Gần bảy giờ Ninh Manh mới tới, nói rằng bị kẹt xe. Còn nói thủ đô giờ đã biến thành “thủ đổ” mất rồi, đường có thể tắc đến chết người. Cô vừa bước vào, bà Thượng Vân đã niềm nở: “Đói rồi hả, mau rửa tay ăn cơm.”
首堵”, âm Hán Việt đọc là “thủ đổ”, ý chỉ nơi hay bị tắc nghẽn nhất.
Trên bàn ăn, bà không ngừng gắp đồ ăn cho Ninh Manh, thi thoảng cũng gắp cho chồng con vài đũa, nhưng với Bạch Lộ thì một đũa cũng không. Khoảnh khắc đó, cô bất giác cảm thấy mình như đang trở lại quãng thời gian trước đây, ngồi ăn cơm ở nhà chú, thím chỉ lo gắp đồ ăn cho con đẻ, còn cô chỉ bưng một bát cơm trắng, mỗi khi đưa tay gắp thức ăn đều phải vô cùng cẩn thận. Bàn ăn là nơi dễ khiến người ta nhận ra sự dư thừa của bản thân.
Bữa cơm này, Bạch Lộ không hề cảm thấy ngon miệng.
Sau bữa cơm, Ninh Manh lại quấn lấy Dương Quang, đòi anh chia sẻ bí quyết làm bài thi tiếng Anh, nói rằng anh thi lần nào cũng đỗ, hẳn phải có tuyệt chiêu gì đó. Cô ấy cứ bám lấy Dương Quang không buông, thân hình bé nhỏ lúc đong đưa lúc õng ẹo, đôi môi đỏ mọng chu lên như trái anh đào xinh xắn. “Anh có tuyệt chiêu gì mau bật mí cho em biết đi, nếu không em chết mất!”
Cha Dương Quang vẫn vậy, ăn xong là vào phòng đọc sách, Dương Quang cũng bị Ninh Manh lôi vào phòng bắt truyền bí quyết làm bài thi, phòng khách chỉ còn lại Bạch Lộ và bà Thượng Vân.
Thượng Vân nói vu vơ: “Con bé Manh Manh này từ bé đã thích bám lấy Dương Quang. Hai đứa nó lớn lên cùng nhau từ nhỏ, Dương Quang thường đưa con bé đi chơi khắp nơi. Hồi đó Dương Quang rất thích cô em gái nhỏ này, chúng tôi thường nói đùa để Manh Manh làm vợ nó được không, nó gật đầu lia lịa, hồ hởi đồng ý, còn nói thích nhất là em Manh Manh.”
Bạch Lộ lắng nghe, trong lòng như tâm sen bị giội nước sôi, vị đắng chát cứ rỉ ra từng chút.
Tối nay, Bạch Lộ ở lại nhà Dương Quang không lâu, cô xin phép ra về sớm. Dương Quang mặc áo khoác định đưa cô về thì Thượng Vân nói: “Mới hơn tám giờ, đã muộn lắm đâu! Con đưa Bạch Lộ đến bến xe bus gần đây được rồi. Manh Manh còn đang đợi con kìa, đi rồi về sớm.”
Sau khi ra khỏi nhà Dương Quang, Bạch Lộ cứ im lặng chẳng nói một lời, Dương Quang hỏi với vẻ khó hiểu: “Em sao vậy, vừa rồi vẫn vui vẻ cơ mà?”
Bạch Lộ buồn bực đã lâu, cuối cùng không nhịn được nữa, kể lại cho anh những lời bà Thượng Vân nói. Anh nghe xong, mỉm cười không đồng ý: “Đúng, hồi nhỏ anh có nói như vậy, nhưng nào có ý nghĩa gì, khi đó anh có hiểu gì đâu. Em không phải vì chuyện này mà ghen tuông, giận hờn đấy chứ? Ngốc ạ!”
Tất nhiên Bạch Lộ không phải vì những lời kể về Dương Quang hồi còn nhỏ mà ghen tuông, giận hờn, mà vì ẩn ý của bà Thượng Vân trong những lời nói đó. Rõ ràng, con dâu tương lai lý tưởng nhất của bà là Ninh Manh, chẳng trách bà luôn lạnh nhạt với mình. Bà không trực tiếp phản đối cô với Dương Quang, có lẽ thứ nhất là muốn giữ hình ảnh tiền bối có tư tưởng tiến bộ, thứ hai là sợ phản tác dụng, càng ngăn cấm thì con trai càng kiên trì không từ bỏ.
Dương Quang lại không cảm thấy vậy. Từ trước tới giờ, anh không phải là người tinh ý, lại càng không để tâm đến những chuyện thế này. “Mẹ anh chỉ kể chuyện hồi nhỏ của anh thôi mà, em nghĩ đi đâu vậy? Anh và Ninh Manh sao có thể, anh luôn coi nó là em gái.”
Dương Quang là vậy, mọi thứ trong mắt anh đều rất đơn giản, đây là ưu điểm và cũng là nhược điểm của anh. Bạch Lộ không muốn nói thêm nữa, nói thêm chỉ khiến cô trở thành kẻ lòng dạ hẹp hòi.
Bạch Lộ quen Dương Quang năm cô hai mươi tuổi.
Nửa năm sau thì nhận được lời tỏ tình và trở thành bạn gái của anh.
Ban đầu cô không có ý định sẽ yêu ai khi còn đang đi học. Khi đó, có thể hoàn thành chương trình đại học hay không là cả một vấn đề nên cô chẳng có tâm tư mà để ý đến những chuyện phong hoa tuyết nguyệt. Năm nhất, năm hai, cô làm thêm thục mạng để tích cóp tiền đóng học phí, đến năm ba mới có thể thong dong một chút nhờ sự giúp đỡ của Thiệu Dung.
Lúc đó, cô vẫn còn do dự. “Chị Dung, sao em có thể dùng tiền của chị được!”
“Đừng khách sáo với chị như thế! Chị không giúp em thì ai giúp, trước đây không có điều kiện nên chẳng thể giúp gì, giờ đã khác rồi, em đừng nói những lời khách sáo nữa. Em cũng biết chị luôn coi em như em ruột của mình mà!”
Bạch Lộ không từ chối nữa. Thực sự, cô cũng coi Thiệu Dung như chị ruột. Cô không phải không có người thân, nhưng các chú thím, những người thân trên danh nghĩa ấy đối đãi với cô còn chẳng bằng một phần Thiệu Dung, người chẳng có quan hệ huyết thống gì với cô. Năm đó, sau khi giấy báo trúng tuyển đại học của cô được gửi về, hai người chú đều chẳng nói một lời, hai người thím thì mặt mày xám xịt. Chi phí cho bốn năm đại học không phải là con số nhỏ, chẳng ai muốn đứng ra gánh khoản tiền này, dù chỉ là đóng góp.