tâm hồn. Cảm giác đó, năm năm qua tôi chưa từng quên.