[1] Một loại xe buýt chạy trên một tuyến đường ngắn nhất định, cụ thể ở đây là chở khách của sân bay vào trung tâm thành phố.
Chương 20: Hội chợ Tết
Từ Việt Nam quay lại đã vào học kỳ mới, học kỳ cuối cùng có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định đối với cuộc đời Vi. Bị cuốn vào nhịp sống hối hả quen thuộc, Vi không để ý là đã lại sắp Tết. Ai cũng bảo những người có may mắn sống giữa sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông - Tây 0, một năm được ăn Tết những hai lần (Tết Tây và Tết Ta). Nhưng thật ra chỉ có người trong cuộc mới hiểu họ sẽ chẳng bao giờ được hưởng một cái Tết nào trọn vẹn theo đúng nghĩa. Tết Tây, hay nói đúng hơn là dịp Noel, thì những người ngoại đạo như Vi chỉ tham gia cho có không khí, chứ cô làm sao hiểu hết ý nghĩa và các nghi thức truyền thống của ngày lễ này. Còn Tết Ta thì lại chỉ phiên phiến vì không phải quốc lễ, hơn thế nữa, dù có đầy đủ về vật chất đến đâu chăng nữa (bánh chưng, bánh tét đủ cả), tết của người xa xứ vẫn luôn thiếu vắng cái phần hồn là ý nghĩa tinh thần thiêng liêng của ngày lễ này.
Năm nay Tết Ta đến muộn, vào khoảng giữa tháng hai. Vi nhớ bố và em trai vô hạn, thương bố đến nao lòng. Tết ở trong trại giam, chỉ có người bác họ và cậu em trai của cô đến thăm nuôi, chắc bố cũng rất nhớ con gái. Thật tiếc là lần về thăm nhà này cô không thể ở lại lâu hơn. Nhưng năm sau tốt nghiệp xong, nhất định cô sẽ phải về ăn Tết ở quê nhà. Vi khẽ thở dài. Lại bắt đầu phải cố gắng chắt bóp từng đồng, từng hào thôi - Vi nghĩ.
Mặc dù bội thực trong sự chăm sóc của Quân, nhưng chưa năm nào cô lại cảm nhận rõ nỗi cô đơn của mình như năm nay. Gặp được một người tốt như Quân, đúng là số cô có sao Thái Dương chiếu mệnh. Anh không chỉ là vị cứu tinh của cuộc đời cô, mà lý tưởng hơn nữa, anh còn thật lòng yêu cô tha thiết, chăm lo cho cô từng ly từng tí. Anh cũng dễ nhìn, duyên dáng, thông minh, chăm chỉ, chỉn chu, biết lo toan... Cô còn muốn cái gì hơn thế nữa? Có họa là điên mới không chấp nhận tình cảm chân thành của một người ưu tú như Quân chỉ để chạy theo chút hoài niệm về một kẻ bội bạc như Nguyên. Nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, Vi biết rằng cô vẫn chưa thể nào quên người đó. Mặc dù trái tim có những lý lẽ riêng của nó, nhưng trước một lý lẽ phi lý như vậy, cô bắt đầu thấy nghi ngờ con tim mù quáng của mình... Cô cũng biết rằng, chỉ cần cô gật đầu, nghiễm nhiên cô sẽ lập tức trở thành bà chủ quán cơm (Vi bật cười trước hình ảnh liên tưởng thực tế vừa lướt qua trong đầu), cô sẽ có thể sống một cuộc sống ổn định, có thể yên tâm lo cho em cô ăn học và bố cô an hưởng tuổi già. Thế nhưng ngay lúc này đây, cô vẫn đang phải sống trong sự dằn vặt của lương tâm. Cảm giác tội lỗi cứ đè nặng lên trái tim cô. Tình cảm phải được đền đáp lại bằng tình cảm, mà sao cô vẫn không thể nào làm được?
- Tất nhiên là được ạ - Cô trả lời Quân qua điện thoại.
Quân hỏi cô có thể đi hội chợ Tết người Việt với anh được không. Mặc dù thời gian này cô đang phải học thi, nhưng dành một buổi tối đi hội chợ chắc cũng không ảnh hưởng gì lắm. Cái chính là Vi không muốn làm anh buồn.
Hội chợ Tết người Việt năm nào cũng được tổ chức vào dịp trước Tết Nguyên Đán khoảng hai tuần, do hội người Việt ở Toronto đứng ra tổ chức. Hội chợ là một cố gắng lớn của cộng đồng người Việt ở đây nhằm duy trì những gì còn sót lại của văn hóa cổ truyền, cũng là một cách để giới thiệu đến người Việt thế hệ thứ hai một phần nào bản sắc và truyền thống dân tộc. Những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc này đã ít nhiều bị rơi vãi và mai một trong hành trình dài từ cố quốc sang đây. Sang đến bên này, nó lại bị mai một dần chính trong ký ức của những con người còn mải vật lộn với cơm áo, gạo tiền của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, chỉ cần qua một thế hệ nữa, những tập tục này có lẽ sẽ chỉ còn là một bản sao chép rút gọn của nguyên gốc mà thôi. Mà cũng có thể một phần do điều kiện, hoàn cảnh - Vi nghĩ, khi nhìn thấy những chiếc bánh chưng gói lá chuối, có buộc dây ny-lon đang được bày bán trên các quầy hàng. Ở đây lá dong còn đắt hơn thịt nên người ta cũng phải phát huy khả năng sáng tạo để thích nghi với hoàn cảnh thôi.
Hội chợ được tổ chức tại khu nhà triển lãm khá lớn ở trung tâm Toronto. Năm nay ban tổ chức còn mời được cả MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên cùng một vài ca sĩ tên tuổi về góp vui. Vé vào cửa loại thường đồng hạng hai mươi đồng. Cô và anh len lỏi giữa dòng người ồn ào. Không khí tết ngập tràn khắp nơi. Nào bánh chưng, bánh tét, chả lụa, kiệu muối, chả giò... thôi thì đủ cả. Những quả dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng xếp thành những ngọn núi nhỏ trên các quầy hàng. Những túi quất vàng ươm, lá vẫn còn xanh trên cuống. Mãng cầu (Thái Lan), dừa xiêm (Thái Lan), đu đủ (USA), xoài (cũng Thái Lan)... được trưng bày trông thật bắt mắt. Các bà nội trợ đang xúm quanh mấy quầy hoa quả chọn mua để mang về bày mâm ngũ quả. Đây đó thấp thoáng tà áo dài hoặc xường xám (ở đây có nhiều người gốc Hoa) của các bà, các mẹ và các em bé (chứ không hề thấy có cô gái trẻ nào mặc trang phục truyền thống). Vi đưa mắt tìm quanh quầy bán hoa, nhưng chỉ thấy màu vàng nổi bật của hoa mai hoặc màu sắc rực rỡ của các loại hoa khác, chứ tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một nhánh hoa đào. Đây rõ ràng là tết Sài Gòn 100% - Vi nghĩ. Cô bỗng nhớ quay quắt những cái tết Hà Nội có đông đủ cả nhà.