Buổi sáng chủ nhật, cả nhà đông đủ nên Quân quyết định sẽ trổ tài nấu ăn. Anh hào hứng muốn thực hành ngay một vài món trong số những món ăn đã được Vi dẫn đi thưởng thức mấy ngày vừa qua. Anh chọn món bún chả Hà Nội để làm “tác phẩm” thực tập đầu tay sau khi đã trưng cầu ý kiến mọi người, có cân nhắc đến tất cả các điều kiện khách quan (ví dụ như thời tiết: trời lạnh thế này ngồi quạt chả thì ấm phải biết) và chủ quan (ý thích của Vi đóng vai trò quyết định). Vốn có năng khiếu bẩm sinh, nên “tác phẩm” của anh tương đối thành công (chả nướng thơm lừng, vàng đều mà không cháy), duy chỉ có nước chấm là anh cho đường hơi quá tay, nhưng về tổng thể vẫn rất ngon, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Bữa trưa đầm ấm kéo dài đến hơn hai giờ chiều. Nghỉ ngơi một lúc, quãng năm giờ, Quân rủ Vi lên phố cổ mua mấy thứ đồ lưu niệm để anh mang về Canada vừa làm quà tặng, vừa để trưng bày trong quán. Vi miễn cưỡng gật đầu, dù trong lòng không muốn đi đâu cả, nhưng cô cũng không nỡ để anh đi một mình. Chiếc xe máy cà tàng của bà bác lại được trưng dụng. Ngồi lên xe, Quân vừa cười vừa bảo Vi: “Em phải bám cho chắc vào, kẻo bị rơi giữa đường thì anh cũng không đảm bảo đâu”. Vi cũng cười trêu anh: “Nếu anh sợ thì để em chờ, hồi trước em cũng tổ lái lắm đấy”. Quân vội vàng lắc đầu: “Thôi, anh không có gan ngồi sau xe phụ nữ”.
Vào đến trung tâm, Vi mới phát hiện ra hôm nay là Noel. Ở khu nhà bà bác chẳng có tí không khí nào nhưng ở đây thì thật là rầm rộ. Nhìn những biểu tượng trang trí trước cửa Tràng Tiền Plaza và các cửa hàng xung quanh bờ hồ, Quân cứ xuýt xoa kêu nhớ Noel ở Toronto quá. Dọc theo bờ hồ, đông nghịt những người là người. Dòng người đổ vào nhà thờ lớn kéo dài ra đến tận đây, gây tắc cả một tuyến phố, chủ yếu là những người trẻ tuổi, trai thanh, gái lịch, ăn mặc rất mốt. “Ở Hà Nội cũng có nhiều người theo đạo Thiên Chúa quá nhỉ”, Quân nhận xét. Vi phì cười, giải thích: “Không phải đâu, phần lớn là người ta đi chơi thôi. Chẳng theo đạo gì cũng thích vào nhà thờ xem làm lễ. Bây giờ ở nước ngoài có ngày lễ nào thì ở Việt Nam cũng có y như vậy, mà có phần còn hoành tráng hơn ý chứ”. “À, ra thế. Vậy hôm nay anh hên rồi, được đi chơi Noel ở Hà Nội. Em có muốn vào nhà thờ không?”, anh quay sang hỏi Vi. Cô tròn mắt, lắc đầu: “Anh định chen vào cái đám đông này á? Thôi mình qua phía bên kia sang Hàng Gai mua đồ lưu niệm cho anh”. Nhưng len lỏi một hồi giữa đám đông, chẳng hiểu làm sao, Vi lại thấy mình đang chui ra đứng trước cửa hiệu kem Tràng Tiền. Trời lạnh mà sau một hồi chen lấn, Vi thấy nóng toát cả mồ hôi. Cô bèn kéo tay Quân, chỉ vào hàng kem: “Anh có muốn nếm thử kem Tràng Tiền không?”. “Đâu, đâu, có chứ”, Quân đang cố gắng nắm chặt tay Vi cho khỏi lạc, vội lách ra, trả lời. Hóa ra chẳng phải mỗi một mình Vi có ý tưởng ăn kem giữa tiết trời lạnh mười hai độ C này. Vì vậy sau một hồi xếp hàng đợi dài cổ, cô và Quân mới được cầm trên tay hai que kem đậu xanh nổi tiếng của đất Hà thành. “Anh thấy ngon không?”, cô hỏi. “Tất nhiên là ngon rồi, đặc biệt là sau khi xếp hàng nửa tiếng mới mua được”, anh cười. Cô cũng cười, tự nhiên thấy nụ cười của anh thân thương lạ lùng. Vừa nắm tay anh, vừa ăn kem, vừa ngước mắt ngắm phố phường rực rỡ ánh đèn, cô thấy anh và cô như một đôi tình nhân thực thụ, cũng giống y như những đôi trai gái trong dòng người tấp nập này. Một chút chạnh lòng khi nỗi nhớ bỗng chạm vào ký ức: ngày xưa, Nguyên và cô cũng đã từng có những lúc tay trong tay lang thang trên những con phố như thế này. Nhưng những con phố ở Toronto nơi họ đã đi qua thường vắng lặng, bình yên chứ không ồn ào và náo nhiệt như con đường mà cô đang đi. Đối với cô, Nguyên của quá khứ và Quân của hiện tại giống như là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Cô thoáng rùng mình, tự hỏi, nếu như Nguyên có thể tự do đến với cô, anh có thích được nắm tay cô, vừa ăn kem, vừa lang thang trên phố như cô đang làm bây giờ không? Hay một người bận rộn như anh, sẽ chẳng bao giờ có thời gian dành cho những hoạt động “không sinh lời” như thế này?
Đi qua cầu Thê Húc, bỗng Quân kéo tay cô: “Mình chụp một cái hình làm kỷ niệm đi, đến thủ đô mà anh chưa có cái hình nào chụp cùng em cả”. “Ở đây đông thế này chụp không đẹp đâu”, Vi thoáng do dự. “Đi lên giữa cái cầu kia, vắng hơn”, vừa nói anh vừa kéo tay Vi lên cầu, không để cho cô kịp phản đối. “Mình có mang theo máy ảnh đâu?”, Vi khẽ kêu lên. “Có ông thợ ảnh kia rồi, mình tự chụp cùng đâu đẹp bằng thợ chuyên nghiệp”, anh trả lời cô, chỉ tay về phía đám thợ ảnh đang đứng trên vỉa hè. Đây hẳn là bài học kinh tế cụ thể nhất mà Vi được học về mối quan hệ cung - cầu. Chẳng đợi cho Quân phải chỉ tay đến lần thứ hai, “hiện tượng kinh tế” này ngay tức khắc xảy ra: cả mấy bác thợ ảnh đều đổ xô đến bao vây lấy cô và anh với hàng tá những tiếng mời chào xôn xao. “Được rồi, được rồi - Quân cười, túm lấy một cậu trẻ trẻ đứng gần anh nhất - Anh chụp cho chúng tôi mấy kiểu ở đây”. Chỉ đợi có thế, cậu thợ ảnh lập tức trổ tài đạo diễn. Cô và Quân bỗng nhiên được trở thành những diễn viên bất đắc dĩ.